Các nhà đầu tư đã rút hơn 12 tỷ USD ra khỏi các quỹ của các thị trường đang phát triển trong hai tuần qua, mức rút lớn nhất kể từ tháng 1/2008, theo Morgan Stanley

Các nhà đầu tư đã rút hơn 12 tỷ USD ra khỏi các quỹ của các thị trường đang phát triển trong hai tuần qua, mức rút lớn nhất kể từ tháng 1/2008, theo Morgan Stanley

Bán tháo ở các thị trường mới nổi còn rầm rộ

(ĐTCK) Điều tệ nhất vẫn chưa đi qua đối với các thị trường mới nổi, Mark Mobius, Chủ tịch của Templeton Emerging Markets Group nhận xét sau khi chỉ số tham chiếu của cổ phiếu các nước này đã vừa rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây.

Tiền sẽ tiếp tục chạy khỏi các thị trường mới nổi

“Tâm lý tiêu cực đang khá lớn do đó động thái bán sẽ diễn ra nhiều hơn nữa”, Mobius, 77 tuổi, người đang quản lý hơn 50 triệu USD tài sản tại các quốc gia đang phát triển, trả lời trong một cuộc phỏng vấn từ Rio de Janeiro hôm 7/2. “Chúng tôi đang quan sát nhưng không mua vào trong giai đoạn này. Giá có thể đi xuống hoặc sẽ mất thời gian để ổn định”.

Giá trị tài sản tại các thị trường mới nổi đã sụt giảm do một loạt các yếu tố từ việc nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nội tệ của Ấn Độ yếu đi cho đến Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy ngân hàng trung ương tăng lãi suất và Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ thúc đẩy các kế hoạch cắt giảm các gói kích thích tiền tệ. Các nhà đầu tư đã rút hơn 12 tỷ USD ra khỏi các quỹ của các thị trường đang phát triển trong hai tuần qua, mức rút lớn nhất kể từ tháng Một năm 2008, theo Morgan Stanley, trích dẫn số liệu từ EPFR Global.

Làn sóng rút tiền đã kéo giá trị của chỉ số MSCI Emerging MarketsIndex xuống khiến chiết khấu của chỉ số này so với chỉ số MSCI World đã tăng lên 40% - khoảng cách lớn nhất kể từ tháng Mười năm 2008, theo số liệu của Bloomberg.

Tuy nhiên nhận định của Mobius, nhân vật đã luôn chủ trương đầu tư vào các thị trường mới nổi và đã đầu tư vào các thị trường này suốt hơn 40 năm qua, trái ngược lại với ý kiến của Jim O’Neill, người sáng lập ra thuật ngữ “BRIC” để chỉ bốn nền kinh tế đang phát triển lớn nhất.  O’Neill trong tuần này đã nhận định rằng làn sóng bán đang tạo ra cơ hội mua. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo lường cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã tăng 2,4% trong hai ngày vừa qua, thu hẹp mức giảm từ đầu năm tới nay xuống còn 6,4%.

“Chúng ta có thể đang gần hơn với cơ hội tốt để mua một vài tài sản thay vì tham gia vào cuộc hoảng loạn này”, O’Neill, cựu chủ tịch của Goldman Sachs Asset nói. “Một vài nơi tại các thị trường mới nổi có những vấn đề thực sự, nhưng diễn giải những vấn đề đó như là khủng hoảng của các thị trường mới nổi thực tế là rất nực cười”.

Cơ hội ở các thị trường cận biên

Mobius đã tìm ra những cơ hội để mua trên thị trường cận biên, những thị trường rất nhỏ hoặc chưa đủ phát triển để được xếp vào chỉ số của các thị trường mới nổi. Ông đang thêm vào danh mục các công ty ở các nước Châu Phi bao gồm Kenya và Nigeria, với kỳ vọng rằng tăng trưởng của các công ty này sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những biến động của các nền kinh tế lớn hơn.

Các thị trường cận biên chiếm đến sáu trên bảy thị trường tăng nhiều nhất trong năm qua trong số các chỉ số cổ phiếu toàn cầu được Bloomberg theo dõi. Chỉ số MSCI Frontier Markets Index đo lường các thị trường cận biên đã tăng 21% trong năm 2013, vượt mức tăng của MSCI Emerging Markets Index tận 26 điểm phần trăm - khoảng cách lớn nhất kể từ năm 2005. Thu nhập doanh nghiệp tại 26 nước của các thị trường cận biên đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Hôm 29/1, Mobius đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng dòng tiền sẽ vào trở lại các quốc gia đang phát triển trong cuối năm nay vì những nước này có tăng trưởng kinh tế nhanh, mức nợ so với tổng tài sản quốc nội thấp và dự trữ ngoại hối cao.

“Các cơ hội là có”, Mobius phát biểu hôm 8/2. “Nhưng không cần phải vội vã nắm lấy”.

Tin bài liên quan