Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM được bán vốn theo lô, mà không phải trải qua bán đấu giá công khai trước, nhưng Nghị định 91/2015 của Chính phủ lại buộc doanh nghiệp phải chuyển nhượng vốn theo phương thức đấu giá công khai, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua đấu giá bán cổ phần theo lô. Vì sự “vênh” nhau này, có ý kiến cho rằng Nghị định 91/2016 “to” hơn Quyết định 41/2015, nên doanh nghiệp phải bán công khai trước khi bán vốn theo lô. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì?
Chúng tôi có nhận được phản ánh trên của nhiều doanh nghiệp và đã có công văn trả lời.
Theo đó, Nghị định 91/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2015, trong khi Quyết định 41/2015 có hiệu lực thi hành từ 15/9/2015. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, giá trị pháp lý của các quy định ở cấp nghị định cao hơn quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chưa kể, chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối nhưng không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước, tránh bất minh, thất thoát.
Do đó, việc thoái vốn phải được thực hiện qua đấu giá công khai trước, trường hợp đấu giá công khai không thành công, thì mới chào bán cạnh tranh thông qua đấu giá bán cổ phần theo lô, chứ không phải doanh nghiệp áp dụng thẳng thoái vốn theo lô mà bỏ qua đấu giá công khai.
Để tránh những cách hiểu khác nhau, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất thống nhất quy trình bán vốn, chứ không để doanh nghiệp lúng túng trong triển khai như hiện nay, qua đó tạo thuận lợi cho họ thực hiện thoái vốn hiệu quả, thông thoáng.
Ông Đặng Quyết Tiến
Như phân tích của ông thì sự tồn tại của cơ chế bán vốn theo lô tại Quyết định 41/2015 chẳng còn ý nghĩa?
Cần lưu ý rằng, cơ chế bán cổ phần theo lô quy định tại Quyết định 41/2015 là giải pháp tình thế để thực hiện Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 1/6/2015 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015. Nội dung của Quyết định 41/2015 nằm trong nhóm các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Bước sang năm 2016 thì phải áp dụng các giải pháp mới, chứ không áp dụng quy định tại Quyết định 41/2015 nữa. Do đó, việc thoái vốn nhà nước từ năm 2016 trở đi là thực hiện theo quy định tại Nghị định 91/2015. Có nghĩa là, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đấu giá công khai trước và nếu không thành công thì mới chào bán qua đấu giá bán cổ phần theo lô, chứ không phải áp dụng luôn thoái vốn theo lô mà bỏ qua đấu giá công khai.
Nghị định 91/2015 đã quy định rõ, khi chuyển nhượng vốn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, phải thực hiện tại sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng phần vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng, có thể thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán…
Thực tế triển khai thoái vốn theo lô tại không ít doanh nghiệp nhà nước cho thấy có những biểu hiện khép kín, không minh bạch, nên có nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước. Bộ Tài chính có thấy quan ngại này là có cơ sở không và cần khắc phục bằng cách nào?
Bộ Tài chính nhận thấy thời gian qua, có những biểu hiện về thiếu minh bạch trong xây dựng phương án, cũng như triển khai thoái vốn theo lô tại một số doanh nghiệp. Thực tế này càng cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng Nghị định 91/2015 theo quy trình: doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá công khai trước và khi đấu giá công khai không thành công thì mới chào bán cạnh tranh thông qua đấu giá bán cổ phần theo lô, chứ không thể bỏ qua bước bán công khai để áp dụng luôn bán theo lô như cách hiểu của không ít ý kiến.
Bỏ qua khâu bán công khai, rất dễ dẫn đến nguy cơ không minh bạch, làm thất thoát tài sản nhà nước.