K+ lỗ, bên góp vốn nước ngoài có lỗ?
Được thành lập năm 2009, K+ là kênh dịch vụ truyền hình vệ tinh được cung cấp bởi Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV). Đây là công ty TNHH gồm hai thành viên là VCTV (thuộc VTV) và Canal+ International Development (Pháp).
Sau này, VTV đã quyết định thay đổi chủ sở hữu tại K+, VTV sẽ trực tiếp sở hữu phần vốn góp trong liên doanh này thay cho VCTV. Cho đến nay, vốn điều lệ của K+ vẫn giữ nguyên là 20 triệu USD, trong đó phía VTV góp hơn 10 triệu USD (chiếm tỉ lệ 51% cổ phần), còn lại là Canal+ International Development (Pháp) góp 9,78 triệu USD.
Kể từ khi ra đời, liên doanh này liên tục báo lỗ, số lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Kể ra, việc đầu tư bất cứ vào một hoạt động kinh doanh nào đều có rủi ro thua lỗ trong thời gian đầu. Chỉ là với K+, những dấu hỏi quanh việc thua lỗ lại một lần nữa được đặt ra khi kênh truyền hình này khẳng định từ bỏ tham gia liên minh đàm phán của Hiệp hội truyền hình trả tiền và sẽ tự đàm phán để mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng tiếp theo với mức giá được dự đoán có thể lên tới 80 - 100 triệu USD.
Website chính thức của K+ chỉ bao gồm các thông tin về gói dịch vụ, khuyến mãi, hỗ trợ. Không có bất cứ một thông tin nào về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cũng không thể tìm thấy báo cáo tài chính hàng năm của Công ty để xem xét, đánh giá hoạt động doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh như doanh thu, chi phí quản lý, bán hàng, chi phí tài chính, nợ, đầu tư tài sản cố định...
Trong tình hình thông tin về tài chính của K+ ít ỏi, dư luận không thể không đặt vấn đề: Liên doanh K+ có thể lỗ nhưng khoản đầu tư gần 10 triệu USD của Canal+ có thực sự lỗ khi Canal+ một tay góp vốn, một tay khác bán bản quyền, cho vay, bảo lãnh vay cho K+?
Không khó hiểu, khi dư luận nghi ngờ có việc chuyển giá tại K+ bởi thực tế đã từng có nhiều trường hợp liên doanh nước ngoài liên tục báo lỗ năm này qua năm khác nhưng thực chất là “lỗ giả lãi thật”.
Bài học trong quá khứ từ Coca Cola hay Metro vẫn còn đầy tính thời sự.
Vào tháng 6/2015, K+ chính thức tuyên bố đã ở điểm hòa vốn với doanh thu hiện tại trên 1.200 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế đạt con số dương. Tuy nhiên, sau khi trả nợ lãi vay cho Canal +, khấu hao (trong đó có chi phí đắt đỏ là bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh) và nộp thuế, không rõ K+ có còn lãi để chia chác cho VTV – bên liên doanh Việt Nam?
Từ những thông tin do chính K+ đưa ra thì liên doanh này đã đầu tư rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD và phải vay nợ từ bên liên doanh nước ngoài là Canal+. Từng có thông tin sau khi thành lập, K+ phải vay 34 triệu USD từ Canal+. Tuy nhiên, đây là thông tin không đầy đủ, không rõ có thông tin đầy đủ về tổng dư nợ vay, lãi suất, các điều cho vay khác để có thể đánh giá tính hợp lý của khoản vay cũng như so sánh tính hiệu quả giữa việc vay vốn Canal + và vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Bản quyền phát sóng ba mùa giải 2013 – 2016 đã được Canal+ mua lại từ Tập đoàn truyền thông IMG với giá 40 triệu USD và chuyển giao cho K+.
Thỏa thuận “chuyển giao” này ra sao, với mức giá nào, Canal+ thu được khoản chênh lệch là bao nhiêu, các điều kiện đi kèm là gì, đến nay vẫn không được công bố.
Ngay cả khi Canal+ “tốt bụng” chuyển giao bằng đúng giá mua thì rất có thể K+ đã phải đi vay vốn, chịu lãi suất từ chính Canal+ để trả tiền cho hợp đồng mua bán bản quyền này. Không cần phân tích nhiều, ai cũng có thể thấy lợi ích của Canal+ trong việc này nhất là khi đến nay, K+ vẫn đang phải tiếp tục trả lãi vay.
Trách nhiệm VTV ở đâu?
Câu chuyện bản quyền 3 mùa giải tới 2016 – 2019 lại một lần nữa nóng bỏng khi K+ tuyên bố rút lui khỏi liên minh đàm phán mua bản quyền do Hiệp hội truyền hình trả tiền tổ chức và muốn tự mình đàm phán.
Thông tin hậu trường cho rằng, mức giá phải bỏ ra sẽ không ít hơn 80 triệu USD. Nhưng không rõ K+ sẽ đứng ra đàm phán mua bản quyền hay kịch bản cũ được lặp lại, Canal+ mới là bên đứng tên trên hợp đồng, rồi “chuyển giao” lại cho K+. Liệu, K+ có phải tiếp tục vay vốn của Canal+? Vòng xoáy 3 năm một lần có vẻ sắp được lặp lại đối với liên doanh K+.
Nếu thực sự phải chi ra gần 1.800 tỷ đồng để mua bản quyền, số tiền này sẽ chia ra hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong 3 năm tới và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới bảng cân đối kế toán của K+? Doanh nghiệp này sẽ cắt giảm các chi phí khác, đẩy mạnh bán hàng, tăng thuê bao, tăng phí để tăng doanh thu nhằm đảm bảo có lãi? Các giải pháp này sẽ có hiệu quả hay K+ tiếp tục lỗ?
Đáng nói là VTV, bên góp 51% vốn trong K+, chiếm tỷ lệ chi phối trong liên doanh đã không có động thái hữu hiệu để đàm phán mua bản quyền với giá hợp lý.
Ba năm trước, VTV khẳng định không mua bản quyền bằng mọi giá, nhưng rồi sau đó lại chấp nhận việc Canal+ chuyển giao bản quyền 3 mùa giải 2013 – 2016 cho K+ dù VTV nắm quyền phủ quyết. Lần này, nếu VTV không chấp thuận, K+ chắc chắn không thể có động thái từ bỏ liên minh đàm phán và tính chuyện một mình đứng ra mua bản quyền. Nếu K+ tiếp tục lỗ, VTV, một đơn vị hoạt động bằng ngân sách, chắc chắn có một phần trách nhiệm khi để công ty con thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình cho rằng, gần 1.800 tỷ đồng để xem giải ngoại hạng Anh là cái giá cắt cổ. Trong bối cảnh nợ công Việt Nam đang tăng, bội chi ngân sách lớn, ODA bị cắt giảm, việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh là sự lãng phí.
Hơn nữa, dù là món ăn tinh thần được hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam chào đón, thì dù không xuất hiện trên truyền hình vẫn người hâm mộ vẫn có nhiều cách khác để thỏa mãn niềm đam mê với trái bóng. Trong 3 năm qua, khi K+ độc quyền giải ngoại hạng Anh, rất nhiều người hâm mộ đã chọn cách xem thông qua các ứng dụng OTT và các cộng đồng chia sẻ nội dung truyền hình như SopCast.
Ngoài ra, hiện đang có rất nhiều giải đấu khác hấp dẫn không kém Ngoại hạng Anh như giải bóng đá Tây Ban Nha, Ý, Đức đang được cung cấp tới người dùng miễn phí hoặc với giá rẻ hơn rất nhiều.