VN-Index liên tục thiết lập đỉnh và suýt soát chạm ngưỡng 1.200 điểm nhưng có hơn 50% số cổ phiếu giảm giá, chỉ có gần 15% số cổ phiếu tăng hơn VN-Index, chủ yếu là các cổ phiếu lớn, trong khi các mã này đều đã ở mức giá rất cao. Xin hỏi các ông/bà, việc tham gia thị trường trong thời điểm này có quá rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong giai đoạn vừa qua, khi VN-Index tiến gần vào vùng đỉnh 10 năm tại 1.170-1.180 điểm, sự nghi ngờ của thị trường là rất cao, dẫn đến việc nhiều cổ phiếu giảm điểm.
Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu dẫn dắt chiếm tỷ trọng nhỏ về số lượng, nhưng tỷ trọng rất lớn về vốn hóa và mức độ ảnh hưởng lên chỉ số đã tăng giá, giúp VN-Index thiết lập mức đỉnh cao mới và tiến sát mốc 1.200 điểm như hiện tại.
Tôi đặt kỳ vọng tăng giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, đặc biệt trong ngành bất động sản và tài chính, sẽ tốt hơn so với VN-Index và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần tới
- Ông Vũ Minh Đức
Ở mức này, định giá của các cổ phiếu dẫn dắt đang ở mức khá cao và sự giằng co đã diễn ra tại đây khiến mức độ biến động của VN-Index nhỏ lại.
Ngược lại, dòng tiền lại được thúc đẩy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ có vốn hóa nhỏ và trung bình, tạo nên sự hấp dẫn riêng cho giai đoạn hiện tại. Do đó, tôi cho rằng, mức độ rủi ro phải được gắn liền với từng phân khúc cổ phiếu, chưa nên đổ đều cho toàn thị trường.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)
Đối với thị giá của các cổ phiếu, tôi cho rằng, rất khó để có thể nói rằng một cổ phiếu là đắt hay rẻ khi thị giá là chỉ báo phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư.
Dường như giai đoạn này bên cạnh các kỳ vọng đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng tích cực từ lợi ích của việc thị trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cả về chất lượng cũng như số lượng các mã cổ phiếu niêm yết.
Từ đó, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận trả một mức P/E cao hơn khi quy mô thị trường mở rộng sẽ tạo ra sức hút lớn hơn với dòng tiền mới.
Ông Trần Anh Tuấn
Với giả định này, tôi cho rằng, mức tăng điểm nổi trội của các cổ phiếu vốn hóa lớn là hoàn toàn hợp lý khi nhóm cổ phiếu này sẽ thuộc Top cổ phiếu được phân bổ danh mục ngay khi các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường.
Đối với mọi nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán, việc chịu một phần rủi ro luôn luôn là điều khó tránh khỏi, đặc biệt nếu so sánh với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm.
Khi xu hướng trung hạn của chỉ số vẫn là tăng trưởng, tôi cho rằng, cơ hội để nhà đẩu tư trong đó có các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường vẫn tồn tại. Tuy vậy, trước khi tham gia thị trường, nhà đầu tư cần xác định rõ chiến lược giao dịch, nhóm cổ phiếu mục tiêu cũng như khẩu vị rủi ro- mức độ rủi ro nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận khi ra nhập thị trường.
Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong ngắn hạn?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện tại, tôi chưa thấy tín hiệu xấu cho xu hướng ngắn hạn của VN-Index. Chỉ số vẫn nằm trong kênh tăng giá với hỗ trợ ngắn hạn tại 1.180 điểm và kháng cự tại 1200 và 1230 điểm. Có khả năng mốc 1.200 sẽ được chinh phục trong tuần tới và nhóm cổ phiếu thị trường sẽ tiếp tục chuyển động tốt hơn nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)
Tôi cho rằng, ở giai đoạn này, các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang cho tín hiệu đồng thuận tại xu hướng trong trung và dài hạn đặc biệt là khi chỉ số đã liên tiếp chinh phục những vùng đỉnh mới sau khoảng thời gian tích luỹ quanh vùng 1.150-1.170.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trong một xu hướng tăng dài hạn sẽ không thể tránh khỏi các nhịp điều chỉnh hoặc đi ngang tích lũy. Điều này là không đáng lo ngại khi đây là nền tảng để chỉ số có thể tăng trưởng bền vững hơn. Thậm chí, với các nhà đầu tư nhạy cảm với sự chuyển dịch dòng tiền, đây là cơ hội hoàn hảo cho chiến lược giao dịch tìm kiếm lợi nhuận trong nhịp T+ ngắn ngày.
Trong khi dòng tiền nội khá hào hứng với việc VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử, thì nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng trong tuần qua. Động thái này được cắt nghĩa như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Điều này có vẻ phù hợp với sự phân hóa của thị trường hiện tại. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu giao dịch tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm đang có xu hướng chững lại trong những phiên vừa qua trước áp lực chốt lời.
Ông Vũ Minh Đức
Ngược lại, việc vượt qua mốc 1.180 điểm với xu hướng tăng giá khá bền bỉ của VN-Index cũng như khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn tại nhóm vốn hóa lớn đã định hướng sự chú ý của thị trường sang các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn, nhưng định giá tương đối lại rẻ hơn. Phân khúc này là sở trường của các nhà đầu tư trong nước.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)
Ở thời điểm này, tôi nhận thấy trong các phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư ngoại không rút vốn khỏi thị trường. Thay vào đó, đây là các động thái cơ cấu lại danh mục, chốt lời ngắn hạn tại các cổ phiếu đã tăng mạnh và tìm kiếm cơ hội tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác hoặc chuyển dịch một phần sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình.
Từ đó, tôi cho rằng, đây là các động thái hoàn toàn bình thường và ở thời điểm này không nên quá lo ngại về vấn đề này.
Diễn biến này theo tôi hoàn toàn trùng khớp với chiến lược mua thấp, bán cao T+ nhằm tận dụng sự chuyển dịch của dòng tiền như tôi đã đề cập ở trên.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản khá khởi sắc nhưng vẫn chưa đủ tính dẫn dắt thị trường. Ở thời điểm này, ông/bà đánh giá cao nhóm cổ phiếu nào?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Như đã nhận định ở trên, tôi đặt kỳ vọng tăng giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, đặc biệt trong ngành bất động sản và tài chính, sẽ tốt hơn so với VN-Index và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần tới.
Tất nhiên, nhóm này không đủ độ lớn về mặt vốn hóa để dẫn dắt thị trường, VN-Index vẫn sẽ chịu sự điều tiết của các cổ phiếu chủ chốt và tùy từng kịch bản tăng hay giảm của VN-Index, dòng tiền tại phân khúc đầu cơ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)
Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây vẫn là giai đoạn mà dòng tiền đa phần vẫn đang có xu hướng ưa chuộng những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành. Do vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận có thể tiếp tục mở ra tại các cổ phiếu đã liên tiếp “vượt đỉnh” trong thời gian vừa qua.
Đây vẫn là giai đoạn mà dòng tiền đa phần vẫn đang có xu hướng ưa chuộng những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành. Do vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận có thể tiếp tục mở ra tại các cổ phiếu đã liên tiếp vượt đỉnh trong thời gian vừa qua
- Ông Trần Anh Tuấn
Do đó, tôi tiếp tục giữ đánh khuyến nghị duy trì tỷ trọng cao tại các nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm - đi kèm với xu hướng tăng trưởng mạnh của khu vực dịch vụ, khu vực có đóng góp tích cực lên tăng trưởng GDP trong nhiều quý gần đây.
Đối với nhóm bất động sản, dù nhóm này đã có tuần giao dịch khá sôi động và có mức tăng khá nổi bật so với phần còn lại của thị trường, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đây là nhóm có mức độ phân hóa lớn cả về nền tảng cơ bản lẫn các chỉ số giao dịch thị trường.
Do đó, điều cần thiết trước mỗi quyết định đầu tư tại nhóm này là sự chọn lọc kỹ lưỡng và cân nhắc trên cơ sở triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp này cho năm 2018.