Lực lượng lao động quan trọng
Theo báo cáo cập nhật của Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, tính đến cuối năm 2019, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích 6.397,68 ha.
Trong năm nay, đã cấp mới 134 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 731,15 triệu USD cho 113 dự án FDI và 21 dự án trong nước.
Cấp 425 lượt dự án điều chỉnh. Tổng vốn đầu tư dự án trong nước và FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm tính đến nay là 1.390,46 triệu USD, đạt 155% so với kế hoạch năm 2019.
Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp 1.463 giấy chứng nhận đầu tư dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 19.220,49 triệu USD.
Năm 2019, có 135 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đã đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh lến 1.070 dự án, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.151.265 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 37,3 tỷ USD.
Năm 2019, số lượng lao động làm việc trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tăng thêm 9.615 người, đạt 294.571 lao động.
Đây chính là đối tượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho các khu công nghiệp, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Hàng ngày người lao động trong các khu công nghiệp Bắc Ninh tiêu thụ số lượng lớn nguồn thực phẩm qua các bữa ăn giữa ca.
Do đó, đảm bảo việc cung cấp các nguồn thực phẩm an toàn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe người lao động, đồng thời liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế - thương mại - du lịch, an sinh xã hội...
Cần phối hợp liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm
Toàn cảnh nhà máy SEV.
Đã có không ít bài học tại nhiều khu công nghiệp trên cả nước khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.
Không chỉ tác động nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp liên quan, nó còn gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần của người lao động, gián tiếp làm xấu môi trường đầu tư trên địa bàn.
Xác định được tính chất quan trọng của vấn đề, trên phương diện là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các doanh nghiệp khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp khu công nghiệp.
Nét đặc trưng cơ bản nhất của các khu công nghiệp Bắc Ninh hiện nay cho thấy: đại bộ phận là lao động trẻ, tuổi bình quân khoảng từ 18 - 35, đa phần là nữ, 100% người lao động ăn giữa ca tại doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp có tổ chức làm thêm giờ, làm việc theo kíp thì tổ chức ăn 2 bữa/ngày.
Về cơ bản, bữa ăn đã đáp ứng được yêu cầu về dưỡng chất, số lượng, chất lượng trong mỗi bữa ăn, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để công tác phối hợp liên ngành trong quản lý an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp khu công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, theo Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, cần sớm thực hiện rốt ráo một số giải pháp.
Thứ nhất, đề nghị Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp xây dựng kế hoạch tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, người lao động về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ hai, các ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện 6 đề án dịch vụ trong khu công nghiệp, đặc biệt là Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì thực hiện đề án “cung cấp lương thực, thực phẩm cho các doanh nghiệp khu công nghiệp” bằng việc kiểm soát chặt chẽ hàng nông sản, lương thực, thực phẩm trong khâu nuôi, trồng, sản xuất ban đầu trước khi cung cấp cho các doanh nghiệp khu công nghiệp.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa Ban quản lý an toàn thực phẩm, Ban quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp khu công nghiệp, tổ chức kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể.
Thứ tư, Ban quản lý an toàn thực phẩm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, mạnh tay áp dụng chế tài xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, thông báo kịp thời các doanh nghiệp khu công nghiệp vi phạm tới Ban quản lý các khu công nghiệp.
Thứ năm, Ban quản lý an toàn thực phẩm báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định về điều kiện an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; ban hành các tiêu chí xây dựng bếp ăn tập thể đạt chuẩn.
Trong đó, quy định cụ thể điều kiện an toàn thực phẩm theo quy mô cung cấp suất ăn, theo hình thức tổ chức bếp ăn.
Thứ sáu, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình để Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện giám đốc doanh nghiệp nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Nếu những giải pháp trên được thực hiện rốt ráo, sẽ là nền tảng quan trọng để Bắc Ninh có một đội ngũ lao động khỏe mạnh, trí tuệ, làm hấp dẫn hơn môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương đang nằm trong Top 3 thu hút vốn đầu tư của cả nước.