Bán tên, bán con, rồi sẽ bán gì?

Bán tên, bán con, rồi sẽ bán gì?

Kinh doanh khó khăn thậm chí thua lỗ ở ngành nghề chính nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn bất ngờ có lãi. Tuy nhiên, kết quả đẹp đẽ đó nhiều khi lại đến từ những hoạt động ngoài kinh doanh chính, thậm chí có DN phải bán bớt tài sản, tên tuổi để thu lãi làm an lòng cổ đông.

Bán hết để thu tiền tươi

 

CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) gần đây cũng chứng kiến nhiều phiên cổ phiếu tăng trần liên tiếp nhờ vào kết quả kinh doanh quý III/2013 ấn tượng vừa được công bố hồi giữa tháng 11.

 

Không còn lỗ khủng gần 100 tỷ mỗi quý như trong 2 quý liền trước, DN đứng đầu ngành vận tải biển này đã đảo ngược tình thế báo lãi gần 28 tỷ đồng trong quý III/2013, so với khoản lỗ 28,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

 

Giải thích về kết quả này, VOS cho biết, đóng góp lớn vào kết quả này là do công ty đã bán và bàn giao thành công 2 tàu hàng khô Ocean Star (trọng tải 18.366DWT) đóng năm 2000 tại Hàn Quốc và tàu Morning Star (trọng tải 21.353DWT) đóng năm 1983 tại Nhật Bản.

 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN gần đây cũng có kết quả kinh doanh quý III/2013 lãi gây bất ngờ cho giới đầu tư như trường hợp: PXM báo lãi 8 tỷ đồng sau 5 quý thua lỗ  nhờ chuyển nhượng cổ phần để giảm nợ vay; cơ cấu các khoản vay, miễn/giảm lãi vay qua đó hoàn nhập 17,5 tỷ đồng.

 

Còn VHG bất ngờ lãi đậm hơn 21 tỷ nhờ doanh thu hoạt động tài chính hơn 30 tỷ đồng do chuyển nhượng một phần tài sản.

 

Đặc biệt, DHG lãi gấp 2,5 lần quý III/2012 nhờ bán thương hiệu Eugica.

 

Có lãi nhờ ngoại lực

 

Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2013 ấn tượng đến ngạc nhiên với doanh thu đạt 3.118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế lên tới 276 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước và vượt luôn lợi nhuận cả năm 2012.

 

Với một DN lớn như Trường Hải (tài sản gần 13,2 nghìn tỷ đồng), con số lãi vài trăm tỷ trong một quý là bình thường nhưng sự ngạc nhiên có lẽ ở chỗ, hồi giữa tháng 6/2013, cũng như bao DN khác, Trường Hải kêu khó khăn, thị trường suy giảm nghiêm trọng và xin giãn 1.200 tỷ đồng tiền thuế.

 

Phân tích cho thấy, lợi nhuận ấn tượng mà Trường Hải đạt được không phải do doanh thu đột biến mà chủ yếu do giá vốn hàng bán thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, con số dư nợ phải trả 8.364 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn 3.381 tỷ đồng, nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước 298,5 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 1.528 tỷ đồng… cho thấy khó khăn vẫn còn nhiều có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh dài hạn của DN.

 

CTCP Xây dựng số 5 (SC5) vừa công bố kết quả quý III/2013 với lợi nhuận sau thuế lên tới 47,1 tỷ đồng, cao gấp gần 20 so với mức 2,67 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

 

Giải thích cho kết quả tăng đột biến này, SC5 cho biết là nhờ khoản lợi nhuận khác lên tới 102 tỷ đồng mà chủ yếu là do phần định giá lại tài sản của dự án phường 22, quận Bình Thạnh của SC5 để góp vốn vào Công ty TNHH Bay Water với vốn điều lệ 1.019 tỷ đồng.

 

Theo đó, tính tới cuối tháng 9/2013, chi phí đầu tư tạm tính cho dự án là hơn 816 tỷ đồng do đó khoản chênh lệch do định giá lại tài sản của khu dự án đó là hơn 202 tỷ đồng. Phần chênh mà SC5 được ghi nhận như lợi nhuận là khoảng 100 tỷ đồng.

 

Trước đó, trong quý II/2013, nhiều DN cũng chứng kiến các khoản lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính làm thay đổi tình hình kinh doanh như: KAC nhờ thanh lý quỹ đất; TYA và VPH thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.

 

Bài học nhãn tiền?

 

Có thể thấy, nối tiếp mùa báo cáo quý II, trong quý III này, nhiều DN đã có những kết quả kinh doanh khá ấn tượng, nhiều đơn vị đã vượt qua khó khăn để không còn lỗ, có lãi, thậm chí lãi tăng vượt bậc. Có rất nhiều yếu tố giúp các DN hồi phục trở lại như: lãi suất giảm kéo theo chi phí lãi vay giảm; nền kinh tế ổn định hơn, DN tái cấu trúc, chuyển sang hoạt động hiệu quả hơn.

 

Mặc dù vậy, trên thực tế cũng có không ít các DN đang phục hồi chủ yếu trên báo cáo, hoạt động kinh doanh chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận được ghi nhận của nhiều DN chủ yếu nhờ vào các hoạt động khác hay những hoạt động mang tính tình thế hay bất ngờ.

 

Trong trường hợp SC5, khoản lợi nhuận 47 tỷ trong quý III/2013 thực sự bất ngờ bởi cùng kỳ năm trước DN này chỉ có được 2,7 tỷ đồng. Lợi nhuận của SC5 trong quý vừa qua không đến từ mảng kinh doanh chính, mà thực tế hoạt động này ghi nhận con số lỗ gộp lên tới 28 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác lên đến hơn 100 tỷ đồng đã giúp DN này thoát lỗ.

 

Hoạt động chính của VOS cũng giảm sút cả doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng DN này vẫn ghi nhận được lợi nhuận thực dương. Trên thực tế, quý III/2013 VOS lỗ thuần tới 104 tỷ đồng, vượt xa khoản lỗ thuần hơn 28 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận khác 133 tỷ đồng chủ yếu nhờ bán tàu  đã giúp VOS xoay chuyển tình thế, báo lãi gần 28 tỷ đồng.

 

PXM bất ngờ lãi lớn trong quý III/2013 sau 5 quý lỗ liên tiếp nhờ hoàn nhập dự phòng nhưng DN này cho biết vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về doanh thu do khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các dự án/công trình như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng…

 

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn khủng hoảng, hiện tượng các DN đẩy mạnh tái cấu trúc, bán tài sản, bán dự án, bán phần vốn góp... để giảm nợ, để hoạt động hiệu quả hơn là một tín hiệu đáng mừng. Lợi nhuận khác và các khoản hoàn nhập dự phòng ở nhiều trường hợp không quá bất ngờ và là chính đáng khi ghi nhận vào lợi nhuận.

 

Tuy nhiên, các khoản lợi nhuận này thường không xuất hiện thường xuyên và không bền vững như lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính, thậm chí có thể chỉ đến một lần. Câu chuyện của VTO và VFR ltrong quý II/2013, bất ngờ báo lãi, thậm chí nhanh chóng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ bán tàu thành công nhưng trong quý III/2013 VTO đã chứng kiên lợi nhuận giảm mạnh; VFR báo thua lỗ hơn 4 tỷ đồng là một bài học báo cảnh báo cho các DN trên.

>> Họ Viglacera “đói” vốn, bán “con”

>> DN niêm yết bán tháo tài sản để trả nợ