Kết quả phiên đấu giá cổ phiếu Sabeco ngày 18/12.

Kết quả phiên đấu giá cổ phiếu Sabeco ngày 18/12.

Bán vốn nhà nước: Không còn chỗ cho sự trì hoãn

Trước khi thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco diễn ra, nhiều ý kiến đã lo ngại rằng việc bán vốn nhà nước năm 2017 sẽ không đạt chỉ tiêu, thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá bán cổ phần nhà nước tại Sabeco ở mức trên 300.000 đồng/cổ phần là ‘không tưởng’.

Theo các chuyên gia, những thương vụ “tỉ đô”  bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2017 đã xoá đi sự “ảm đạm” của tiến trình cổ phần hoá, bán vốn nhà nước trong nhiều năm qua, bảo đảm rút nhanh, mạnh nguồn vốn của nhà nước tại các lĩnh vực không cần thiết, nhường chỗ cho vốn và quyền kiểm soát doanh nghiệp của khối tư nhân.

Nói cách khác, là mở ra một giai đoạn mới, khẳng định Chính phủ sẽ kiên quyết với những trì hoãn, dùng dằng trong việc bán vốn, tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước.  

Hoàn thành “nhiệm vụ không tưởng”

Với yêu cầu bảo đảm vốn nhà nước cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016- 2020 lên tới 2 triệu tỷ đồng, Chính phủ sẽ phải đẩy mạnh cổ phần hoá, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước để góp phần tạo nguồn cho đầu tư.

Thế nhưng năm 2016, cổ phần hoá mới chỉ đạt 21,7% và thoái vốn chỉ được 30,2% kế hoạch. Riêng đối với năm 2017, Quốc hội giao Chính phủ phải thu được 60.000 tỷ đồng từ bán vốn để tạo nguồn cho đầu tư nhưng tới giữa tháng 12/2017, Chính phủ mới thu về được gần 25.000 tỷ đồng, bao gồm cả số thu hơn 11.000 tỷ đồng từ việc bán 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk hồi tháng 11/2017.

“Tới đầu quý 3 năm nay, nhiều ý kiến cho rằng bán vốn nhà nước sẽ không đạt chỉ tiêu và thậm chí còn nói giá bán cổ phần nhà nước tại Sabeco ở mức trên 300.000 đồng/cổ phần mà Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ không tưởng, cũng là sức ép nặng nề tới Chính phủ và Bộ Công Thương”, một lãnh đạo Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nhắc lại.

Tuy nhiên, ngày 18/12 vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận giao dịch thành công có trị giá quy đổi là 4,8 tỷ USD lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi Bộ Công Thương bán 53,59% vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phần.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khoản tiền thu được từ thương vụ Sabeco đã giúp Chính phủ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu từ cổ phần hoá, bán vốn nhà nước năm 2017 mà còn tạo ra dư địa cho cả nhiệm vụ thu trong năm 2018.

Theo một số chuyên gia kinh tế, kết quả khả quan trên xuất phát từ các chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ trong công khai, minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ra văn bản yêu cầu các DNNN sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) phải tiến hành niêm yết trên sàn giao chứng khoán theo đúng quy định tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN.

Việc các doanh nghiệp “chây ỳ” lên sàn gây mất niềm tin trong giới đầu tư, vì khi nhà đầu tư hoàn thành mua cổ phiếu nhưng DNNN (nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối) không niêm yết, không tạo ra thị trường giao dịch công khai, không giúp doanh nghiệp thực hiện các chuẩn mực báo cáo tài chính để thị trường theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lớn từng “quay lưng” với các đợt IPO và tham gia mua cổ phần tại các đợt thoái vốn lớn.

Với Sabeco, sau 8 năm cổ phần hoá, tới tháng 12/2016 thì DNNN này mới bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mã là SAB.

Một năm sau khi SAB xuất hiện trên thị trường chứng khoán là dịp để các nhà đầu tư có cơ hội đánh giá doanh nghiệp, Chính phủ “đo lường” uy tín thương hiệu và giá trị của doanh nghiệp, tìm kiếm được nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng được các yêu cầu của nhà nước.

Thương vụ Sabeco vừa qua còn chứng tỏ bản lĩnh của Chính phủ khi đặt niềm tin vào tiềm năng và năng lực của doanh nghiệp trong khi một số chuyên gia khuyến cáo việc bán cổ phần cần dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp chứ không dựa trên giá trị một lượng nhỏ cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán.

Kết quả này cũng cho thấy sự “mở lòng” (thông qua hàng loạt hành lang pháp lý về cổ phần hoá, bán vốn được điều chỉnh, bổ sung liên tục để phù hợp với yêu cầu của thị trường) của Chính phủ đã tìm kiếm được nhà đầu tư gắn bó và phát triển thương hiệu Sabeco.

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài (Bộ Công Thương) nhận định với Báo điện tử Chính phủ: “Việc đa dạng hoá sở hữu Sabeco sẽ giúp cho doanh nghiệp tốt hơn lên, huy động được trí tuệ của các tổ chức, cá nhân am hiểu và nhanh nhạy với thị trường trong đại hội cổ đông của công ty, thay vì chỉ có một mình Nhà nước quyết như trước.

Đây là xu hướng tốt, đang được Chính phủ triển khai trên thực tế tại các doanh nghiệp có quy mô lớn và sẽ phủ rộng rãi, thực chất hơn nữa trong thời gian tới đối với khối DNNN”.

Nhiệm vụ vẫn còn nặng nề

Bán vốn nhà nước là điểm sáng trong năm 2017 nhưng nhìn lại cả quá trình “rút lui” của Nhà nước khỏi sản xuất kinh doanh thì vẫn còn những bước tiến chậm chạp.

Tính đến hết năm 2017, tổng số giá trị sổ sách mà nhà nước cổ phần hóa, bán vốn tại các DNNN là 114.059,42 tỷ đồng (đạt 8,1% trên tổng số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 1.398.183 tỷ đồng). Như vậy, còn tới 91,9% giá trị vốn nhà nước vẫn nằm tại doanh nghiệp.

Riêng trong năm 2017, trừ 4 DNNN được Thủ tướng điều chuyển sang năm 2018 cổ phần hoá thì cả nước dự kiến cổ phần hoá được 30/40 DNNN.

Tuy nhiên, nếu tính cả các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì cả nước đã cổ phần hóa 54 DNNN.

Trong các đợt IPO năm nay, đáng chú ý là đợt IPO thành công toàn bộ số cổ phần chào bán tại Tổng công ty IDICO hồi tháng 10/2017 mang về cho nhà nước trên 1.300 tỷ đồng và Tổng công ty Thanh Lễ hồi tháng 11/2017 nhà nước thu về hơn 174 tỷ đồng.

Còn lại là các đợt IPO không bán được hết số cổ phần chào bán hoặc bán được rất ít như trường hợp của Tổng công ty Sông Đà- Công ty mẹ vừa diễn ra ngày hôm qua (25/12).

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết năm 2015, các đợt IPO chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán còn Nhà nước vẫn giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

Theo các chuyên gia, cổ phần hoá chậm và chưa đạt được mục tiêu thay đổi căn bản năng lực quản trị doanh nghiệp là do các DNNN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tình trạng nợ đọng kéo dài, đầu tư dàn trải, khả năng sinh lời thấp, kế hoạch cổ phần hoá, công bố thông tin theo quy định của Chính phủ chưa thực sự công khai, minh bạch,...

Bên cạnh đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán) cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả của cổ phần hoá và bán vốn nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg làm cơ sở để thực hiện cơ cấu lại các DNNN trong giai đoạn tới, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg về danh mục DNNN thực hiện cổ phần hoá, bán vốn.

Lần đầu tiên danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành thống nhất, công khai, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện đúng quy định, thời gian, đồng thời cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, ông Đặng Quyết Tiến cho biết Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần được ban hành đã giải quyết các tồn tại về cơ chế chính sách cổ phần hóa trong giai đoạn trước, qua đó trong công tác thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Nhiều cơ chế chính sách quan trọng khác phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được nghiên cứu, trình Chính phủ như Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp,....

“Với hàng lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, phù hợp yêu cầu và nguyên tắc thị trường, cổ phần hoá và thoái vốn sẽ đi vào thực chất, hiệu quả hơn theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ trong giai đoạn này”, ông Tiến cho biết.

Tin bài liên quan