Thị trường nhân thọ Việt Nam chuẩn bị đón thêm công ty bảo hiểm mới. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường nhân thọ Việt Nam chuẩn bị đón thêm công ty bảo hiểm mới. Ảnh: Dũng Minh

Bancassurance “tăng nhiệt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo nhiều nguồn tin, một ngân hàng cổ phần trong nước sẽ mua giấy phép của một hãng bảo hiểm đã bán để thành lập công ty bảo hiểm mới trong thời gian tới, qua đó dự báo trước “sự tăng nhiệt” của thị trường bancassurance.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang có 19 công ty bảo hiểm thuộc nhiều tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới khai thác và mặc dù tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp (chỉ hơn 10% dân số có bảo hiểm, theo thống kê của Bộ Tài chính), song hầu hết doanh nghiệp đều nhìn nhận rằng, khi niềm tin vào bảo hiểm ngày càng tăng thì tỷ lệ này sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Khảo sát Manulife Asia Care Survey lần thứ 3 được thực hiện vào thời điểm cuối năm 2021 cho biết, có 91% người được khảo sát có kế hoạch mua bảo hiểm trong 12 tháng tới, trong đó bảo hiểm nhân thọ là 55%, bảo hiểm sức khỏe là 45% và bảo hiểm tai nạn là 41%.

Về cơ bản, dẫn dắt sự tăng trưởng của thị trường nhân thọ năm 2021 vẫn là các hãng bảo hiểm có thị phần lớn với những hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) độc quyền giá trị cao, cũng chính là đòn bẩy tăng doanh số phí mới cho các hãng bảo hiểm. Những năm qua, mức tăng trưởng phí mới đến từ kênh bancassurance luôn cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình thị trường (năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 22% so với năm 2020).

Theo đó, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh và trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng năm 2022. Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, thị trường này sẽ vẫn sôi động sau những thương vụ đã ký kết, cùng với kỳ vọng Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại với Manulife và AIA, hay HDBank và LienVietPostBank có thể ký hợp đồng bancassurance độc quyền mới…

Đại diện Shinhan Life Việt Nam - công ty bảo hiểm thứ 19 vừa chính thức ra mắt thị trường vào đầu tháng 2/2022 cho biết, trong năm đầu tiên hoạt động, bên cạnh kênh bán hàng qua điện thoại (tele-marketing) hay trên nền tảng kỹ thuật số (digital marketing), nhà bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này sẽ tập trung phát triển mạnh kênh bancassurance và xem đây là chiến lược trọng yếu trong các năm tới, song song với việc đánh giá mô hình cũng như xem xét khả năng lại lợi nhuận của các kênh bán hàng không tiếp xúc.

Trong khi đó, công ty bảo hiểm nhân thọ đang trong quá trình thành lập nêu trên được cho là sẽ “khuấy đảo” thị trường bancassurance khi chính gia nhập thị trường nhờ lợi thế tệp khách hàng lớn của ngân hàng mẹ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của một ngân hàng thương mại cổ phần, doanh thu bảo hiểm nhân thọ tính riêng trong tháng 2/2022 (thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày) đạt khoảng 100 tỷ đồng và ngân hàng này ước tính doanh thu cả năm sẽ ở mức 1.000 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn của bancassurance. Điều này lý giải vì sao đây là kênh phân phối được nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh và sẵn sàng chi đậm để có thể triển khai độc quyền trong dài hạn.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 5 doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2021 lần lượt là Manulife (11.502 tỷ đồng), Prudential (6.741 tỷ đồng), Bảo Việt Nhân thọ (6.078 tỷ đồng), Dai-ichi Life (5.987 tỷ đồng) và AIA (4.089 tỷ đồng)

Còn về tổng doanh thu phí bảo hiểm và thị phần thì thứ tự lần lượt là Bảo Việt Nhân thọ (30.544 tỷ đồng và 19,15% thị phần), Manulife (29.695 tỷ đồng và 18,62% thị phần), Prudential (28.790 tỷ đồng và 18,06% thị phần), Dai-ichi Life (18.647 tỷ đồng và 11,69% thị phần) và AIA (16.558 tỷ đồng và 10,38% thị phần).

Năm vị trí tiếp theo gồm MB Ageas (5.876 tỷ đồng và 3,68% thị phần), Chubb Life (4.500 tỷ đồng và 2,82% thị phần), Generali (4.340 tỷ đồng và 2,72% thị phần), FWD (4.174 tỷ đồng và 2,62% thị phần), Hanwha Life (3.961 tỷ đồng và 2,48% thị phần).

Tin bài liên quan