TTCK đã khép lại tháng 5 khá thành công với chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 94 điểm, tương đương tăng 12%. Dù vậy, ở mốc 860 điểm, thị trường dường như đang loay hoay với những nhịp rung lắc diễn ra với tần suất cao hơn. Xu hướng này liệu có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Dòng tiền đỡ thị trường vẫn còn rất mạnh dù chỉ hầu như từ các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài kiên định bán ròng, (thậm chí nếu loại trừ việc mua ròng 1 tuần ở một số cổ phiếu lớn thì họ đã bán 17 tuần liên tiếp), các nhà đầu tư lớn khác, các tổ chức cũng hạn chế giải ngân.
Sự hưng phấn khi chứng khoán giảm quá mạnh trong quý I đưa giá về những vùng thấp và cách ly xã hội làm mọi nơi đều đóng cửa trừ TTCK cũng giúp cho thị trường có thêm các nhà đầu tư mới.
Những nhà đầu tư mới này đang ở nhà, có nhiều thời gian hơn đồng thời một số người không may bị mất việc làm tìm kiếm thêm cơ hội để bù đắp thu nhập không chỉ chứng khoán trong nước mà cả chứng khoán nước ngoài.
Tuy vậy trong ngắn hạn đầu tháng 6, thị trường vẫn còn bệ đỡ do dòng tiền vẫn duy trì nhưng mức tăng sẽ khó mạnh như trước do thiếu vắng những dòng tiền lớn cùng định giá thị trường ngày càng cao hơn làm giảm động lực khiến mức độ tăng sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Nhận định xu hướng ngắn hạn trong phạm vi 1 tuần theo tôi là khó, nhất là trong hoàn cảnh thị trường đang chịu sự ảnh hưởng lớn từ yếu tố dòng tiền như hiện nay.
Ở giai đoạn hiện tại dòng tiền khối nội vẫn đang mạnh mẽ, trong khi khối ngoại đã ngừng bán và đã xuất hiện các phiên chuyển sang mua ròng. Theo tôi đây là yếu tố giúp cho dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn đang tốt và nâng đỡ thị trường.
Tôi lưu ý về dòng tiền nội giai đoạn qua có thể chiếm phần lớn đến từ các nhà đầu tư mở tài khoản mới trong 2 tháng qua, và hầu như đều có lãi trên 20%. Dòng tiền này đến nhanh và đi cũng nhanh, nếu có yếu tố nào đó làm điểm trigger trong giai đoạn tới.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Với tuần tăng điểm này, chỉ số VN-Index đang tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh quanh 880 điểm, do đó, sự rung lắc đã diễn ra mạnh hơn dưới áp lực chốt lãi.
Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường vẫn đang khá ổn định nên tín hiệu đảo chiều chưa xuất hiện. Theo đó, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có sự giằng co trong tuần tới để phân định xu hướng ngắn hạn.
VN-Index đã ghi nhận tăng 28% trong 2 tháng (tháng 4 và tháng 5), liên tiếp đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất châu Á cũng như thế giới. Sự hồi phục của thị trường trong 2 tháng liền có tạo áp lực đối với thị trường trong tháng 6?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Tháng Sell In May cũng không ngăn cản được sự hưng phấn trên tuy vậy việc thiếu vắng các dòng tiền lớn cũng như việc định giá thị trường ngày càng trở nên quá cao trong lúc kinh tế không thể có tốc độ phục hồi cao như mức tăng của TTCK thì rủi ro trở nên lớn hơn.
Như PE của thị trường và doanh nghiệp cho thấy điều đó khi mà P thì tăng vù vù nhưng E thì vẫn đang sụt giảm. Dù vậy trong ngắn hạn đầu tháng 6, thị trường vẫn còn bệ đỡ để duy trì nhưng mức tăng sẽ khó mà mạnh như trước.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa
Trong tháng 6, kết quả kinh doanh quý II sẽ dần hé lộ và nhìn chung là giảm mạnh so với cùng kỳ. Với việc thị trường đã tăng điểm cả giai đoạn dài như vừa qua thì hiện tượng chốt lời trước thời điểm này khả năng sẽ xảy ra.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh là yếu tố đã lường trước được do cách ly xã hội, nên theo tôi áp lực chốt lời cũng không quá mạnh và thị trường sẽ dần thích nghi và hấp thụ.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng tháng 6 sẽ có thể không thuận lợi như 2 tháng vừa qua cho bên mua. Một phần do mức hồi phục trong tháng 4-5 đã quá mạnh, đưa VN-Index tiến lên những kháng cự mạnh. Một phần do những số liệu đầy đủ hơn về triển vọng 2020 của các doanh nghiệp từ mùa ĐHCĐ sẽ góp phần hiệu chỉnh lại định giá của thị trường.
Dòng tiền sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn ở các nhóm cổ phiếu cũng như các cổ phiếu riêng lẻ có những thông tin hỗ trợ riêng. Trong phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu penny khi hàng loạt mã tăng trần cùng giao dịch sôi động trên cả sàn HSX và HNX, trong khi nhóm Bluchips đang có dấu hiệu bão hòa. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu nào đang có sức hút với dòng tiền, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Nhóm penny cùng chứng khoán phái sinh sẽ có cơ hội hơn khi mà nhóm bluechip, VN30 đã tăng nhiều, đặc biệt quan sát thì HNX-Index yếu hơn hẳn VN-Index cũng là một cảnh báo cho điều này do nhóm cổ phiếu trên HNX thì ít bluechip hơn sàn HOSE.
Chứng khoán phái sinh biến động mạnh, dòng tiền mới dồi dào, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí dù bán ròng trên cơ sở nhưng mua ròng trên phái sinh cũng cho thấy thị trường này là điểm nhấn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Sau khi lan tỏa từ nhóm bluechip, dòng tiền thông minh đang hướng tới phân khúc thấp hơn là midcap và penny. Giai đoạn hiện tại cứ dòng cổ phiếu nào có câu chuyện, mặc dù có khi câu chuyện còn rất xa vời, là thu hút dòng tiền. Nhìn chung, giai đoạn này tôi đang thấy nhóm nông nghiệp và khu công nghiệp tiếp tục là điểm đến của dòng tiền.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng trong tuần tới, các mã vốn hóa rất lớn hoặc rất nhỏ sẽ có biến động khả quan hơn phần còn lại. Nhưng nếu điều này xảy ra thì thường không phải tín hiệu tốt cho đà tăng.
Áp lực chốt lời trong đầu tư ngắn hạn là một trong các yếu tố khiến thị trường có nhiều phiên rung lắc nhẹ. Ở thời điểm này, chiến lược giao dịch nào sẽ hạn chế được rủi ro?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Ông Phan Dũng Khánh
Hạn chế mua vào các cổ phiếu bluechip tăng mạnh trong lúc này, "thà rơi nước dãi còn hơn rơi lệ" khi mà nhiều cổ phiếu bluechip đã có định giá không còn hấp dẫn nữa. Tuy vậy, có thể nắm giữ thêm ngắn hạn nhưng mua mới thì không nên.
Một số penny và thị trường phái sinh hút được dòng tiền nên được quan tâm. Tuy vậy phái sinh vốn cần có nhiều kỹ năng đầu tư nên nếu nhà đầu tư ít kinh nghiệm có thể duy trì danh mục hiện tại và chuyển dần một phần sang tiền mặt trong tháng 6 để chờ đợi những cơ hội sắp tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Tôi lưu ý là giai đoạn này đối với những nhà đầu tư cầm 100% tiền mặt, tâm lý sẽ không khác gì những nhà đầu tư cầm cổ phiếu trong giai đoạn thị trường giảm về vùng đáy dưới 700 điểm vừa rồi.
Tôi cho rằng chiến lược giai đoạn hiện tại là cần hết sức tỉnh táo, xác định rõ mục tiêu đầu tư và đặc biệt cần hiểu về doanh nghiệp trước khi giải ngân.
Về cơ bản thì tôi cho rằng đây là lúc thích hợp để nắm giữ cổ phiếu và chốt lời khi đạt kỳ vọng, còn cơ hội để mua mới sẽ tương đối rủi ro, nhất là việc nếu có 1 trigger nào đó sẽ khiến đà hưng phấn giảm đi nhanh chóng và áp lực giảm mạnh có thể xuất hiện.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Nhà đầu tư nên ưu tiên việc nắm giữ để theo dõi biến động của thị trường, hạn chế mở vị thế mua mới, đặc biệt mua đuổi theo giá khi cổ phiếu tăng.