Áp lực chốt lời đã khiến chỉ số VN-Index “bay hơi” gần 47 điểm trong tuần qua. Theo ông/bà, liệu tốc độ “lên thang bộ, xuống tháng máy” của thị trường có tiếp tục tái diễn trong tuần tới?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Điều này nhiều khả năng là có khi thị trường đang bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như tình hình Syria, TTCK Mỹ và thế giới diễn biến tiêu cực hay tuần qua nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4/5 phiên giao dịch.
Những thông tin tốt trong nước như GDP tăng mạnh nhất 1 thập kỷ hay các thông tin tích cực khác chỉ hỗ trợ rất ít cho thị trường thì việc thị trường vẫn sẽ tiếp tục bị tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều mã penny lên tiếng trong khi các bluechip lại đang bị giảm với độ rộng lớn hơn. Điều này thường là dấu hiệu chỉ xuất hiện khi thị trường diễn biến xấu đi.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Chỉ số VN-Index mất tổng cộng gần 50 điểm trong tuần qua và là tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua.
Đặc điểm chung là các nhóm cổ phiếu đều mất điểm và chỉ trừ một số cổ phiếu lớn đã giảm sâu trước đó mới thoát khỏi xu hướng chung của thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Một số nhóm cổ phiếu kéo trụ quan trọng trong thời gian trước đó đều mất động lực vì vậy đã ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung.
Trong tuần tới, các áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn với các chỉ số có thể lùi sâu hơn một chút trước khi chạm các vùng mua hấp dẫn nhà đầu tư. Dòng tiền vẫn ở lại thị trường, vì vậy khi thị trường điều chỉnh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.
Thông tin căng thẳng địa chính trị đang có phần chi phối phối chung đến TTCK thế giới. Điều này tác động nhiều đến diễn biến thị trường trong nước, theo ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Với việc thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố bên ngoài nhiều như hiện nay, thì thông tin này sẽ tác động khá mạnh đến TTCK trong nước va dòng tiền khối ngoại bán ra 4/5 phiên tuần qua và suốt 2 tháng gần đây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Trong giai đoạn gần đây, thị trường trong nước chịu tác động từ thị trường quốc tế do các hoạt động thương mại quốc tế và giá nguyên liệu các ngành tác động trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp trong nước.
Chưa kể các yếu tố chính trị vẫn là điều nhạy cảm với hầu hết thị trường chứng khoán toàn cầu chứ không riêng gì trong nước. Tuy nhiên, ít nhất có thể thấy rằng, việc căng thẳng giữa Mỹ và Syria không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế trong nước, vì vậy có thể sau một vài phiên rung lắc, thị trường sẽ lấy lại sự bình tĩnh và giao dịch ổn định.
Hai nhóm cổ phiếu được thị trường quan tâm trong thời gian gần đây là ngân hàng và dầu khí đều giảm mạnh ở phiên cuối tuần. Ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với cổ phiếu này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Nhóm dầu khí mới tăng thời gian ngắn nhưng bị giảm lại trước Tết, nên nhóm này gần đây không còn ảnh hưởng tích cực nhiều đến thị trường nếu không muốn nói là tiêu cực.
Ông Phan Dũng Khánh
Cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng điểm trong giai đoạn quá dài (3 năm), nên việc điều chỉnh, chốt lời hay ít nhất là giảm điểm kỹ thuật là điều dễ hiểu đặc biệt trong bối cảnh các bluechip đã rớt khá nhiều như SAB, CTD, BMP, HPG... và hầu như thị trường chỉ tăng điểm vượt đỉnh 11 năm trước nhờ chủ yếu nhóm ngân hàng.
Vì vậy, với những nhà đầu tư mua mới những cổ phiếu này hoặc mua những cổ phiếu thuộc nhóm này lên sàn trong thời gian tới sẽ gặp rủi ro rất lớn khi kỳ vọng tăng giá chỉ còn rất nhỏ, thậm chí có nhiều ngân hàng nhỏ nhưng nhờ đang có sóng ngân hàng lên sàn đúng thời điểm đã bán được với giá của những ngân hàng lớn, có kết quả kinh doanh tốt.
Những mã mới lên sàn thời gian gần đây như BSR, OIL, POW, những nhà đầu tư mua khi những mã này lên sàn hồi đầu năm nay đến giờ vẫn chưa có lời.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Nhóm ngân hàng và chứng khoán đều là những nhóm ngành tăng mạnh nhất kể từ đầu năm và nhiều cổ phiếu đã gần như đạt mục tiêu giá của cả năm dựa trên các dự báo lợi nhuận doanh nghiệp.
Sự điều chỉnh cũng là điều cần thiết vì nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng hơn 30-50% so với đầu năm, vì vậy nhiều tổ chức và cá nhân đang tiến hành chốt lời.
Trong thời gian tới, kết quả kinh doanh hai nhóm ngành này có ý nghĩa rất lớn đến quyết định giải ngân của nhà đầu tư và cả đến việc định giá chung về mặt cổ phiếu của cả thị trường.
Nhìn chung, tôi vẫn lạc quan với một số nhóm cổ phiếu trong hai ngành này và dư địa tăng trưởng của hai nhóm ngành này vẫn còn đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong bối cảnh dòng tiền chốt lời vẫn hoạt động khá mạnh, ông/bà lựa chọn chiến lược đầu tư như thế nào?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Theo tôi, các nhà đầu tư nên bắt đầu chốt những mã cổ phiếu lớn, bluechip hạn chế tối đa việc đầu tư vào nhóm này trừ những mã nền tảng tốt, nhưng chưa tăng nhiều hoặc giảm quá mạnh thời gian qua.
Ngoài ra, nên chuyển một phần danh mục sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có cơ bản tốt cùng một số penny đang hút được dòng tiền.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Về trung hạn, xu hướng tăng trưởng của thị trường vẫn duy trì, vì vậy các đợt giảm điểm là thời gian để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và tích lũy dần cổ phiếu.
Dĩ nhiên, ở các đợt giảm, nhà đầu tư sẽ không biết đáy của thị trường sẽ rơi chính xác ở đâu, vì vậy các trạng thái gia tăng margin chỉ ở mức giới hạn và chỉ tăng dần khi thị trường có tín hiệu hồi phục đảo chiều rõ ràng.
Tùy vào tình hình chính trị quốc tế thị trường có thể điều chỉnh mức độ nhiều hay ít, nhưng khả năng sẽ khó phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh tạo nên xu thế đảo chiều của thị trường. Có hai vùng hỗ trợ mạnh là 1.130 và ngưỡng thứ hai quanh 1.080 nơi là trụ đỡ lớn nhất với chỉ số hiện tại.