Tưởng chừng nghịch lý...
Gần đây, câu chuyện Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) phát hành gần 1,2 triệu cổ phiếu ESOP (cổ phiếu ưu đãi dành cho nội bộ) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 4% thị giá trong giai đoạn chào bán (từ 1/3-10/3/2023) là hơn 250.000 đồng/cổ phiếu, đã thu hút sự quan tâm của thị trường.
Tưởng chừng đây sẽ là “món hời” đối với lãnh đạo và người lao động của Công ty vì chỉ cần bỏ ra gần 12 tỷ đồng là được sở hữu lô cổ phiếu có thị giá khoảng 300 tỷ đồng, nhất là khi cổ phiếu IDP đã tăng 5 lần sau 3 năm (từ mức 51.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021), hiện nằm trong nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường và có lịch sử trả cổ tức tiền mặt rất cao (lần gần nhất vào tháng 2/2024, Sữa Quốc tế chi cổ tức tiền mặt quý I/2023 lên tới 85% - tức 1 cổ phiếu nhận 8.500 đồng cổ tức).
Tuy vậy, kết quả công bố của đợt phát hành ESOP nói trên gây bất ngờ khi chỉ có gần 40% lượng cổ phiếu được mua, hơn 60% còn lại bị “ế” và Sữa Quốc tế quyết định không phân phối nữa. Kế hoạch bổ sung vốn lưu động gần 12 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 625 tỷ đồng của doanh nghiệp này vì thế mà bất thành.
Câu chuyện cũng có vẻ nghịch lý khi tại thời điểm công bố chào bán (cuối năm 2023), kết quả kinh doanh của Sữa Quốc tế khá khả quan: Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 4.978 tỷ đồng và 708 tỷ đồng, tăng tương ứng 13% và 10% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 91% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 mới công bố, kết thúc năm này, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu 6.654 tỷ đồng và lãi ròng 924 tỷ đồng, vượt 9% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Các chỉ tiêu tài chính vào cuối năm 2023 cũng cho thấy sự cải thiện khi tổng tài sản tăng hơn 36,5% lên 5.244 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 69% lên 3.650 tỷ đồng; tiền mặt tăng 152% lên 212 tỷ đồng…, trong khi nợ phải trả chỉ tăng 7%.
Tồn tại nhiều vấn đề
Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Sữa Quốc tế đang cho thấy một số vấn đề đáng chú ý, đầu tiên là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có dấu hiệu chậm lại.
Từ năm 2020 đến năm 2023, doanh thu của Sữa Quốc tế tăng gần gấp đôi, từ 3.836 tỷ đồng lên 6.655 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 502 tỷ đồng lên 924 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ mức đỉnh quý IV/2021, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận giảm dần và việc đạt hay vượt kế hoạch cả năm chủ yếu do đặt mục tiêu khiêm tốn.
Đơn cử, năm 2022, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.086 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 2% về mức 810 tỷ đồng, cho dù vẫn vượt 11% chỉ tiêu doanh thu và 79% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Nhận định quá trình này chưa thể cải thiện ngay do sức tiêu dùng sau dịch còn yếu, tại đại hội cổ đông năm 2024 diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Ban lãnh đạo Sữa Quốc tế tiếp tục đặt kế hoạch thận trọng trong năm nay với doanh thu thuần đạt từ 7.800-8.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 17-20% so với năm trước; lãi ròng dự kiến khoảng 850-950 tỷ đồng, tương đương 2 kịch bản giảm 8% hoặc tăng 2,8%.
Trước đó, vấn đề của Sữa Quốc tế bắt đầu bộc lộ vào thời điểm giữa năm 2023 khi Hội đồng quản trị Công ty phải thông qua việc giải thể công ty con duy nhất, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light (vốn điều lệ 500 tỷ đồng, IDP nắm 99,98% vốn) chỉ sau 9 tháng thành lập, đánh dấu sự thất bại của tham vọng lấn sân sang mảng địa ốc.
Đồng thời, Sữa Quốc tế cũng nhanh chóng rút lại kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất đồ uống không cồn và nước khoáng. Theo đó, tháng 1/2022, doanh nghiệp này được cấp phép thực hiện dự án Công ty cổ phần Sữa Quốc tế - chi nhánh Bình Dương tại Lô C-13A-CN, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa với công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm; giai đoạn 2, sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng với quy mô 150 triệu lít/năm. Tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Công ty là 300 tỷ đồng, vốn vay là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, dự án này được điều chỉnh thu hẹp chỉ còn chế biến 300.000 tấn sữa và các sản phẩm từ sữa mỗi năm.
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2023 do Tổng giám đốc Bùi Hoàng Sang trình Hội đồng quản trị Công ty thông qua tại đại hội cổ đông vừa qua cũng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tại doanh nghiệp này đang đi xuống.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận năm 2023 dù tăng 9% và 15% so với năm 2022, nhưng tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) lại giảm từ 45% xuống 35%; tỷ suất lợi nhuận ròng/tài sản (ROA) giảm từ 21% xuống 18%.
Nguyên nhân do quy mô vốn đầu tư ngày càng “phình to”, nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận. Nếu như cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu là 793 tỷ đồng, tổng tài sản là 2.161 tỷ đồng thì đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu tăng lên 3.034 tỷ đồng, tổng tài sản tăng lên 5.288 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng tăng tương ứng từ 1.369 tỷ đồng lên 2.253 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn.
Một chuyên gia tài chính nhận xét, thời gian qua, mặc dù tình hình kinh doanh kém khả quan nhưng một số doanh nghiệp vẫn phát hành cổ phiếu ESOP giá “bèo” để bù đắp cho cổ đông và tạo ra dòng tiền.
Với Sữa Quốc tế, trước đó, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 254.044 đồng/cổ phiếu nhằm huy động thêm 611 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và trả nợ vay ngân hàng.
Gần đây nhất, ngày 20/11/2023, Hội đồng quản trị Sữa Quốc tế đã thông qua việc mở hạn mức tín dụng 950 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Bến Nghé và 500 tỷ đồng tại VPBank với các hình thức thực hiện vay vốn/phát hành bảo lãnh/phát hành thư tín dụng đối với dự án Công ty cổ phần Sữa Quốc tế - Chi nhánh Bình Dương (giai đoạn 1) và phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm sữa giai đoạn 2023-2024…
Dòng tiền thiếu hụt cũng là nguyên nhân khiến Sữa Quốc tế mới đây bị Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội “bêu tên” trong danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm tháng 2/2023 với số tiền nợ quá 1 tháng là gần 3,9 tỷ đồng. Đây là lần thứ tư doanh nghiệp này bị nhắc nợ bảo hiểm chỉ trong hơn 1 năm qua.
“Phát hành cổ phiếu ESOP là cách doanh nghiệp thường làm để tăng vốn cho công ty và tạo sự gắn kết công ty với người lao động. Tuy nhiên, việc cổ phiếu ESOP đã rẻ như cho mà vẫn bị ế có thể phần nào phản ánh nhận định của người nội bộ đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp”, vị chuyên gia trên nêu quan điểm.
Công ty cổ phần Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, có trụ sở chính tại thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội và đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ và huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Củ Chi (TP.HCM). Ngoài ra, doanh nghiệp này đang xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) với quy mô 300.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty hiện có vốn điều lệ là 613,5 tỷ đồng.
Sữa Quốc tế được biết đến với thương hiệu sữa Ba Vì, sữa Kun, sữa LOF, sữa LIF và được biết đến nhiều hơn từ tháng 11/2014, sau khi đón nhận 75 triệu USD vốn đầu tư từ 2 nhà đầu tư lớn là VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản).
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Sữa Quốc tế gồm Công ty Chứng khoán Vietcap (mã VCI) nắm 14,41% vốn điều lệ; Tập đoàn Daytona Investments Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) nắm 12,56%; bà Đặng Phạm Minh Loan - Thành viên Hội đồng quản trị nắm 4,8%; ông Đinh Quang Hoàn - Thành viên Hội đồng quản trị nắm 2,44%...
Người đại diện theo pháp luật của Sữa Quốc tế là ông Tô Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Bùi Hoàng Sang - Tổng giám đốc. Đồng thời, tại Chứng khoán Vietcap, ông Tô Hải đang làm Tổng giám đốc, còn ông Đinh Quang Hoàn là Phó tổng giám đốc.