Mục đích của việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TPCP) quốc tế được Bộ Tài chính đưa ra là nhằm cơ cấu lại các khoản nợ. Điều này có làm phát sinh nợ mới không, thưa ông?
Chính phủ đang đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, với lượng huy động khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu các khoản nợ TPCP ngắn hạn trong nước giai đoạn 2015- 2016 theo hướng: kéo dài thời gian trả nợ, đồng thời giảm lãi suất đi vay, mà không làm thay đổi tổng nợ, qua đó góp phần cải thiện an toàn tài chính quốc gia.
Khối lượng phát hành dự kiến là 3 tỷ USD, theo đánh giá của Bộ Tài chính là khả thi. Tuy nhiên, không phải ngay sau khi Quốc hội cho phép sẽ phát hành một lần 3 tỷ USD, mà thực hiện theo nguyên tắc nhu cầu sử dụng vốn đến đâu, thì phát hành đến đó, nguồn vốn huy động được đảm bảo sử dụng hiệu quả.
Trong số 3 tỷ USD TPCP sẽ phát hành nếu được Quốc hội cho phép có bao gồm 1 tỷ USD mà giới đầu tư đang đồn đoán Bộ Tài chính sẽ phát hành tiếp cho Vietcombank sau khi vào giữa năm nay, Bộ cũng đã phát hành 1 tỷ USD TPCP cho ngân hàng này, thưa ông?
Cần phải khẳng định rằng, việc phát hành TPCP tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ là cần thiết. Tuy nhiên, có tiếp tục phát hành TPCP quốc tế cho nhà đầu tư trong nước hay không phải cân nhắc kỹ lưỡng, căn cứ trên nhiều yếu tố để đảm bảo hài hòa, đồng bộ với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức được đưa về 0%/năm.
Nếu vay Vietcombank thêm 1 tỷ USD, thì lãi suất sẽ thấp hơn mức 4,8%/năm của khoản vay 1 tỷ USD hồi giữa năm nay, thưa ông?
Như đã nói, mọi việc đang chờ Quốc hội quyết định. Các phương án phát hành đang được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, để đảm bảo có lợi nhất cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đề xuất phát hành TPCP quốc tế, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ để kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành các loại trái phiếu ngắn hạn dưới 5 năm. Việc này là để giải quyết bài toán mất cân đối thu chi ngân sách hay còn vì mục tiêu nào khác, thưa ông?
Theo Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội, từ năm 2015 chỉ phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đây là yêu cầu rất cao của Quốc hội, nhằm đảm bảo tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn và bền vững hơn. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện theo một lộ trình hợp lý.
Thực tế triển khai Nghị quyết 78/2014 từ đầu năm đến nay cho thấy, hoạt động huy động vốn cho ngân sách gặp khó khăn, do thị trường vốn chưa phát triển, nguồn tiết kiệm dài hạn để đầu tư vào thị trường thông qua các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí tự nguyện còn rất hạn chế; thị trường TPCP hiện quy mô còn nhỏ (bằng 14% GDP năm 2014), thanh khoản thị trường chưa cao. Hệ thống nhà đầu tư trên thị trường TPCP hiện chủ yếu là nhà đầu tư ngắn hạn...
Mặt khác, do kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, nên chưa thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành TPCP mới đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và bằng 60,6% cùng kỳ năm 2014.
Nếu Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành các loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm, sẽ không chỉ giúp cải thiện khả năng huy động vốn chi cho đầu tư phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển tích cực, lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã dự liệu cơ cấu các loại TPCP sẽ phát hành, với kỳ hạn và khối lượng như thế nào chưa, thưa ông?
Chúng tôi đang tính toán kỹ lưỡng, để vừa đảm bảo tính khả thi (thị trường hấp thụ tốt), vừa có lợi nhất cho ngân sách. TPCP kỳ hạn 5 năm có thời gian trả nợ kéo dài, nhưng lãi suất sẽ cao hơn so với loại TPCP có kỳ hạn 3 năm, nên cần tìm lời giải tối ưu giữa kéo dài thời hạn trả nợ, với chi phí trả lãi, hiệu quả sử dụng vốn...