Tuần qua, thanh khoản trên thị trường vẫn được duy trì khá tốt. Liệu thị trường có giữ được đà tích cực sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Tôi nghĩ là có thể. Thị trường đang được hỗ trợ bởi thông tin về tăng trưởng tín dụng cho 4 tháng cuối năm.
Mặc dù Nhà nước cũng nói rõ phải tập trung nắn dòng chảy tín dụng vào khu vực sản xuất, tránh vào khu vực phi sản xuất như chứng khoán hay bất động sản…, nhưng nếu đúng thế thì chứng khoán vẫn hưởng lợi gián tiếp. Còn thực tế cũng khó cản dòng vốn có ‘ghé’ một phần qua chứng khoán. Trước giờ cứ tín dụng được thả lỏng thì chứng khoán đều tăng cả. Rủi ro lớn nhất là đến từ biến động thế giới bên ngoài.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Thanh khoản của sàn HOSE, nếu loại bỏ giao dịch đột biến của FLC (có phiên lên tới hơn 60 triệu cổ phiếu) thì vẫn duy trì ở mức trung bình. Tuy nhiên, VN-Index đã tăng điểm khá tốt trong tuần qua (+2,2%) là do sự dịch chuyển dòng tiền vào những cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó phải kể đến VIC (+10,9%), BID (+6,6%), GAS (+3,4%)...
Các cổ phiếu chủ chốt đã luân phiên tăng giá cũng đã giúp VN30 thiết lập mức điểm cao nhất từ trước đến nay trong phiên cuối tuần tại 774,76 điểm.
Nhiều khả năng, với sự tham gia mạnh hơn của nhà đầu tư sau kỳ nghỉ lễ, quán tính tăng của thị trường vẫn sẽ được duy trì. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với vùng kháng cự tại 791-793 điểm của chỉ số VN-Index.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kimeng
Đà tăng của thị trường theo tôi sẽ rõ ràng hơn sau 1-2 phiên giao dịch sau Lễ. Hiện VN-Index đang đứng sát mốc cao nhất trong năm 2017 (cũng là mức cao nhất trong gần 10 năm qua). Nếu thị trường dễ dàng vượt được đỉnh này để đi vào vùng 800 điểm thì xu hướng tăng từ đầu năm sẽ tiếp tục với mục tiêu xa hơn là 850 điểm, còn ngược lại sẽ chuyển sang xu hướng tiêu cực hơn.
Các thông tin kinh tế và doanh nghiệp hiện vẫn tương đối tích cực ủng hộ một xu hướng tăng điểm. Tuy nhiên, yếu tố thanh khoản là điểm trừ nếu tiếp tục duy trì như phiên cuối cùng trước Lễ.
Khi đó, dù thị trường có lên tầm cao mới thì nhiều khả năng vẫn có thể giảm trở lại. Mặc dù vậy, nếu thanh khoản tiếp tục tốt hơn, khối ngoại duy trì mua ròng (hiện nhà đầu tư nước ngoài mua ròng bán ròng xen kẽ nhau các phiên trong tháng 8 và có dấu hiệu giảm mua ròng) xu hướng tăng điểm sẽ bền vững hơn, hướng đến các mục tiêu cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS
VN-Index có 8 phiên tăng điểm liên tục và đóng cửa tại 788,9 điểm, chỉ còn cách đỉnh cũ khoảng rất nhỏ. Về mặt điểm số, đây là một tín hiệu tích cực, đặc biệt nếu quan sát những cây nến tăng giá mạnh và dứt khoát. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của thị trường, có nghĩa điểm tăng nhưng chủ yếu dựa vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Liên tiếp những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu lớn thay nhau hỗ trợ thị trường trong khi nhiều cổ phiếu đơn lẻ hoặc không tăng giá, hoặc tăng rất ít không đáng kể.
Trong khi đó, chính những cổ phiếu lớn này sau cú tăng mạnh đang gặp áp lực chốt lời rất lớn. Tất nhiên, vẫn còn nhiều cổ phiếu có tính tác động đến thị trường nhưng chưa tăng giá. Tuy nhiên, nếu chỉ phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu lớn như vậy thì thị trường sẽ khó bền, bởi nhà đầu tư có thể sẽ quay sang bán. Điều này không phải ngoại lệ bởi nó đã từng diễn ra sau giai đoạn tăng mạnh giữa Tháng 7 đến đầu Tháng 8 vừa qua. VN-Index cũng đã rớt mạnh từ đỉnh 796 điểm xuống 760 điểm.
Một trong yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian qua là nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp mua ròng, đặc biệt là trong 2 phiên cuối tuần qua với giá trị mua ròng 240 tỷ đồng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về giao dịch của khối ngoại trong giai đoạn tới?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Khối ngoại nhìn chung vẫn mua ròng, chủ yếu là sàn HOSE và thường tập trung ở vài mã vốn hóa lớn như HPG, HSG, GAS, VNM, VPB, VCI, SAB, PLX…, gần đây có thêm 1 số mã được mua ròng nhiều phiên như VIC, FLC, SSI… Tuy nhiên, phía bên bán cũng không phải là không có mã vốn hóa lớn, ví dụ như PVD, PVS, MSN, SKG…
Ông Hoàng Thạch Lân
Quỹ ETF cũng được cho là đang giao dịch trên thị trường, ví dụ như đợt ATC của phiên 29/8, khi có nhiều mã tự dưng bị đặt bán ATC rất nhiều.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng đúng 8 tháng, khác hẳn so với các năm trước. Đang có ý kiến cho rằng sẽ có tháng nào đó họ bán ròng. Tôi nghĩ điều này chỉ mang tính chất dự đoán thống kê, kiểu như Index xanh nhiều phiên thì cũng phải có phiên đỏ.
Tất nhiên, cũng sẽ có tháng họ bán ròng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là việc họ bán có mang ý nghĩa tiêu cực nào không, vi dụ như (1) họ bán vì giá cổ phiếu trên thị trường mình quá cao, (2) kinh tế/thị trường đang tiềm ẩn rủi ro lớn, hay (3) thế giới bên ngoài có biến động mạnh khiến dòng FII rút ra? Tôi nghĩ, trừ yếu tố (3), tức là xét nội tại nước ta thì là không, it nhất là đến cuối năm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Trong 2 tuần đầu tháng 9 là giai đoạn 2 chỉ số ETF ngoại có quy mô lớn nhất tại Việt Nam là FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index sẽ thực hiện tái cấu trúc lại các cổ phiếu thành phần.
Vì vậy, diễn biến giao dịch ròng của khối ngoại có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi đợt đảo danh mục định kỳ hàng quý này.
Theo dự báo của tôi, những cổ phiếu có thể được mua nhiều bao gồm PLX, NVL, VCB, SBT; ở chiều ngược lại VIC, MSN, STB và có khả năng FLC cũng sẽ bị bán ra mạnh.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kimeng
Khối ngoại dù vẫn mua ròng nhưng đã xen kẽ nhiều phiên bán ròng, đặc biệt có nhiều phiên mua ròng về mặt giá trị giao dịch nhưng bán ròng về mặt khối lượng giao dịch điều mà hiếm khi xuất hiện trong nửa đầu năm.
Ông Phan Dũng Khánh
Vì vậy, chỉ 1 phiên mua ròng mạnh chưa thể nói được về xu hướng mua ròng của khối ngoại khi những phiên bán ròng gần đây có xu hướng gia tăng.
Vì thế, cần theo dõi thêm xu hướng này trong tháng 9 còn hiện tại dòng tiền của khối ngoại vẫn đang tích cực và những việc mua bán thời gian qua có thể dự báo là giai đoạn cơ cấu lại danh mục đầu tư của họ, để định hình cho xu hướng đầu tư trong phần còn lại của năm chứ chưa phải là các hành động rút vốn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS
Thực ra, giai đoạn gần đây khối ngoại vẫn liên tiếp mua ròng, ngoại từ phiên 29/8 do cú bán mạnh của quỹ ETF. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của khối ngoại không còn mang nhiều dấu ấn, một là khối lượng trên từng cổ phiếu thấp hơn nhiều so với nhà đầu tư nội; hai là họ mua rải trên nhiều cổ phiếu.
Cá nhân tôi cho rằng, trong tháng 9 này sẽ không có nhiều đột biến, nếu có thì là kỳ đảo danh mục lần 3 của các quỹ ETF.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu đầu cơ, dòng tiền bắt đầu có dấu hiệu chảy về các cổ phiếu bluechips. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy thị trường sắp quay trở lại uptrend. Quan điểm của ông/bà như thế nào và lợi thế đang thuộc về nhóm cổ phiếu nào?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Điều này chưa hẳn rõ. Ngoài HPG, GAS, PLX, SAB… được mua ròng thường xuyên trong tháng 8, gần đây VIC được mua ròng nhiều, có lẽ đón đầu kết quả 6 tháng cuối năm vốn đượccho là rât tốt (mảng bất động sản). Nhưng ngược lại, bên bán ròng cũng có những mã lớn như MSN, SSI, HBC, NVLchẳng hạn.
Ngoài ra, một số mã mua ròng như SAB tôi nghĩ đang có giá cao, khối ngoại có lẽ cũng nghĩ vậy, nhưng họ mua có thể do liên quan đến việc thoái vốn nhà nước.
Nói chung, tôi nghĩ giao dịch khối ngoại bây giờ ít mang yếu tố quyết định đến giá, nhất là phía bên mua (1 số mã họ bán thì có hiện tượng chính họ “đạp” giá xuống). Giá cổ phiếu đang do khối nội “kiểm soát”.
Tất nhiên, cũng sẽ có tháng họ bán ròng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là việc họ bán có mang ý nghĩa tiêu cực nào không, vi dụ như (1) họ bán vì giá cổ phiếu trên thị trường mình quá cao, (2) kinh tế/thị trường đang tiềm ẩn rủi ro lớn, hay (3) thế giới bên ngoài có biến động mạnh khiến dòng FII rút ra? Tôi nghĩ, trừ yếu tố (3), tức là xét nội tại nước ta thì là không, it nhất là đến cuối năm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Sự dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm bluechips trong tuần qua là khá rõ nét. Trong khi VN30, chỉ số đại diện cho nhóm này tăng mạnh cả về điểm số cũng như thanh khoản thì những chỉ số đại diện cho nhóm đầu cơ như VNMidcap (không tính FLC) và VNSmallcap đều có sự sụt giảm thanh khoản và diễn biến lình xình.
Ông Vũ Minh Đức
Hiện tại, VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tăng trung hạn và theo tôi, sự mạnh lên của nhóm bluechips là điều kiện cần để chỉ số sàn HOSE này có thể vượt qua vùng kháng cự 790-800 điểm để chinh phục các mốc cao hơn. Tuy vậy, cái thiếu của thị trường hiện tại là yếu tố thanh khoản cần phải được cải thiện thêm.
Do đó, lợi thế hiện tại đang thuộc về nhóm bluechip và một số cổ phiếu cơ bản có thông tin hỗ trợ, tuy nhiên tôi vẫn duy trì một sự thận trọng nhất định đối với việc tăng mạnh của thị trường trong tuần tới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kimeng
Nhóm tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang được dự báo sẽ "cầm trịch" thị trường lúc này và trong thời gian tới.
Sự trở lại của nhóm thép cũng "thổi" thêm sức cho thị trường thậm chí cả các penny ở nhiều nhóm ngành đặc biệt ở nhóm bất động sản, xây dựng cũng có nhiều sóng ở nhiều nhóm. Vì vậy, khả năng về một uptrend là rất lớn.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn cần tỉnh táo quan sát kỹ dòng tiền và vùng đỉnh hiện tại ở mức 790-800 điểm để xác định lại lần nữa cho điều này.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS
Sự hồi phục trong những ngày cuối tháng 8 đã giúp thị trường lấy lại mốc 780 điểm liệu có là bước đệm giúp thị trường chinh phục mốc 800 điểm còn dang dở trong tháng 9.
Nhìn từ đồ thị, VN-Index đang vận động trên vùng điểm là vai trái của đồ thị, nếu thị trường trở nên yếu đi và dòng tiền chậm lại thì mô hình Vai – Đầu – Vai có thể sẽ hình thành rõ ràng hơn. Ngược lại, đà tăng ổn định sẽ mở ra cơ hội hướng đến mốc 820 điểm.
Mọi điều vẫn còn bỏ ngỏ và có lẽ, điều mà nhà đầu tư cần quan tâm chính là từng cổ phiếu và kiếm tìm cơ hội tại đó hơn là sự vận động chung của thị trường. Sẽ khó có kịch bản ồ ạt tháo chạy, thay vào đó là sự vận động nhẹ trong biên độ hẹp, cùng vói đó là sự biến động của nhiều cổ phiếu hấp dẫn thu hút dòng tiền.
Tính đến hiện tại, trên thị trường xuất hiện rất nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh kể cả bluechip. Chiến lược dài hạn thì vẫn là nhắm đến những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội, nhưng ngắn hạn thì cần lựa thời điểm thích hợp để mua bán.
Có nghĩa, những cổ phiếu đã tăng nóng trong ngắn hạn sẽ khó mang đến cơ hội. Ngược lại, trong điều kiện thị trường thuận lợi, dòng tiền sẽ liên tục tìm kiếm cơ hội và những nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục chiến lược mua theo dòng tiền.