Bàn về đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán

Bàn về đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thay vì thực hiện quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu như Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội vẫn hằng theo đuổi trong những năm qua, đề xuất tăng tăng thuế giao dịch chứng khoán có nguy cơ trở thành một chiếc phanh kìm hãm sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, làm xói mòn một nguồn thu ngân sách nhà nước mới nhen nhóm cho tín hiệu tích cực trong năm vừa qua.

Tuần qua, tại kỳ họp Quốc hội bất thường đang diễn ra, đã có nhiều ý kiến đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán. Ngụ ý chính sách của quan điểm này là nhằm để giảm hoạt động đầu cơ, tăng hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, giới đầu tư chứng khoán còn nhìn nhận đằng sau quan điểm này còn là mục tiêu nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vì thế, đây là đề xuất cần được xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng và có trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, sự sôi động của thị trường chứng khoán trong gần 2 năm qua đang hỗ trợ đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh nhiều nguồn thu khác đang bị ảnh hưởng đáng kể do hậu quả của việc đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid 19 diễn ra.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, thu ngân sách từ thị trường chứng khoán đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 5.200 tỷ đồng của năm 2020. Rõ ràng đây là một nguồn thu tốt, cần được nuôi dưỡng thông qua việc làm cho thị trường phát triển hơn nữa để từ đó ngân sách nhà nước có được một nguồn thu quan trọng, bền vững và lâu dài.

Giới đầu tư chứng khoán cho rằng, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư, dẫn tới hạn chế sự tham gia và giao dịch của nhà đầu tư, từ đó khiến cho giá trị giao dịch sụt giảm, kéo theo việc thu hẹp nguồn thu thuế từ giao dịch chứng khoán.

Đứng ở góc nhìn điều hành kinh tế - tài chính vĩ mô, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế cần được đặc biệt quan tâm phát triển.

Theo số liệu mà Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cung cấp tại buổi giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận về gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội chiều 7/1, năm qua thị trường này đem về nguồn huy động khoảng 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5% GDP năm 2021.

Đây là nguồn vốn kinh doanh dài hạn cho các doanh nghiệp, giúp họ ít phụ thuộc hơn vào nguồn vốn ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển và từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước sau này.

Từ lâu chúng ta vẫn nói về việc phát triển thị trường chứng khoán để thị trường này trở thành một kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa làm được nhiều do sự quan tâm của nhà đầu tư đối với kênh đầu tư chứng khoán chưa cao, vì vậy doanh nghiệp rất khó để huy động được nguồn vốn dài hạn để phát triển và phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Trong khi đó, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng để tài trợ tín dụng dài hạn cho doanh nghiệp lại không đáp ứng được yêu cầu, dẫn tới việc các ngân hàng nhiều khi phải dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, việc duy trì và thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư để khuyến khích sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ giúp chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường kém đi (chưa kể yếu tố thuế giao dịch chứng khoán) sẽ không thu hút được sự quan tâm của dòng vốn đầu tư nước ngoài, đi ngược lại chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng mà lãnh đạo chính phủ đã đề ra.

Đó là chưa kể mục tiêu phấn đấu để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài năm tới mà cơ quan quản lý thị trường đang nỗ lực phấn đấu có nguy cơ ngày càng trở nên xa vời.

Ngoài ra, việc giảm sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán do tăng thuế giao dịch chứng khoán cũng sẽ làm cho mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra là số tài khoản chứng khoán chiếm 5% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030 sẽ khó lòng mà đạt được.

Nên nhớ, chính sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây đã khiến nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại.

Một điểm nữa, lập luận cho rằng việc tăng thuế giao dịch chứng khoán để giảm hoạt động đầu cơ, tăng hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán là thiếu sức thuyết phục và thiếu cơ sở thực tế.

Nên nhớ, ngay cả tại những thị trường chứng khoán phát triển nhất hiện nay thì vẫn tồn tại song song các hoạt động đầu tư và đầu cơ, tùy thuộc vào chiến lược đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.

Ngay cả với các quỹ đầu tư cổ phiếu - những tổ chức mà ta thường quan niệm là những nhà đầu tư lớn và có tầm nhìn dài hạn - thì cũng có những quỹ tập trung vào đầu tư dài hạn, nhưng cũng có những quỹ chỉ tập trung vào giao dịch mang tính đầu cơ, ngắn hạn.

Vì vậy, việc thiết kế chính sách thuế nhắm vào mục tiêu giảm thiểu hoạt động đầu cơ chứng khoán là không hợp lý trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực theo đuổi việc xây dựng một nền kinh tế thị trường phát triển, nơi mà thị trường chứng khoán bản thân nó đòi hỏi một cơ chế vận hành mang tính thị trường cao nhất.

Thiết nghĩ, hành động đúng đắn nhất hiện nay là thiết kế chính sách một cách đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và từng giai đoạn phát triển của thị trường để thúc đẩy ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán, từ đó gia tăng thêm nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về kênh đầu tư chứng khoán để giúp thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.

Tin bài liên quan