Doanh thu từ bancassurance giảm mạnh
Những năm qua, các ngân hàng đã theo đuổi mục tiêu gia tăng nguồn thu ngoài lãi tín dụng, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhờ vào các hoạt động ngoài lãi, trong đó kênh bán chéo bảo hiểm (bancassurance) được xem là “gà đẻ trứng vàng”. Từ thời điểm “đỉnh cao” năm 2020 trở về trước, bancassurance luôn là kênh phân phối mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.
Chẳng hạn, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 23.050 tỷ đồng năm 2020, riêng phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng (trước đó, Vietcombank ký hợp đồng độc quyền 15 năm với Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam có giá trị 1 tỷ USD).
Tương tự, ACB ký hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền cùng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam với mức phí trả trước được cho là lên đến 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng riêng năm 2020, chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm...
Thế nhưng, từ đó tới nay, liên tiếp xảy ra các vụ lùm xùm khách hàng tố bị “ép” mua bảo hiểm, bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ…, khiến nhiều ngân hàng ghi nhận giảm mạnh doanh thu từ kênh bán chéo bảo hiểm sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí có ngân hàng giảm tới hơn 70% doanh thu từ kênh này.
Chẳng hạn, năm 2023, MBBank ghi nhận doanh thu bán bảo hiểm giảm 19%. Những năm gần đây, doanh thu kênh bancassurance tăng nhanh và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của MBBank: Từ mức doanh thu 1.800 tỷ đồng năm 2017, đến năm 2022 đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng. MBBank hiện có 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là MIC (bảo hiểm phi nhân thọ) với tỷ lệ sở hữu 68,37% và MB Ageas (bảo hiểm nhân thọ) với tỷ lệ sở hữu 61%.
Tại VIB, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022. Lãi thuần ngân hàng này nhận được từ hoa hồng bảo hiểm sau khi trừ chi phí còn hơn 776 tỷ đồng, giảm gần 33%.
TPBank cũng giảm gần 57% doanh thu từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này chỉ mang về cho TPBank hơn 377 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt tới hơn 876 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank trong năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng năm qua.
Techcombank cũng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm giảm mạnh trong năm 2023, đạt hơn 667 tỷ đồng, giảm 62% so với năm 2022 (đạt 1.750 tỷ đồng). Sang quý I/2024, mảng dịch vụ này của Techcombank tiếp tục giảm 30% so với cùng kỳ.
Những lùm xùm đã khiến doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm cả năm 2023 giảm hơn 8,3% và lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm. Còn theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong quý I/2024, doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất (FYP) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 35% sau khi giảm 44% trong năm 2023.
Sẽ bài bản hơn
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cấm các ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Quy định này sẽ khiến các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Thực tế, thu nhập của người dân giảm sút những năm qua do kinh tế khó khăn khiến nhu cầu mua bảo hiểm sụt giảm, từ đó bảo hiểm không còn dễ khai thác như trước. Đồng thời, sau khủng hoảng niềm tin, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm, xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, nhất là với kênh bancassurance và đặc biệt, những quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật Các tổ chức tín dụng 2024… cũng siết chặt hơn hoạt động của kênh này. Đây là những nguyên nhân chính khiến thu nhập từ bảo hiểm của các ngân hàng sụt giảm mạnh trong năm 2023 và được dự báo chưa thể hồi nhanh trong ngắn hạn.
Chẳng hạn, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2024) cấm các ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Cuối tháng 3/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dự thảo Thông tư, trong đó có đề xuất không cho phép ngân hàng thương mại bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn, cần chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.
Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm; trong đó, có việc bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý, tức không “ép” mua bảo hiểm.
MBS Research đưa ra nhận định, với những quy định mới, trong năm 2024 cũng như những năm tới, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, từ đó khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập kênh này của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021. Hoạt động bán chéo bảo hiểm của các ngân hàng bị tác động đáng kể và cần thời gian dài để phục hồi, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB…
Các chuyên gia cũng đánh giá, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng còn phải đối diện với những khó khăn từ hoạt động bancassurance, do đó nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm cần thêm thời gian mới có thể hồi phục.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng cần đặt sự công khai, minh bạch lên hàng đầu và điều này càng trở nên quan trọng hơn với lĩnh vực kinh doanh “niềm tin” như bảo hiểm. Bởi lẽ, việc tư vấn mập mờ của nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng người dân gửi tiền trở thành người mua bảo hiểm, còn người vay tiền lại bị nhân viên ngân hàng “ép” mua sản phẩm bảo hiểm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua xuất hiện nhiều vấn đề, gây mất niềm tin đối với khách hàng, vì vậy thu nhập từ hoạt động này ở các ngân hàng đã chậm lại từ giai đoạn trước khi các luật mới được thông qua. Do đó, theo ông Đức, quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn như từng xảy ra thời gian qua.
Còn PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, bancassurance là kênh bán bảo hiểm thông dụng ở hầu hết các thị trường, chứ không chỉ ở Việt Nam. Việc bán chéo bảo hiểm này mang lại lợi ích cho ngân hàng, có thể lan tỏa sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng, nhưng vấn đề đặt ra là phải đảm bảo minh bạch, tự nguyện, người mua hiểu đúng bản chất loại bảo hiểm mà mình mua.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giúp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng trở nên minh bạch hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép kinh doanh và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng”, ông Thịnh thông tin thêm.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nhà băng tin tưởng, với hành lang pháp lý rõ ràng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, ra mắt các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, mảng kinh doanh này có thể được vực dậy trong dài hạn.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, Ngân hàng đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Prudential Việt Nam và 2 bên phối hợp thành lập ủy ban về ứng xử khách hàng. Việc huấn luyện, đào tạo cho nhân viên để nắm rõ yêu cầu pháp luật được nhà băng này tiến hành thường xuyên. VIB cũng thực hiện thanh tra, giám sát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp không đúng chuẩn.
“Đây là hoạt động rất phức tạp, liên quan đến ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ, nên các yêu cầu pháp luật VIB đều quan tâm thực hiện. Sau những trường hợp lùm xùm thì rủi ro hoạt động này càng cao hơn”, ông Vũ khẳng định.
Trong khi đó, khẳng định ACB có mô hình phân phối bảo hiểm hướng đến chất lượng và minh bạch về tư vấn, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng tin tưởng, khó khăn của mảng hoạt động này sẽ qua và thị trường sẽ lành mạnh để tăng trưởng trong năm tiếp theo. Hiện ACB tách bạch mảng tư vấn và giới thiệu dịch vụ bảo hiểm. Các nhân viên tư vấn bán bảo hiểm phải được đào tạo và cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính. Nhân viên khi tư vấn bán bảo hiểm đều ghi âm và khi khách hàng đăng ký hợp đồng, 21 ngày sau có bộ phận kiểm soát phía sau gọi điện xác nhận. Nếu khách hàng còn phân vân thì có thể hủy hợp đồng.
Dự thảo Thông tư bổ sung nội dung về phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phù hợp với Khoản 2, Điều 113 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nêu: Khi giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm thì các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, quy định của pháp luật có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cần thiết quy định theo hướng không cho phép các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động này do sản phẩm này dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.