Từ sáng đến tối liên tục nhận cuộc gọi làm phiền từ môi giới trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
"Khủng bố’ bằng điện thoại"
Bán hàng qua điện thoại (telesales) là một phương thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, telesales đang bị lạm dụng một cách quá đà, gây nên những hệ lụy không đáng có cho khách hàng.
Thậm chí, có những cư dân ở một khu đô thị lớn mỗi ngày phải nhận trung bình từ 15 - 20 cuộc gọi làm phiền từ môi giới. Sự phiền phức mà telesales mang đến khiến khách hàng cảm thấy bực bội và khó chịu.
“Có hôm, tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa mệt vừa đau lại phải chịu thêm cảnh bực bội bởi một bạn làm sales bất động sản cứ gọi liên tục 10 phút một lần".
Telesales đang bị lạm dụng một cách quá đà, gây nên những hệ lụy không đáng có cho khách hàng
"Mặc dù tôi đã nói rõ là đang trong bệnh viện, không tiện nói chuyện nhưng vẫn cứ bị gọi. Lúc đó cơn giận ứ lên tận cổ nhưng đang trong bệnh viện, tôi chỉ có thể tắt máy, chấm dứt cuộc gọi chứ không thể làm gì hơn. Thật hết chịu nổi”, chị Thanh Hằng (quận 2, TP.HCM) bức xúc kể.
Nhiều môi giới cho rằng, biết là làm phiền khách hàng, nhưng do áp lực doanh số nên phải “bất chấp” gọi điện nhiều lần, lấy xác suất “ăn may”. Điều này đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khách hàng, cũng như gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của chủ đầu tư.
Triệt hạ công cụ telesales
Điều gì đến cũng phải đến. Mới đây một chủ đầu tư bất động sản lớn đã phát đi thông báo cấm toàn bộ hệ thống đại lý và môi giới telesales giới thiệu các dự án bất động sản mà họ phát triển. Hình phạt rất nặng, lên tới 100 triệu đồng thậm chí huỷ hợp đồng đại lý.
Ngay sau khi có thông tin cấm telesales, rất nhiều khách hàng tỏ ra phấn khởi, bởi từ nay họ sẽ không còn bị làm phiền và bị tra tấn liên tục từ môi giới bất động sản của chủ đầu tư kia nữa.
Tuy nhiên, nhiều môi giới, hoang mang về công việc trong thời gian tới. Bởi lẽ, không ít môi giới từ trước tới nay chỉ quen tìm kiếm khách hàng qua telesales.
“Tôi biết hiện nay có rất nhiều bạn môi giới bất động sản mới vào nghề, chưa học chắc kiến thức dự án đã vội vàng telesales khách, bằng cách liên tục gọi điện để chào mời, khiến khách hàng khó chịu nên chủ đầu tư cấm luôn telesales.
Nhưng những người làm môi giới bất động sản lâu như tôi mới hiểu, telesales là cách bán hàng rất hiệu quả. Bây giờ chủ đầu tư cấm telesales thì làm sao môi giới như tôi có khách hàng đây ?”, anh Đăng Quang than thở.
“Thông báo này phát ra có thể làm bớt đi tình trạng làm phiền cho các cư dân khu đô thị phát triển, song sẽ rất khó để cấm hẳn 100% việc telesales của môi giới.
Bởi vì đơn giản có nhiều cách telesales mà khách hàng hoàn toàn không cảm thấy bị làm phiền như cái cách mà đa số vẫn làm”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Beeland, đánh giá.
Nhiều môi giới cho rằng, biết là làm phiền khách hàng, nhưng do áp lực doanh số nên phải “bất chấp” gọi điện nhiều lần, lấy xác suất “ăn may”
Theo ông Hoàng Anh, hiện tại, giải pháp dành cho môi giới bất động sản là thay đổi cách tìm kiếm khách hàng. “Telesales không phải là tất cả trong rất nhiều cách tìm kiếm khách hàng của bất động sản. Nó chỉ chiếm trung bình từ 5% - 10% số lượng khách hàng tìm mua một dự án nào đó, vẫn còn miếng bánh 90% - 95% để các bạn khai phá”.
Đối với môi giới đang làm ở các dự án mà chủ đầu tư chưa cấm telesales, ông Hoàng Anh cho rằng, telesales cần thay đổi để trở nên hấp dẫn và có ích hơn, thay vì chỉ dừng lại ở việc spam hàng loạt một cách thiếu chiều sâu.
Giải pháp đó là trau dồi lại kiến thức dự án, thông tin thị trường và kỹ năng nói chuyện qua điện thoại một cách chuyên nghiệp.
Ngoài ra, môi giới có thể dùng các phần mềm email marketing chuyên nghiệp như getresponse… gửi đến data list tiềm năng các thông tin có ích và hấp dẫn với khách hàng. Đồng thời, kiểm tra và nhấc máy gọi đến các email đã mở sau 2 đến 3 email gửi đi từ hệ thống.
Cuối cùng, hãy đa dạng hoá kênh tìm kiếm khách hàng cho bản thân như Facebook marketing, Google Adword, Email marketing, mạng lưới quan hệ và cộng tác viên…