Ngân hàng cần tránh gây áp lực mua bảo hiểm lên khách hàng

Ngân hàng cần tránh gây áp lực mua bảo hiểm lên khách hàng

Bancassurance lộ rõ nhiều vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là đánh giá của ông Chung Bá Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP TC Advisors (TCA) - công ty hoạt động dưới mô hình đại lý tổ chức, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông dự báo thế nào về xu hướng của thị trường bảo hiểm Việt Nam từ nay đến cuối năm?

Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP TC Advisors (TCA)

Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP TC Advisors (TCA)

Có thể thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng phí bảo hiểm vẫn tăng lên, nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Phí bảo hiểm từ các hợp đồng được ký mới tăng lên khi có khách hàng mua hợp đồng mới, nhưng cũng có một bộ phận không giữ những hợp đồng hiện hữu dẫn đến thiệt hại cho người mua. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho xu hướng giảm độ bền hợp đồng bảo hiểm tiếp diễn, chẳng hạn khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm không phù hợp với nhu cầu, khách hàng gặp khó khăn khi đóng phí bảo hiểm do gặp khó khăn về tài chính…

Nhìn chung, nhu cầu của người dân về bảo hiểm tăng dần, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thấy giá trị của việc đóng phí bảo hiểm đều đặn và đúng hạn. Bởi vậy, xu hướng phí bảo hiểm “lệch pha” với tỷ lệ tăng trưởng sẽ còn tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021.

Theo ông, thách thức lớn nhất đặt ra với thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay là gì?

Trong hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh bảo hiểm nói riêng, nếu tiền bị lãng phí khi chạy theo doanh số thì đó là thách thức. Việc các công ty bảo hiểm đổ tiền vào hoạt động tiếp thị, bán hàng, bao gồm cả các đại lý và ngân hàng đối tác, để thu được kết quả nhanh chóng mà chưa thực sự chú trọng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ là nguyên nhân chính dẫn đến việc tư vấn không tốt và bán sai sản phẩm, hệ lụy là khả năng mất hiệu lực của hợp đồng cao.

Đầu tư là tốt, nhưng chạy theo doanh số là điều không nên.

Vậy đâu là giải pháp?

Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, cho nên điều cần phải thay đổi nhất với các doanh nghiệp bảo hiểm là ngừng chạy theo doanh số. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống phân phối có chất lượng, thiết kế sản phẩm và dịch vụ phù hợp và tốt nhất cho khách hàng.

Việc mang sản phẩm phù hợp, dịch vụ chuyên nghiệp tới khách hàng, đặc biệt là dịch vụ yêu cầu bồi thường, là yếu tố tiên quyết giúp gia tăng tỷ lệ duy trì hợp đồng. Theo tôi, ngành bảo hiểm cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng như ngành ngân hàng quản lý nợ xấu.

Liên quan tới đối tác ngân hàng, những năm gần đây, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp ngày một lớn trong tổng doanh thu của nhà bảo hiểm. Ông nghĩ sao về sự phát triển của kênh này?

So với kênh truyển thống là bán qua các đại lý bảo hiểm, kênh bancassurance đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng, một phần do chất lượng của kênh truyền thống này tiếp tục trong xu hướng đi xuống.

Song, không vì thế mà bancassurance không có vấn đề, mà trái lại đang ngày một lộ rõ: Một là tỷ lệ duy trì hợp đồng trong xu hướng giảm nhanh; hai là “áp lực” đặt ra đối với khách hàng về việc mua bảo hiểm khi vay vốn.

Ngoài ra, hiện có không ít ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư và điều này có thể gây rủi ro cho người mua bảo hiểm.

Theo ông, làm sao để khắc phục những vấn đề trên?

Ở nhiều thị trường khác, hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới giải ngân khoản vay là vi phạm pháp luật bảo hiểm và sản phẩm có tỷ lệ duy trì hợp đồng ở mức thấp sẽ phải ngừng bán. Đây là thông lệ tốt và Việt Nam cần tham khảo.

Thực tế, nhu cầu tín dụng là rất lớn và các ngân hàng có thể bán bảo hiểm cho những người có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng cần phải đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm và tránh gây áp lực mua bảo hiểm lên khách hàng.

Tin bài liên quan