Trong tuần qua, VN-Index đã có 3 phiên liên tiếp sideway tại mốc đỉnh 830 điểm với sự trở lại khá mạnh của dòng tiền, nhưng vẫn ở tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” mà đáng chú ý là "hiện tượng" ROS. Tháng 10 hàng năm thường là giai đoạn thị trường tạo đỉnh và sau đó sẽ điều chỉnh trong các tháng còn lại của năm. Liệu kịch bản này có xảy ra trong năm nay khi cả 2 chỉ số đều tiến lên mức rất cao, theo các ông/bà?.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Tôi nhiều lần nói giá cổ phiếu, cũng như chỉ số là chuỗi số thời gian, nó không có tính mùa vụ trong năm như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà nó biến động theo tin và dòng tiền vào ra.
Do đó, nếu các năm gần đây hay có đỉnh vào tháng 10, thì có lẽ đó là do các tháng 10 đó hay có thông tin vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nó cũng giống như trường hợp tháng 12, giá cổ phiếu thường tăng, bởi khi đó Chính phủ hay công bố các chỉ tiêu vĩ mô cho năm sau, mà các chỉ tiêu thì thường là rất tốt đẹp.
Năm nay, cả 2 chỉ số chính của 2 sàn chứng đều phá đỉnh nhiều năm và nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, hầu như tăng ổn định. Điều này giúp nhiều người kiếm lời lớn, kể cả tổ chức lẫn cá nhân, nhưng có lẽ cá nhân thì họ e sợ index đang sắp đảo chiều. Đơn giản đó là vì nguyên tắc hình sin của giá cổ phiếu và chỉ số, tức là có tăng thì phải có giảm, tăng mãi thì tất yếu phải đi đến lúc giảm.
Tuy nhiên, tôi thì vẫn cho rằng, các chỉ số sẽ còn tăng trong tháng 10 này, thậm chí có thể kéo qua cả 2 tháng cuối năm vì 2 lý do.
Thứ nhất, chính sách nới lỏng tín dụng của Chính phủ giúp cho dòng tiền ở chứng khoán chỉ có tăng chứ chưa có giảm.
Thứ hai, thông tin xấu chưa có. Rủi ro lớn nhất là thông tin đến từ thế giới bên ngoài.
Ngoài ra, sự kiện APEC cũng đã rất gần, đây là tin tốt đối với thị trường chứng khoán trong tháng 11.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, CTCK SSI
Thị trường đã duy trì đà tăng trong tháng 10 vừa qua và chỉ số VN-Index đã vượt hoàn toàn mức 800 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đã có chiều hướng sụt giảm và thị trường có hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng, tức là đà tăng thị trường phụ thuộc phần lớn vào nhóm cổ phiếu Largecaps cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt.
Theo thống kê của tôi, thị trường thường giảm mạnh trong tháng 11 với xác suất xảy ra là 69% và thị trường tăng nhẹ trở lại trong tháng 12. Do đó, tháng 10 cũng có thể được xem là thời điểm tạo đỉnh ngắn hạn.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới miền Bắc 2, Khối khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Tôi nhất trí với quan điểm của nhà báo, bởi hiện tại, đa số các cổ phiếu đã ở mức định giá hợp lý so với triển vọng kinh doanh của năm nay nên không còn nhiều dư địa tăng giá. Hơn nữa, mức độ tăng trưởng tốt của thị trường trong năm nay đã đưa quy mô vốn hoá, thanh khoản lên một tầm cao mới, trong khi đó, quy mô và năng lực đáp ứng nhu cầu cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng liên tiếp lập đỉnh cao mới và hiện cũng chạm tới những giới hạn nhất định.
Ông Nguyễn Trung Du
Nguồn cung gia tăng từ các cổ phiếu mới niêm yết trong thời gian qua và nhiều thương vụ IPO lớn thời gian tới như PVOIL, PV POWER, BSR (Lọc hoá dầu Bình Sơn)..., cũng tạo ra những sức hút với dòng tiền đang hoạt động trên thị trường niêm yết.
Do đó, tôi cho rằng, thị trường sẽ điều chỉnh và củng cố trong các tháng cuối năm trong khi chờ đợi các công ty chứng khoán gia tăng thêm nguồn lực cho vay margin cũng như cần thêm những dòng tiền đầu tư mới giúp thị trường tiếp tục đà tăng trưởng trong năm sau.
Mặc dù nhóm Ngân hàng đón nhận thông tin tình hình kinh doanh khá tốt nhưng cổ phiếu ngân hàng lại không tăng đồng nhịp thời gian qua ngoại trừ ACB và VCB. Đâu là nguyên nhân? Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này trong ngắn hạn?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Cũng hơi khó để tìm nguyên nhân chung cho sự biến động lệch pha giữa kết quả quý III và giá cổ phiếu ngân hàng.
Có người nói đó là hiệu ứng “tin ra là bán”, nhưng tôi không nghĩ vậy. Gần đây, ACB và VCB tăng mạnh, ngoài kết quả quý III thì còn có một số tin đồn liên quan, có lẽ chính vì thế mà các mã này tăng giá mạnh. Còn các mã kia thì không có tin gì ngoài kết quả quý III.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, CTCK SSI
Tình hình kết quả kinh doanh quý III/2017 của nhóm ngân hàng vẫn duy trì xu hướng khả quan, nổi bật nhất là những ngân hàng có thế mạnh về mảng bán lẻ như VPB, ACB…
Ông Nguyễn Thế Minh
Tuy nhiên, dòng tiền ngắn hạn của thị trường cũng đang có dấu hiệu suy yếu và kết quả kinh doanh không còn là thông tin nổi bật để hỗ trợ cho nhóm ngành này, mà dòng tiền chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng có từng câu chuyện hỗ trợ riêng như thoái vốn và bán vốn cho đối tác nước ngoài.
Tôi vẫn đánh giá khả quan nhóm cổ phiếu ngân hàng và dòng tiền vẫn có thể chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu có câu chuyện riêng như VCB, BID…
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới miền Bắc 2, Khối khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Theo tôi thì không chỉ nhóm ngân hàng, mà ngay cả các cổ phiếu tốt đều có dấu hiệu bị chốt lời mạnh trong tuần qua khi ra báo cáo kết quả kinh doanh quý III rất ấn tượng như HPG, DXG, HCM, SHS, AAA..., bởi đà tăng trước đó đã phản ánh trước kỳ vọng về kết quả kinh doanh này.
Tuy nhiên, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, tôi cho rằng, kết quả kinh doanh quý IV và triển vọng năm sau sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng nhờ tăng trưởng tín dụng tốt, giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu sẽ giúp cho bức tranh với nhóm cổ phiếu này diễn biến tích cực trong các tháng cuối năm.
Những cổ phiếu ngân hàng như ACB, MBB, VCB, VPB có kết quả kinh doanh năm nay tăng trưởng ấn tượng hơn so với các cổ phiếu ngân hàng còn lại nên việc các cổ phiếu này diễn biến tích cực hơn là hoàn toàn hợp lý.
Cùng với nhóm ngân hàng, bất động sản cũng được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III và cuối năm nay. Tuy nhiên, ngoài ROS, gần như các mã bất động sản khác chỉ lình xình trong thời gian qua. Liệu ROS “châm ngòi” cho đợt tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian tới không, theo ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt
Nhóm bất động sản đúng là có những cổ phiếu được dự báo là có quý III khả quan, xét ở góc độ tăng trưởng, với 2 lý do là (1) thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay giao dịch tốt, dòng tiền vào và nhờ đó các công ty bất động sản đẩy mạnh tiến độ thi công dự án và có điểm rơi (thời điểm bàn giao nhà) và quý III năm nay; (2) quý III năm ngoái kết quả thấp.
Ông Hoàng Thạch Lân
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng hưởng lợi như thế cả, điều này khó dự báo, nhưng nhà đầu tư có thể xem xét biến động về các khoản mục tồn kho và phải trả của doanh nghiệp 3 quý gần nhất để tìm kiếm dấu hiệu. Ngoài ra, không loại trừ khả năng điểm rơi còn có thể chậm một chút, vào quý IV.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản hay có doanh thu cao bất thường vào quý IV, khi so với 3 quý trước đó trong cùng năm. Do đó, tôi nghĩ, sẽ có những cổ phiếu bất động sản tăng giá, nhưng cả ngành thì không chắc.
Về ROS, tôi không dám nói cổ phiếu này tăng vì kết quả kinh doanh. Những năm gần đây, có vẻ như doanh thu và lợi nhuận ROS tăng trưởng mạnh, tuy nhiên một phần là nhờ tăng vốn, phần kia là nhờ thi công công trình cho FLC. Tôi không tìm thấy dấu hiệu nào về khả năng tăng trưởng bền vững ở công ty này. Như thế, cũng không dám nói ROS đang châm ngòi cho sóng bất động sản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, CTCK SSI
ROS là cổ phiếu đặc trưng và không tác động lớn lên nhóm cổ phiếu bất động sản. Đồng thời, quý III và quý IV là điểm rơi lợi nhuận của nhóm ngành bất động sản, đặc biệt tôi dự báo nhóm ngành này sẽ tạo ra viễn cảnh đột biến về lợi nhuận trong hai quý này. Tuy nhiên, nhóm ngành này phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền chung của thị trường, nên sóng bất động sản sẽ hồi phục mạnh trong các tháng cuối năm chỉ khi dòng tiền của thị trường tăng trở lại.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới miền Bắc 2, Khối khách hàng cá nhân, CTCK HSC
Tôi cho rằng, diễn biến tăng giá của cổ phiếu ROS không có tác động tới các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản và xây dựng, bởi yếu tố tăng giá không đi kèm yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản sau quá trình tăng giá mạnh đồng loạt hồi đầu năm, thì giai đoạn hiện tại cũng có nhiều sự phân hoá với số ít cổ phiếu còn động lực tăng giá như VIC, VCG, SDI và SJS thời gian gần đây.
Nhìn chung, trên quy mô toàn thị trường hay từng nhóm ngành, sự phân hoá ngày càng diễn ra mạnh hơn và nhà đầu tư nên đánh giá theo yếu tố nội tại từng doanh nghiệp để tìm ra các cổ phiếu nổi trội trong ngành.
Ngoài ra, những cổ phiếu đã kín room trong nhóm triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo như DHG, FPT, MBB, REE... sẽ thu hút nhu cầu của các nhà đầu tư tài chính khối ngoại cũng có thể là cơ hội để cân nhắc cho nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường củng cố và ít cơ hội như hiện tại.