VAMC đầu tư cho doanh nghiệp bằng việc biến tài sản nợ thành vốn góp.

VAMC đầu tư cho doanh nghiệp bằng việc biến tài sản nợ thành vốn góp.

Bán nợ cho VAMC, ngân hàng phải qua nhiều ải

Ngày 26/7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức khai trương. VAMC ra đời mở ra nhiều cánh cửa cho doanh nghiệp vay vốn. Về phía ngân hàng, để bán được nợ cho VAMC, họ cũng phải vượt qua nhiều thủ tục, giấy tờ.

> VAMC, chỉ là một cú huých

> VAMC chưa đủ sức tiếp lửa

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho VAMC ra đời đã gần như hoàn tất. Thậm chí, các chương trình mua nợ xấu cụ thể cũng đã được lên kế hoạch. Theo dự kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC ra đời sẽ giải quyết được 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu ngay trong năm 2013.

           

Bán nợ cho VAMC cũng là mong muốn của nhiều ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng đang lúng túng trong việc triển khai.

 

Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) bày tỏ: “Chúng tôi rất muốn tiếp cận thông tin đầy đủ về VAMC, đặc biệt là về điều kiện mua nợ, thứ tự ưu tiên giải quyết nợ xấu, hồ sơ bán nợ…”.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một lãnh đạo NHNN cho hay, tuy NHNN đã ban hành đầy đủ quy trình bán nợ cho VAMC, nhưng đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn “lơ mơ” trong hồ sơ, thủ tục bán nợ xấu.

 

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (BDI) khẳng định, để bán được nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng thương mại sẽ phải chuẩn bị số lượng hồ sơ, giấy tờ, bảng biểu rất lớn.

 

Tất nhiên, việc VAMC được cũng được nhiều doanh nghiệp trông chờ hơn, khi theo TS. Lê Xuân Nghĩa, VAMC là cơ hội tốt để doanh nghiệp vay vốn. Cụ thể, ngay cả khi nợ xấu chưa được xử lý, VAMC cũng có thể mở 3 cánh cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

 

Cách thứ nhất, VAMC đầu tư cho doanh nghiệp bằng việc biến tài sản nợ thành vốn góp.

 

Cách thứ hai, VAMC có thể cho doanh nghiệp vay vốn lưu động, hoặc đầu tư vào các dự án.

 

Cách thứ ba, VAMC đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

 

Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ khi VAMC chính thức hoạt động, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng để chứng minh được chiến lược kinh doanh khả thi, cũng như khả năng hồi phục của mình.

 

Cần lưu ý là, VAMC chỉ mua các khoản nợ xấu từ 3 tỷ đồng trở lên (với doanh nghiệp) và 1 tỷ đồng trở lên (với cá nhân). Các khoản nợ này, phải có tài sản đảm bảo, trong đó có 65% tài sản đảm bảo là bất động sản. VAMC cũng chỉ xử lý nợ xấu của khu vực tư nhân, chứ không xử lý nợ xấu xây dựng cơ bản và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.