Việc siết lại chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng đồng nghĩa với doanh thu giảm và chi phí cho kênh này không thể cao như trước

Việc siết lại chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng đồng nghĩa với doanh thu giảm và chi phí cho kênh này không thể cao như trước

Bancassurance buộc phải thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những lùm xùm xảy ra, mô hình hợp tác bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) có những yêu cầu khắt khe hơn, đòi hỏi sự thay đổi từ cả phía doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.

Thêm các giải pháp giám sát chặt chẽ

Để đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP, với những quy định chặt chẽ hơn.

Cụ thể, Điều 62 Nghị định 46 bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng như mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.

Điều 53 Thông tư 67 tiếp tục bổ sung các quy định như trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp. Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Thông tư 67 quy định những tài liệu và nội dung mới về bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, tài liệu tóm tắt quy tắc điều khoản, tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng, quy định về thông tin quảng cáo về sản phẩm bảo hiểm, nhằm đảm bảo các tài liệu được cung cấp cho khách hàng phải rõ ràng, minh bạch.

Để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia bảo hiểm của khách hàng, Điều 97 Nghị định 46 bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Nghị định 46 và Thông tư 67 bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Điều này nhằm hạn chế tối đa hiện tượng “ép” khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng như báo chí và dư luận xã hội đã nêu trong thời gian qua.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc chấp hành một số quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các nghị định, thông tư liên quan.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm: nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng…; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng…

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được khuyến cáo thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chấn chỉnh hoạt động tư vấn

Doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu ngân hàng đối tác bảo đảm chất lượng trong quy trình bán hàng, thể hiện bằng tỷ lệ duy trì hợp đồng, ghi âm khi bán bảo hiểm liên kết đơn vị…

Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, trong các quy định mới, có 2 quy định cần kiên quyết thực hiện. Một là, ghi âm, thậm chí ghi cả hình quá trình tư vấn cho khách hàng trước khi phát hành hợp đồng. Hai là, công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng bán qua kênh bancassurance của từng ngân hàng, nếu ngân hàng nào có tỷ lệ này thấp hơn so với mức quy định thì không cho phép tăng trưởng bán mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc áp dụng tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất với kênh ngân hàng sẽ chặt chẽ hơn, chứ không còn đơn giản như thời gian đầu các thương vụ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm bùng nổ.

Yêu cầu ghi âm quá trình tư vấn cho khách hàng trước khi phát hành hợp đồng là quy trình quan trọng, nhưng vẫn là hình thức “tự vệ” cho bên bán, chứ chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề là nâng cao chất lượng tư vấn. Trong khi đó, việc công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng bán qua kênh bancassurance của từng ngân hàng có thể gây áp lực cho bên bán, nhưng cần thiết và nên được thực hiện với những quy định pháp lý ràng buộc.

“Mấu chốt vấn đề ở đây là chất lượng tư vấn cần được chấn chỉnh một cách nghiêm túc. Có một thực tế đã và đang xảy ra là sức ép thực hiện những thỏa thuận cam kết từ các phi vụ ‘triệu đô’ thông qua hình thức upfront (phí trả trước) giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc bán lớn, bán nhanh, tư vấn bán các hợp đồng phí năm đầu tiên giá trị lớn một cách nhanh chóng, mà bỏ qua các bước cần thiết của quy trình tư vấn chuẩn theo nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Ở một góc độ khác, các công ty bảo hiểm cũng phải duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng trên chi phí đã đầu tư để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Bài toán đánh đổi giữa chất lượng và lợi nhuận là vấn đề nan giải của mọi ngành nghề, không chỉ riêng bảo hiểm”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 10 về thị phần doanh thu bảo hiểm nói.

Các quy định được bổ sung chỉ áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, nhưng tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, hoạt động bán mới chủ yếu diễn ra tại sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị - là 2 sản phẩm của dòng bảo hiểm liên kết đầu tư, nên có thể các công ty bảo hiểm sẽ xây dựng một quy trình bán chung cho tất cả các sản phẩm.

“Chúng tôi sẽ áp dụng quy trình bán cho tất cả các sản phẩm và cả kênh đại lý, chứ không riêng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng như quy định”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Trong khi đó, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty bảo hiểm nhân thọ khác cho hay, công ty đã áp dụng quy trình trên cho các đối tác ngân hàng và đang thử nghiệm với kênh đại lý.

Tin bài liên quan