Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng pha tăng điểm, đặc biệt nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG vẫn duy trì được mức tăng tốt tạo ra động lực hỗ trợ cho các chỉ số không bị “hao hụt” nhiều trong tuần qua. Diễn biến giao dịch tuần tới sẽ theo xu hướng nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thị trường vừa có tuần hồi phục 0,27% sau 4 tuần giảm liên tiếp nhờ sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau nhịp điều chỉnh lớn vừa qua, thị trường hiện tại đang ở một vùng tích lũy và xu hướng này có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Thanh khoản trong tuần hồi phục vừa qua giảm về mức thấp nhất trong 9 tuần, bình quân chỉ đạt trên 3.000 tỷ đồng/phiên ở sàn HSX. Bên cạnh đó, chuỗi bán ròng của khối ngoại đã lan sang tháng thứ 5 liên tiếp và tuần tới 2 quỹ ETF cũng có phiên tái cơ cấu sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Do vậy, kịch bản khả dĩ đối với thị trường lúc này là tiếp tục dao động trong vùng tích lũy và chờ đợi các thông tin hỗ trợ từ thanh khoản cũng như động thái giao dịch từ khối ngoại.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có diễn biến giá mạnh hơn so với thị trường chung - các cổ phiếu ngân hàng nổi bật đang có lực cầu mua lên rất tốt như là VCB, BID... và đóng vai nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường hiện nay.
Ông Lê Đức Khánh
Nhìn chung, thị trường đã tạo đáy ngắn hạn tại vùng 955 (+/- 5 điểm) và đang hướng lên ngưỡng 980 điểm. Tuần tới, VN-Index vẫn sẽ tăng và rung lắc tại các vùng 970 - 980 điểm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Thị trường diễn biến khá giằng co, trong khi nhóm ngân hàng tăng giá thì khá nhiều mã tromg rổ VN30 giảm trong phiên cuối tuần 13/12, khiến VN-Index đóng cửa tuần dưới kháng cự tại 970 điểm. Trong tuần tới VN-Index có thể diễn biến lình sình với chiều hướng giảm, trong biên độ từ 950-970 điểm.
Sau những phiên liên tiếp bán ròng mạnh, nhà đầu tư nước ngoài đã có những dấu hiệu tích cực với danh mục mua bán khá cân bằng. Theo các, thị trường có bị chi phối nhiều bởi yếu tố vốn ngoại từ nay đến cuối năm?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Hiện chuỗi bán ròng của khối ngoại đã sang tháng thứ 5 liên tiếp, kể từ đầu tháng 12 cho tới nay khối ngoại đã bán ròng 940 tỷ đồng trên sàn HSX. Xu hướng này có phần tương tự như diễn biến trong nửa cuối năm 2016, do vậy khả năng là phải sang đầu năm sau khối ngoại sẽ quay lại mua ròng. Tuần sau, 2 quỹ ETF sẽ tiến hành tái cơ cấu, thị trường có thể còn bị chi phối bởi hoạt động mua/bán từ khối ngoại.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)
Chúng ta vẫn hết sức thận trọng với diễn biến bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây. Thống kê giao dịch của khối ngoại trong 3 tháng 9, 10, 11 và thậm chí các phiên đầu tháng 12 vẫn đang cho thấy khối ngoại bán ra nhiều hơn so với mua vào.
Có lẽ động thái cơ cấu danh mục và bán ra ở nhiều cổ phiếu lớn sẽ chỉ dừng lại cho đến hết tháng 12 chưa kể đến việc cơ cấu danh mục các quỹ ETFs giai đoạn gần cuối tháng 12. Dòng vốn ngoại giao dịch mạnh ở các cổ phiếu lớn ảnh hưởng đến chỉ số nên thị trường vẫn phần nào cũng đang bị chi phối bởi yếu tố tiêu cực trên.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Sự hồi phục nhất định của thị trường trong tuần qua một phần do khối ngoại đã có những phiên mua ròng trở lại. Trong bối cảnh cầu nội khá yếu, nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng trở lại thì sẽ tạo áp lực giảm cho VN-Index.
Ông Vũ Minh Đức
JP Morgan vừa ra báo cáo đưa ra nhiều kịch bản với TTCK, trong đó có kịch bản lên 1200 điểm và Việt Nam vào Watch list nâng hạng. Có hơi lạc quan thái quá không, theo các ông?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Việc dự báo thị trường phải nói là rất khó, nhất là trong bối cảnh thị trường chịu rất nhiều các biến cố bất định như hiện nay. Trong trường hợp chứng khoán Việt Nam được vào Watch list nâng hạng, có lẽ kịch bản đưa ra cũng không phải là lạc quan thái quá.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)
Cũng không quá lạc quan khi JP dự báo lạc quan xu hướng TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Mốc điểm 1200 điểm trước sau gì VN-Index cũng sẽ đạt được bởi triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, giá trị đầu tư FDI tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng, CPI, lạm phát được kiểm soát và được neo giữ ở mức thấp và tất nhiên cần phải kể đến quy mô thị trường, số lượng cổ phiếu niêm yết đang gia tăng nhanh trong các năm gần đây.
Trong kịch bản lạc quan thì mốc 1200 không phải là vấn đề gì lớn đối với thị trường trong năm 2020.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
JP Morgan đưa ra mốc 1105 điểm cho VN-Index trong năm 2020, tôi cho rằng hợp lý trên khía cạnh giá trị nội tại. Mặc dù vậy, biến động của VN-Index còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, khiến nó có thể vận động chệch mục tiêu trong một khoảng thời gian xác định nào đó, trước khi hướng về gần giá trị hợp lý.
Trong giai đoạn tâm lý nhà đầu tư còn yếu trong khi thị trường có thể đón nhận nhiều bất ngờ đến từ thế giới, tạo thử thách không nhỏ với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu “bắt đáy” vừa qua. Chiến lược nào sẽ phù hợp với các nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Ông Ngô Quốc Hưng
Như đã phân tích ở trên, sau nhịp điều chỉnh lớn vừa qua thị trường đang tạo nền tích lũy do vậy nhà đầu tư có thể túc tắc gom dần cổ phiếu cho quý 1, theo thống kê quý 1 thường là giai đoạn thị trường tăng trưởng tốt nhất trong năm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã và đang có dấu hiệu giảm nhiệt, FED cũng đang phát đi thông điệp không điều chỉnh lãi suất trong năm 2020 và xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ đang là diễn biến tất yếu trong bối cảnh kích thích tăng trưởng trên phạm vi rộng.
Chiến lược bắt đáy và mua, nắm giữ cổ phiếu đang là động thái phù hợp của các nhà đầu tư. Từ nay cho đến ít nhất quý II/2020, kể cả hoạt động giao dịch ngắn hạn, mua bán cổ phiếu theo đà tăng trưởng kết hợp với đầu tư giá trị sẽ vẫn được các nhà đầu tư ưa thích hơn cả. Giai đoạn này nên mua vào cổ phiếu hơn là bán ra.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Thị trường trong nước tỏ ra yếu hơn so với đà tăng của chứng khoán thế giới trong tuần qua do sự thận trọng của lực cầu nội. Vì thế, thị trường vẫn còn khả năng giảm trong ngắn hạn, chưa thực sự an toàn cho chiến lược lướt sóng.