Tâm lý thận trọng cùng với áp lực bán gia tăng đã khiến các chỉ số đều biến động khá lình xình trong biên độ hẹp trong tuần qua. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Nhìn chung, xu hướng thị trường trong nhiều tháng qua vẫn vận động theo cách tăng chậm và bấp bênh.
Áp lực tâm lý vẫn đè nặng lên thị trường mỗi khi chỉ số tiến về vùng kháng cự tâm lý quanh mốc 1.000 điểm. Ngoài ra, những diễn biến thất thường của thị trường chứng khoán quốc tế cộng với áp lực bán ròng đều đặn trong vài tháng trở lại đây của khối ngoại khiến thị trường chưa thể bứt phá.
Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vẫn có sự tăng trưởng giá vượt trội nhờ kết quả kinh doah tốt và đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường. Tôi cho rằng, xu hướng tăng chậm và mức độ phân hóa cao vẫn là chủ đạo trong giai đoạn này.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Theo quan điểm của tôi, xu hướng của thị trường trong tuần tới khả năng vẫn sẽ khá giống với giao dịch trong tuần này với việc VN-Index có lẽ vẫn đi ngang và tích lũy với biên độ trong khoảng 980-1.000 điểm để chờ thời điểm thích hợp cho một cú breakout thực sự ra khỏi ngưỡng 1.000 điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Chúng tôi nhận định thị trường đang có cơ hội tăng điểm trong ngắn hạn với vùng kháng cự mạnh 1.000 - 1.005 điểm. Chỉ số VN-Index đã nhiều lần cố gắng vượt qua vùng điểm này nhưng đều thất bại khi dòng tiền không ủng hộ. Diễn biến hiện tại trên thị trường cũng không có gì quá khác biệt với việc khối ngoại đang bán ròng liên tục không ngừng nghỉ và nhà đầu tư vẫn rất hoài nghi về khả năng bứt phá của chỉ số VN-Index.
Nếu chỉ số VN-Index lại thất bại thì kịch bản khả quan nhất sẽ là thị trường tiếp tục diễn biến vận động tích lũy trong vùng điểm 975 - 1.000 điểm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Sự thận trọng xuất phát từ ngưỡng kháng cự tại 1.000 điểm của chỉ số VN-Index cũng như những biến động khá phức tạp của chứng khoán thế giới về kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi cho rằng trong tuần tới, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mốc 1.000 điểm này còn việc có thể vượt qua hay không sẽ còn phụ thuộc vào bối cảnh thế giới có thuận lợi hay không nữa.
Diễn biến chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang có dấu hiệu tiêu cực có tác động nhiều đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn không, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Theo góc nhìn của tôi thì những diễn biến căng thẳng nhất có lẽ đã qua đi. Các diễn biến gần đây cho thấy hai bên đang có thiện chí trong việc nhượng bộ nhau và kỳ vọng đạt được những thỏa thuận nhất định.
Ngoài ra, thị trường không chỉ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này mà còn chịu sự tác động lớn từ nỗi lo suy thoái toàn cầu đang đến ngày một rõ hơn. Dòng tiền vẫn âm thầm rút ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro để tìm nơi trú ẩn. Do đó, rất khó để kỳ vọng dòng tiền tham gia mạnh mẽ tạo ra các đợt sóng tăng mạnh như 2017 nên các đợt tăng nhỏ và chậm cũng là tích cực trong bối cảnh hiện tại.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Ông Ngô Thế Hiển
Thông tin về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ có tác động đến tâm lý nhà đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến diễn biến thị trường.
Tiến trình đàm phán giữa 2 quốc gia là rất phức tạp dù đã trải qua một số phiên gặp mặt với nhiều diễn biến khó lường. Nếu các bên đạt được thỏa thuận lần này thì đây sẽ là thông tin tích cực với thị trường chứng khoán toàn cầu và cả Việt Nam. Trường hợp không đạt được thì đó cũng chưa phải là thảm họa với thị trường, miễn là các bên bày tỏ thiện chí cho các lần đàm phán trong tương lai và không có các hành động làm gia tăng căng thẳng.
Theo quan sát của chúng tôi, trong giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có phản ứng không quá tiêu cực với những thông tin liên quan tới tiến trình đàm phán Mỹ-Trung, do vậy, nếu không có những cú sốc bất ngờ thì VN-Index có lẽ vẫn sẽ đi ngang và tích lũy trong khoảng 980-1.000 điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Tác động tiêu cực trong ngắn hạn chắc chắn là sẽ có. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ nhanh chóng vượt qua và ổn định trở lại trước những tác động này bởi nội tại kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn khá ổn định và được đánh giá là ít chịu tác động của diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện giới đầu tư trên thế giới cũng chưa thể dự đoán được kết quả của cuộc đàm phán này, dẫn tới việc các chỉ số chứng khoán như DJI, Nikkei hay Shanghai có những phiên tăng giảm khá mạnh và trái chiều nhau dựa trên cơ sở của những kỳ vọng. Ở phiên cuối tuần, những kỳ vọng đang nghiêng về phần tích cực và đã giúp TTCK trong nước đóng cửa trong sắc xanh.
Trong khi nhóm cổ phiếu VN30 giao dịch với biên độ tăng giảm của các mã không quá lớn như biến động của chỉ số thì nhóm cổ phiếu đầu cơ lại giao dịch với biên độ rộng hơn, đặc biệt là nhóm penny đang thu hút các dòng tiền đầu cơ do biến động mạnh phù hợp lướt sóng. Ông/bà đánh giá như thế nào về mức độ rủi ro đối với nhóm cổ phiếu này? Nhất là khi một số cổ phiếu nhóm peney vừa qua một đợt tăng giá?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Nhóm cổ phiếu VN30 chịu sức ép bán chủ đạo từ khối nhà đầu tư ngoại và tạo ra sự phân hóa đáng kể. Những cổ phiếu ngành ngân hàng và công nghệ, bán lẻ vẫn đang tăng nổi trội. Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VIC; VHM; MSN;SAB; MSN; HPG... vẫn đang có diễn biến khá tệ. Điều này tạo ra sự giằng co và thiếu ổn định về diễn biến cho chỉ số.
Dòng tiền chọn nhóm penny thường là dấu hiệu không mấy tích cực bởi theo cá nhân tôi nó cho thấy mức độ kém hấp dẫn của nhóm vốn hóa lớn và tầm trung nơi dòng tiền tổ chức hoạt động. Rủi ro của nhóm penny luôn ở mức cao và việc "đãi cát tìm vàng" thường mang lại nhiều thua lỗ hơn là thắng lợi cho các nhà đầu tư.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Trong tuần qua, một số cổ phiếu penny bị lãng quên đã lâu nhận được dòng tiền và đồng loạt tăng giá như JVC, TTF, AMD... Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đầu cơ thường có những biến động rất khó dự báo, do vậy chỉ thích hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm lướt sóng và khẩu vị rủi ro cao.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Bản chất của việc đầu tư chứng khoán luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Đối với các hoạt động đầu cơ, mức độ rủi ro cũng theo đó gia tăng để đổi lại mức sinh lợi nhuận vượt trội. Điều này đặc biệt đúng với nhóm cổ phiếu penny do tính chất dễ dàng bị thao túng và làm giá.
Tuy nhiên, chỉ cần nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật chốt lời và cắt lỗ đồng thời có kế hoạch phân bổ danh mục hợp lý thì nhóm cổ phiếu này hứa hẹn đem lại cơ hội đầu tư/đầu cơ hấp dẫn.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng, một bộ phận dòng tiền dịch chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ xuất phát từ việc VN-Index chưa vượt được mốc 1.000 điểm, nên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có khả năng tăng giá mạnh trong ngắn hạn.
Ngược lại, chỉ số sàn HOSE có thể sẽ tiếp tục dao động trong kênh tích lũy hơn là khả năng sụt giảm mạnh, điều này dẫn đến dòng tiền sẽ tìm đến những cơ hội đầu cơ có khả năng sinh lời kỳ vọng cao hơn.
Với các cổ phiếu penny, nhìn chung độ rủi ro sẽ cao hơn so với các cổ phiếu midcap có nền tảng cơ bản, đòi hỏi nhà đầu tư phải cân đối giữa mức độ rủi ro và kỳ vọng tăng giá.
Phần lớn khuyến nghị cho rằng, nên ưu tiên tập trung các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng tốt, đó là nhóm cổ phiếu nào, theo quan sát của ông/bà?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Dòng tiền của thị trường hiện không mạnh nên mức độ phân hóa cao vẫn được duy trì và dòng tiền chỉ tập trung ở một số cổ phiếu có câu chuyện nổi bật từ kết quả kinh doanh.
Ông Nguyễn Trung Du
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và một số cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ... vẫn đang có sức hút tốt nhờ kết quả kinh doanh cải thiện. Hầu hết, các cổ phiếu này đã tăng giá tốt phản ánh trước kết quả kinh doanh của quý III nên mức độ tác động khi thông tin công bố sẽ không còn nhiều.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có lẽ đang hướng tới kỳ vọng của kết quả kinh doanh quý IV và theo tôi, các doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt trong 9 tháng qua sẽ có nhiều xác suất tiếp tục tăng trưởng trong quý IV.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Theo tôi, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin… có thể sẽ có kết quả kinh doanh quý III/2019 tốt hơn mức trung bình của toàn thị trường. Nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu phù hợp để đầu tư trong các nhóm kể trên.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Chúng tôi đánh giá cáo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin và bất động sản (tùy từng cổ phiếu cụ thể).
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Với những đặc thù kinh doanh của một số ngành nghề, tôi cho rằng khó có thể đưa ra một dự đoán có độ tin cậy cao cho một cổ phiếu cụ thể nào đó. Mặc dù vậy, những số liệu đã công bố tại một số mã như VCB, STB cho thấy có vẻ nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có một mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong quý III này.