Vài năm gần đây, thị trường bancassurance Việt Nam chứng kiến một loạt thương vụ hợp tác độc quyền giá trị từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng. Ảnh: Dũng Minh

Vài năm gần đây, thị trường bancassurance Việt Nam chứng kiến một loạt thương vụ hợp tác độc quyền giá trị từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng. Ảnh: Dũng Minh

Bancassurance chờ hết “nóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 5 năm qua, thị trường bancassurance Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển rất cao, bình quân khoảng 35%/năm, nhưng tăng trưởng quá nóng cũng có cái giá của nó….

Cạnh tranh không lành mạnh gia tăng

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, thời gian gần đây, công ty liên tục nhận được phản ánh của khách hàng về việc đến kỳ đóng phí bảo hiểm định kỳ, đến ngân hàng (đã từng là đối tác với công ty bảo hiểm này) để đóng phí và mua thêm sản phẩm bảo hiểm bổ sung cho hợp đồng bảo hiểm cũ thì được chèo kéo hủy hợp đồng hiện hữu để chuyển sang một hợp đồng mới, hoặc gợi ý mua sản phẩm mới của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác “để hưởng quyền lợi tốt hơn”. Câu chuyện này xảy ra kể từ khi ngân hàng này trở thành đối tác độc quyền của một công ty bảo hiểm khác.

Bancassurance hấp dẫn vì thỏa mãn nhu cầu của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm, còn khách hàng cũng sẽ tiện lợi hơn khi được tiếp cận “một cửa” cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng và nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, với những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh nêu trên thì không chỉ quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng, mà “bức tranh” bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ bị nhìn theo một hướng méo mó.

Vì thế, không chỉ những công ty bảo hiểm từng bị “chơi xấu” mà các nhà bảo hiểm khác đều mong mỏi các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương sớm vào cuộc và có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với hành vi “qua cầu rút ván” của ngân hàng vi phạm để đưa mô hình bancassurance trở lại với những ưu điểm vốn có, giữ gìn sự minh bạch cho thương hiệu của các nhà kinh doanh ngân hàng, công ty bảo hiểm nhân thọ và trên hết là đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Thực tế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, mà không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.

Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan. Khi doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm với các ngân hàng, việc quản lý, giám sát đối với nhân viên ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm đảm bảo tuân thủ các quy định theo hợp đồng đại lý bảo hiểm thuộc thẩm quyền của các ngân hàng.

Chờ qua giai đoạn tăng nóng

Vào cuối năm 2020, sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng một số ngân hàng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng; phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm; đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm... Tuy nhiên, mức độ mới dừng ở mức “đôn đốc”, mà chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Thực tế, hành vi lôi kéo khách hàng của nhân viên ngân hàng vừa gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, vừa trái với quy định tại Điều 7 - Bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ ban hành kèm theo Quyết định 032/2018/QĐ-HHBHVN ngày 28/12/2018 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV). Đồng thời, những hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000 (đã sửa đổi). Tuy nhiên, vì để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đề ra cũng như đảm bảo cam kết với đối tác độc quyền là công ty bảo hiểm mà hành vi này bị “ngó lơ”.

Phí bảo hiểm khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ dự báo tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm trong 3-5 năm tới, trong đó tăng trưởng phí mới của kênh bancassurance được cho là sẽ khó duy trì mức cao như giai đoạn trước, nhưng vẫn cao hơn so với con số tăng trưởng của khối.

Trong 5 năm qua, thị trường bancassurance Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển rất cao, bình quân khoảng 35%/năm nhờ một loạt thương vụ hợp tác độc quyền giá trị từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, phí bảo hiểm khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ dự báo tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm trong 3-5 năm tới, trong đó tăng trưởng phí mới của kênh bancassurance được cho là sẽ khó duy trì mức cao như giai đoạn trước, nhưng vẫn cao hơn so với con số tăng trưởng của khối.

Về phía ngân hàng, để duy trì mức tăng trưởng cao hiện tại cũng như đảm bảo hoàn thành mục tiêu bán hàng những năm đầu sau khi ký hợp đồng độc quyền hoặc lấy được hợp đồng tốt với công ty bảo hiểm, các ngân hàng không có cách nào khác là phải đẩy doanh số lên cao, mà muốn đạt doanh số cao thì phải áp chỉ tiêu cao cho nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm.

Tuy nhiên, động thái này cũng gây sức ép lên nhân viên ngân hàng và để hoàn thành chỉ tiêu được giao, không ít người sẵn sàng “chơi chiêu” thúc ép khách hàng. Và trong trường hợp nào, khách bị chèo kéo hủy hợp đồng với công ty bảo hiểm cũ và mua cho xong để được ký hợp đồng tín dụng, rồi năm sau không đóng phí… thì cả khách hàng và công ty bảo hiểm đều thua thiệt, cho dù về mặt lý thuyết, trong các “deal” hợp tác độc quyền với ngân hàng, hầu hết công ty bảo hiểm đều đưa vào quy định phải duy trì tỷ lệ hợp đồng đóng phí tái tục.

Nhằm tăng tỷ lệ hợp đồng tái tục, một trong các giải pháp được các công ty bảo hiểm áp dụng là tăng cường các cuộc gọi (theo xác suất) chào mừng khách hàng (welcome call). Cụ thể, sau khi khách hàng nhận bộ hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện cuộc gọi này để xác nhận khách hàng đã được tư vấn đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi, đã nắm rõ các vấn đề liên quan đến giá trị hoàn lại cũng như phí đóng… hay chưa.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt, kênh bancassurance cũng khó tránh việc phải chạy doanh số và đây là điểm yếu mà các công ty bảo hiểm cần sớm có biện pháp khắc phục.

“Khi qua giai đoạn tăng trưởng ‘nóng’, kỳ vọng kênh bancassurance sẽ phát triển thực chất hơn trong thời gian tới”, vị tổng giám đốc trên nói.

Tin bài liên quan