Chứng khoán Bản Việt được biết đến là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (IB) và môi giới tổ chức nước ngoài, có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất. Năm 2018, Bản Việt đạt 1.800 tỷ đồng doanh thu, tăng 18,5% so với năm 2017, tăng trưởng liên tục trong suốt 11 năm hoạt động. Trong đó, mảng tư vấn chiếm tỷ trọng 30%, môi giới 30% (đã bóc tách từ các thương vụ IB), cho vay giao dịch ký quỹ 25%, tự doanh hơn 17%.
Về mảng IB, Bản Việt ghi nhận doanh số năm 2018 tăng khoảng 40% so với năm 2017, đạt 542 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 455 tỷ đồng. Một số thương vụ tư vấn điển hình là IPO Techcombank, đồng tư vấn phát hành cho SEA (công ty Singapore niêm yết trên TTCK New York)...
Tính từ ngày thành lập, Bản Việt đã tư vấn hàng tỷ USD giá trị giao dịch, phủ rộng tất cả các ngành nghề chính. Danh mục các thương vụ tư vấn mà Công ty đã ký hiện tại cũng trải dài nhiều lĩnh vực như bất động sản, thủy sản, giáo dục, xây dựng, bán lẻ…
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ mảng IB với nhiều thương vụ thành công, hoạt động môi giới chứng khoán của Bản Việt cũng ghi nhận thành tích đáng nể khi liên tục nhiều năm duy trì vị trí số 1 thị phần giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (năm 2018 là 27,9%) và Top 3 nhà môi giới chứng khoán lớn nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Trong đó, bộ phận môi giới tổ chức nước ngoài là đơn vị tổ chức Hội nghị đầu tư quốc tế "Vietnam Access Day", thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham dự. Với mảng môi giới trong nước (tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 85% giao dịch trên thị trường) mức độ cạnh tranh cao với hơn 60 công ty chứng khoán (khách hàng tổ chức nước ngoài tập trung hơn 70% tại Top 3 thị phần). Dù vậy, hiệu suất hoạt động của Bản Việt vẫn hàng đầu thị trường, doanh thu/nhân viên môi giới đạt 2,4 tỷ đồng/người.
Giai đoạn 2014 - 2018, Bản Việt ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu là 31% và lợi nhuận ròng là 54%, trong khi tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì trên 24%.
Bước sang năm 2019, Bản Việt đưa ra các kịch bản về thị trường, mỗi kịch bản tương ứng với kế hoạch lợi nhuận khác nhau. Nếu cuối năm, VN-Index trong khoảng 950 - 960 điểm, thì kế hoạch doanh thu 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng. Nếu VN-Index trên 1.080 điểm, Công ty có thể đạt lợi nhuận tốt như năm 2018. Cổ tức dự kiến từ 10 - 15%. Dù kịch bản nào, mục tiêu của Bản Việt vẫn là duy trì ROE ổn định từ 20 - 25% trong 5 năm tới và giữ chỉ số EPS ổn định.
Theo Bản Việt, dự báo tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Eurozone (3 khu vực này chiếm hơn 60% GDP toàn cầu năm 2017) trong giai đoạn 2018 - 2019, cộng thêm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và triển vọng kém tích cực của kinh tế toàn cầu, sẽ là những yếu tố đáng quan ngại cho Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam có thể đạt 6,8%. Cơ sở cho kỳ vọng này là tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ chậm lại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giúp tỷ giá USD/VND ổn định; lạm phát giảm nhờ giá các hàng hóa cơ bản giảm, giúp hạn chế lạm phát nhập khẩu. Trong khi đó, tiêu dùng vẫn tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể tìm đến các nhà sản xuất tại Việt Nam như những nguồn thay thế do thuế nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng. Ðơn hàng trong nước và xuất khẩu khả quan sẽ đảm bảo cho tăng trưởng ngành sản xuất - động lực chính của nền kinh tế.
Bản Việt kỳ vọng, năm 2019 sẽ chứng kiến Việt Nam là một điểm đến mới an toàn, sinh lợi và thu hút dòng vốn quốc tế nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định làm nền tảng. Trong bối cảnh dài hạn, Bản Việt tin rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở một thời điểm chín muồi cho tăng trưởng.