Bất chấp thông tin kinh tế tích cực, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc không phanh do lệnh bán tháo cổ phiếu công nghệ diễn ra trên diện rộng, trong đó, chỉ số Nasdaq mất hơn 3%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2011, trong khi S&P500 cũng giảm hơn 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 3/2.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng mạnh 15%, mức mạnh nhất kể từ ngày 3/2, lên 15.89.
Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Dow Jones giảm 266,96 điểm (-1,62%), xuống 16.170,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,10 điểm (-2,09%), xuống 1.833,08 điểm. Nasdaq giảm 129,79 điểm (-3,10%), xuống 4.054,11 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm điểm, tuy nhiên không đến nỗi tồi tệ như Phố Wall. Chứng khoán châu Âu giảm điểm khi dữ liệu sản xuất công nghiệp của khu vực yếu hơn dự kiến. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế không tích cực từ Trung Quốc, cũng như tình hình căng thẳng gia tăng ở Ukraine cũng khiến giới đầu tư châu Âu cẩn trọng hơn.
Kết thúc phiên 10/4, chỉ số FTSE tại Anh tăng 6,36 điểm (+0,10%), lên 6.641,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 51,81 điểm (-0,54%), xuống 9.454,54 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 29,19 điểm (-0,66%), xuống 4.413,49 điểm.
Dù tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/4), nhưng chứng khoán Nhật Bản sau đó hạ nhiệt dần và chỉ may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt khi đồng USD giảm mạnh so với đồng yên. Trong khi đó, bất chấp dữ liệu xuất khẩu yếu kém vừa được công bố, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tiếp tục vụt tăng mạnh.
Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng nhẹ 0,43 điểm (+0,00%), lên 14.300,12 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 343,79 điểm (+1,51%), lên 23.186,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 29,06 điểm (+1,38%), lên 2.134,30 điểm.
Chỉ số USDIndex giảm xuống 79,330, mức thấp nhất 3 tuần giúp giá vàng tiếp tục tăng giá, lên mức cao nhất 2 tuần rưỡi.
Kết thúc phiên 10/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 5,8 USD (+0,44%), lên 1.318,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 14,6 USD (+1,12%), lên 1.320,5 USD/ounce.
Giá dầu giảm trở lại khi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc yếu kém cho thấy, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại. Ngoài ra, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng hạ dự báo nhu cầu dầu của thế giới 2014 cũng gây áp lực khiến giá dầu giảm trở lại.
Kết thúc phiên 10/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,2 USD (-0,19%), xuống 103,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,52 (-0,48%), xuống 107,46 USD/thùng.