Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại thị trường và giao dịch khối ngoại trong năm 2021.
Những kỷ lục mới
Trong khi đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, các kênh đầu tư như tiền gửi, vàng… kém hấp dẫn, thì thị trường chứng khoán lại ghi nhận một năm sôi động động và ấn tượng nhất trong lịch sử 20 năm vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ số VN-Index đã kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm (ngày 31/12) đứng tại mức 1.498,28 điểm, tăng 394,41 điểm, tương ứng 35,73% so với cuối năm trước. Do đó, chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất năm 2021.
Đồng thời, hai chỉ số còn lại là HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt ghi nhận mức tăng 133,35% và 51,35%.
Bên cạnh đà tăng mạnh về điểm số, thị trường chứng khoán Việt cũng ghi nhận sự bùng nổ về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.589 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm 2020. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần và đạt 24.493 tỷ đồng/phiên.
Một trong những động lực chính giúp thị trường chứng khoán có một năm tăng trưởng mạnh chính là sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong nước 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 11 đạt hơn 4 triệu đơn vị, tương đương gần 4% dân số.
Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh về điểm số và thanh khoản, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bán ròng suốt 2 năm qua. Tổng cộng trong năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục lên tới 62.237 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong đó, trạng thái bán ròng được duy trì trong gần suốt cả năm khi chỉ có duy nhất tháng 4, khối này mua ròng nhẹ chỉ hơn 400 tỷ đồng, còn lại các tháng khác, giá trị bán ròng đều đạt vài nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 3 và tháng 5/2021 là tháng bán ròng mạnh nhất trong năm, lần lượt đạt 11.214 tỷ đồng và 11.567 tỷ đồng.
Tổng hợp giao dịch NĐTNN trên cả 3 sàn trong năm qua
Tháng |
Khối lượng |
Giá trị (tỷ đồng) |
||||
Mua |
Bán |
Mua-Bán |
Mua |
Bán |
Mua-Bán |
|
1 |
1.087,87 |
1.132,67 |
-44,8 |
36.026 |
37.909 |
-1.883 |
2 |
653,08 |
742,77 |
-89,69 |
23.458 |
24.891 |
-1.433 |
3 |
901,14 |
1.169,57 |
-268,43 |
31.339 |
42.553 |
-11.214 |
4 |
875,5 |
855,76 |
19,74 |
38.479 |
38.078 |
401 |
5 |
652,86 |
919,06 |
-266,2 |
28.258 |
39.825 |
-11.567 |
6 |
829,72 |
991,17 |
-161,45 |
39.250 |
44.327 |
-5.077 |
7 |
979,5 |
844,02 |
135,47 |
45.555 |
40.246 |
5.310 |
8 |
777,51 |
898,85 |
-121,34 |
34.6256 |
41.180 |
-6.554 |
9 |
701,97 |
874,52 |
-172,55 |
32.842 |
41.244 |
-8.401 |
10 |
833,83 |
997,49 |
-163,65 |
34.093 |
42.109 |
-8.017 |
11 |
890,13 |
1.145,79 |
-255,66 |
37.770 |
46.697 |
-8.927. |
12 |
676,58 |
821,79 |
-145,22 |
29.520 |
34.394 |
-4.874 |
Tổng |
9.859,69 |
11.393,47 |
-1.533,78 |
411.216 |
473.453. |
-62.237 |
Riêng trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị hơn 57.830 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm trước đó.
Trong đó, cổ phiếu HPG bị bán ròng mạnh nhất trong năm qua, với giá trị lên đến 18.925 tỷ đồng; tiếp theo là VPB và VNM lần lượt bị bán ròng hơn 9.330 tỷ đồng và 6.630 tỷ đồng.
Trái lại, cổ phiếu VHM dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh của nhà đầu tư ngoại, đạt 4.663 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2 là STB được mua ròng 4.206 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng không mấy khả quan khi bán ròng gần 3.100 tỷ đồng trong năm qua, tăng 26% so với năm 2020, đặc biệt giá trị bán ròng cao tập trung ở những tháng cuối năm do Pyn Elite Fund liên tục thực hiện chốt lời cổ phiếu CEO khi giá cổ phiếu này tăng mạnh mẽ, gấp 6-7 lần so với thời điểm đầu năm.
Tổng cộng, khối này đã bán ròng riêng cổ phiếu CEO với giá trị lên tới 2.434 tỷ đồng trong năm qua.
Tương tự, trên UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 24,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm trước. Trong đó, cổ phiếu MML bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 2.403 tỷ đồng, còn ACV được mua ròng mạnh nhất, đạt 580 tỷ đồng.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho xu hướng tiêu cực của khối ngoại trong năm 2021 như tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố; dòng tiền chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu, than đá…; hay lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, khiến dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để hướng đến các thị trường có mức sinh lời cao hơn theo nguyên lý tiền chảy chỗ trũng...
Tuy nhiên, điều đáng nói, xu hướng bán ròng của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến hay tâm lý của thị trường trong nước.
Dự báo xu hướng khối ngoại trong thời gian tới, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), xu hướng bán ròng nhiều khả năng vẫn tiếp tục, vì đây là xu hướng chung toàn cầu, khi các quỹ cân nhắc giữa rủi ro và hoạt động chốt lãi. Tuy nhiên, áp lực bán sẽ vơi đi và cũng nên xem động thái của khối ngoại là một động thái bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể sẽ dần được cải thiện khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam hiện đạt mức cao và sự khôi phục của hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng tư nhân của Công ty Chứng khoán MB cho rằng, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn tiếp diễn, nhưng khả năng khối ngoại sẽ sớm quay trở lại mua ròng vào nửa đầu năm 2022, đây cũng là thời điểm Việt Nam có thể chống dịch thành công và kinh tế mở cửa hoàn toàn.