Theo quy định, đơn vị có nợ xấu trên 3% buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng dù tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank được công bố trên báo cáo tài chính bán niên 2013 chỉ chiếm 2,78% tổng dư nợ (tương đương 1.200 tỷ đồng) nhưng Ngân hàng vẫn quyết bán 206 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong tháng 10 vừa qua.
Thực tế, Southern Bank là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ, với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng và hoạt động kém hiệu quả trong những năm gần đây.
Mục tiêu kiểm soát nợ xấu được Southern Bank đưa ra cho năm nay là 5%, điều này đã khiến không ít cổ đông lo ngại. Vì thế, việc bán nợ xấu trên được xem là động thái khôn ngoan của HĐQT Southern Bank để giảm nợ xấu trước ngày lập báo cáo tài chính năm của Ngân hàng.
Là một trong những ngân hàng lớn, có phương án kiểm soát rủi ro tín dụng và nợ xấu tương đối khả thi khi tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm nằm dưới mức 2%, nhưng theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, Ngân hàng đã xem xét lại các khoản nợ xấu để tiến hành đàm phán và trước mắt bán khoảng vài trăm tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, bán nợ xấu không có nghĩa là Ngân hàng sẽ trút hết gánh nặng. Sau khi ký hợp đồng bán nợ, Ngân hàng phải tăng cường cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ có cơ hội tái vay vốn sản xuất - kinh doanh.
Mục tiêu của Eximbank là kiểm soát nợ xấu trong năm nay ở mức 2%. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường khó khăn, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vẫn yếu, hàng tồn kho cao và sức mua chậm, lãnh đạo Eximbank cho biết, tình hình nợ xấu cũng có những chuyển biến rất phức tạp.
Với OCB, dù tỷ lệ nợ xấu như ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết vẫn nằm trong mức quy định của NHNN, nhưng Ngân hàng sẽ xem xét bán bớt một phần nợ xấu cho VAMC.
Ông Tuấn đánh giá cao vai trò của VAMC và xem đây là công cụ hữu hiệu, tạo điều kiện khá tốt cho Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, nhất là khi nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng cao hiện nay. Song ông Tuấn chia sẻ, sau khi bán nợ, nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu và VAMC không thể giải quyết được khoản nợ này, Ngân hàng vẫn phải gánh.
Trong tháng 10 vừa qua, PG Bank cũng tạm “gạt” được 170 tỷ đồng nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản nhờ bán cho VAMC. Đồng thời, PGBank đã nhận lại VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt, lãi suất 0%/năm, kỳ hạn 5 năm và có thể làm công cụ để tái cấp vốn tại NHNN trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, do nợ xấu của PG Bank tăng cao, chiếm gần 9,5% tổng dư nợ nên kế hoạch sắp tới đây, nhà băng này cũng sẽ bán tiếp nợ xấu cho VAMC.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, Navibank cũng đang xem xét lại các khoản nợ để tiến hành bán cho VAMC để tái cơ cấu. Navibank hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, tính đến cuối tháng 9/2013 là 8,7%, trong đó nợ có khả năng mất vốn vào khoảng 500 tỷ đồng.
SCB cũng đang tiếp tục rà soát bán thêm nợ xấu cho VAMC sau khi ký hợp đồng bán trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho công ty này trong tháng 10/2013 để đưa nợ xấu về dưới 3%.
Số liệu thống kê từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố được NHNN TP. HCM cho biết, con số nợ xấu mà các ngân hàng dự kiến bán cho VAMC từ nay đến cuối năm khoảng 6.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang xem VAMC là giải pháp ngắn hạn trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là khi lợi nhuận 9 tháng sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia, việc bán nợ xấu chưa hẳn đã giúp các ngân hàng đã trút được gánh nặng nợ xấu, mà trước mắt chỉ có thể đưa được nợ xấu ra ngoại bảng cân đối kế toán.
Vì sau khi bán nợ xấu, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% cho khoản trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC. Đồng thời, nếu sau 5 năm, VAMC không xử lý được khoản nợ xấu đó, ngân hàng phải mua lại bằng chính trái phiếu đặc biệt nhận được trước đây.
Chỉ đến khi thị trường mua – bán nợ được hình thành và cho phép NĐT nước ngoài được mua nợ xấu thì mới kỳ vọng tiến độ xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn so với việc bán nợ nhận lại trái phiếu đặc biệt.
>> VAMC gom nợ xấu, bán cho ai?