Hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam đều đã “bắt tay” với ít nhất là một ngân hàng để bán bảo hiểm

Hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam đều đã “bắt tay” với ít nhất là một ngân hàng để bán bảo hiểm

Bancassurance, năm của cạnh tranh khốc liệt

(ĐTCK) Dù bancassurance chưa phải là “con gà đẻ trứng vàng” cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng mức độ cạnh tranh ở mô hình này không vì thế mà kém gay gắt.

Có thể nói đến, thời điểm này, hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam đều đã “bắt tay” với ít nhất là một ngân hàng để bán bảo hiểm.

Xu hướng hợp tác giữa một doanh nghiệp bảo hiểm và một ngân hàng dự báo còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, bởi mối tương quan giữa bảo hiểm và  ngân hàng đã khiến hai ngành kinh doanh này luôn có xu hướng tiệm cận với nhau trên quỹ đạo phát triển.

Không chỉ là những cái “bắt tay” đơn thuần để cung cấp dịch vụ của nhau, xu hướng ký kết độc quyền để thiết lập một mối quan hệ lâu dài cũng trở thành một xu hướng mới trong việc phát triển bancassurance. Tất nhiên, đề hoàn tất một thương vụ độc quyền không hề dễ dàng. Tiền chỉ là một trong những yếu tố cần có của mối quan hệ có thể kéo dài 10 năm, hoặc lên đến 15 năm này.

Nếu như với những quan hệ hợp tác không độc quyền, khi một ngân hàng có thể ký kết hợp tác cùng lúc với nhiều đối tác để cung cấp sản phẩm thì các công ty bảo hiểm sẽ phải cạnh tranh với nhau không chỉ trong việc chăm sóc khách hàng, mà còn trong “chăm sóc” ngân hàng, nhân viên ngân hàng đã ký kết hợp tác. Cuộc cạnh tranh này cũng vô cùng khốc liệt.

Còn đối với các thương vụ hợp tác độc quyền, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, xu hướng này còn tiếp diễn, nhưng việc đàm phán và chốt hạ những hợp đồng độc quyền không hề dễ dàng, giá trị cũng cao hơn.

Trao đổi với ĐTCK tại lễ ký kết hợp tác với một ngân hàng, CEO một công ty bảo hiểm lớn chia sẻ, công ty ông cũng muốn hợp tác độc quyền, nhưng phía ngân hàng chưa hoàn toàn sẵn sàng. Có lẽ họ cần thời gian để tìm hiểu đối tác trước khi quyết định tiến tới một mối quan hệ dài lâu.

“Tìm hiểu và chọn lựa kỹ hơn sẽ là xu hướng chung của các ngân hàng khi quyết định “bén duyên” lâu dài với một công ty bảo hiểm nhân thọ nào đó”, một chuyên gia trong ngành nhận định.

Tại các thị trường bancassurance đã phát triển mạnh, tỷ trọng doanh thu mà kênh này đem lại trong tổng doanh thu phí bảo hiểm trung bình khoảng 30%. Ở một số thị trường, doanh thu của kênh này có thể lên tới 50%.

Trở lại với câu chuyện tiềm năng và doanh thu của kênh bancassurance, vị CEO của công ty bảo hiểm nhân thọ trên nói rằng: “Chúng ta đang nói rất nhiều về sự phát triển của bancassurance, nhưng doanh thu thực tế của kênh này mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Bancassurance đang phát triển rầm rộ, nhưng không phải công ty nào cũng gặt hái được thành quả”.

Theo kinh nghiệm của vị CEO, tất cả các thị trường châu Á mà vị này đã làm việc thì bancassurance ban đầu được xem như một kênh phân phối rất tiềm năng và tích cực triển khai, nhưng một thời gian dài sau đó, việc bán hàng qua kênh này không cho doanh thu như kỳ vọng. Chỉ đến khi có một doanh nghiệp tìm đúng hướng cho kênh phân phối này bật lên thì mới tạo ra “cú hích” cho toàn thị trường bứt phá.

“Tôi tin ở Việt Nam, sự phát triển của bancassurance cũng không vượt ra ngoài quy luật này”, vị CEO trên nói và cho rằng, có thể bancassurance cũng đang tiến tới rất gần điểm bứt phá này. 

Thực tế, tại các thị trường bancassurance đã phát triển mạnh, tỷ trọng doanh thu mà kênh này đem lại trong tổng doanh thu phí bảo hiểm trung bình khoảng 30%. Ở một số thị trường, doanh thu của kênh này có thể lên tới 50%.

Khó có thể đưa ra dự báo khi nào thì doanh thu từ kênh bancassurance sẽ đóng góp 30% vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Bởi dù các doanh nghiệp bảo hiểm rất nỗ lực phát triển, nhưng trở ngại là hệ thống ngân hàng chưa hoàn toàn tự động hóa và người dân vẫn còn thói quen giao dịch tiền mặt quá nhiều, vì vậy, quá trình để tiến đến cột mốc doanh thu 20-30% có thể sẽ lâu hơn so với các thị trường đi trước.

“Ở những thị trường khác, nơi công ty chúng tôi đang hoạt động, hầu như không có hoạt động thu phí bảo hiểm bằng tiền mặt, nhưng khi vào Việt Nam,  chúng tôi phải chấp nhận cho thu phí bảo hiểm bằng tiền mặt”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.   

Tin bài liên quan