Sự thành công hay thất bại của người đi đầu có ý nghĩa lớn đối với tương lai của cả ngành quỹ trong nước. Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM chia sẻ một số thông tin về tình hình hoạt động của các quỹ do Công ty quản lý.
Không có trở ngại
Thưa ông, Quỹ ETF VFMVN30 đã lên sàn được 2 tháng, hiệu quả hoạt động đến nay thế nào?
VFMVN30 kết thúc đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) thành công và huy động được 202 tỷ đồng vào giữa tháng 8/2014, khi đó VN30 là 649,85 điểm. Đến nay, chỉ số này giảm 4,7% xuống còn 619,29 điểm. Do VFMVN30 mô phỏng chỉ số VN30, nên giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ cũng giảm tương ứng. Thực ra là có sai biệt, nhưng không đáng kể.
Còn hiệu quả hoạt động của các quỹ mở do VFM quản lý có khả quan không, thưa ông?
Kết quả hoạt động của 4 quỹ do VFM quản lý khá tốt. Tính đến nay, mức tăng trưởng trung bình vào khoảng 15%. Chúng tôi lạc quan về sự tăng trưởng của các quỹ mở vào cuối năm 2014 này.
VFM từng kỳ vọng quy mô của VFMVN30 sẽ tăng lên 400 - 500 tỷ đồng trong vòng 6 tháng. Với tình hình như vừa qua, liệu kỳ vọng này có gặp trở ngại gì không?
Chính phủ đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện niềm tin của NĐT và DN. Chúng tôi tin tưởng quy mô của Quỹ sẽ tăng lên 400 - 500 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cần nỗ lực từ nhiều phía trong việc tư vấn, giải thích các đặc tính của sản phẩm này cho NĐT.
VFM tin tưởng
quy mô của Quỹ VFMVN30 sẽ tăng lên 400 - 500 tỷ đồng trong năm 2015
Đâu là những yếu tố thuận lợi hiện nay?
Giá cổ phiếu đang ở mức tương đối hấp dẫn, lãi suất ngân hàng thấp, triển vọng kinh tế vĩ mô tốt… là những yếu tố thuận lợi giúp thu hút dòng vốn chảy vào chứng khoán nhiều hơn. Vấn đề quan trọng hơn là VFMVN30 đã chọn đúng rổ chỉ số tham chiếu tốt - VN30, với 30 cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định. Tham gia thị trường thông qua quỹ ETF được cho là cách gia nhập nhanh nhất, tự tin nhất.
Nhưng theo thống kê của ĐTCK, lợi nhuận của các DN thuộc VN30 trong 9 tháng đầu năm nay lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, liệu có thể kỳ vọng VN30 sẽ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới?
Lợi nhuận của các DN hồi phục khá chậm so với kỳ vọng, không chỉ các DN trong VN30, mà cả nhóm 50 DN lớn nhất chiếm 85% vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, lưu ý rằng, lợi nhuận sau thuế của VN30 giảm 10,3% nhưng doanh thu tăng 12%, điều cho thấy sự phục hồi kinh tế và nhu cầu trong nước đã ảnh hưởng khá tích cực đến đầu ra của DN. Chúng tôi không thấy có gì đáng ngại, thậm chí còn cho rằng, xu hướng này là tích cực. Theo chúng tôi, lợi nhuận trong năm 2015 sẽ có sự phục hồi, đặc biệt khi giá đầu vào và giá các loại hàng hóa giảm và chi phí lãi vay ngày càng thấp. Chúng tôi ước tính, lợi nhuận năm 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 12%.
Về phía VFM, Công ty đang có những nỗ lực gì để đạt mục tiêu tăng quy mô như ông kỳ vọng?
Trong hơn 1 năm qua, chúng tôi đã chuyển đổi thành công các quỹ đóng thành quỹ mở, đồng thời lập thêm quỹ mở mới và gần đây cho ra đời quỹ ETF nội địa đầu tiên. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn mới. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các sản phẩm phù hợp xu hướng thị trường và nhu cầu đầu tư ngày càng đa dạng, không chỉ dành cho những đối tượng đã có kinh nghiệm, mà còn hướng đến phục vụ các tổ chức, cá nhân đang tìm kiếm cơ hội sinh lời trên số tiền dành dụm được.
Hiện tại, ngoài việc triển khai kênh tư vấn trực tiếp đến NĐT, chúng tôi đã xây dựng quan hệ tốt với các CTCK để phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư dạng mở và ETF đến NĐT. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai thêm một số kênh phân phối khác để tiếp cận rộng hơn các khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.
VFM có định mở rộng sang các ngân hàng?
Quy định hiện hành chỉ cho phép quỹ ETF phân phối chứng chỉ quỹ qua các CTCK có nghiệp vụ môi giới, tự doanh và ngân hàng lưu ký, nên trước mắt, chúng tôi tập trung phát triển kênh CTCK cho ETF. Còn đối với quỹ mở, chúng tôi đang chọn lọc một số ngân hàng, công ty bảo hiểm và một số đơn vị khác để mở rộng kênh phân phối.
Thực tế, các NĐT tham gia quỹ ETF chủ yếu là các tổ chức. Theo ông, lý do vì sao và VFM có kế hoạch gì để thu hút NĐT cá nhân?
Quỹ ETF còn khá mới tại Việt Nam, nên để tạo sự nhận biết rộng rãi trong công chúng đầu tư là công việc mà chúng tôi đang xúc tiến, thông qua việc kết hợp với Sở GDCK, các CTCK, thành viên lập quỹ... Chúng tôi cho rằng, một khi các NĐT cá nhân đã hiểu được bản chất của ETF, có lẽ cũng không quá lâu nữa, sản phẩm này sẽ là kênh đầu tư đơn giản, hiệu quả đối với họ.
NĐT nước ngoài có quan tâm đến ETF của Việt Nam không, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng có. ETF nội địa như VFMVN30 sẽ có sức hút đặc biệt đối với họ, nhất là khi họ gặp phải giới hạn khi đầu tư trực tiếp vào 30 DN hàng đầu trên thị trường do có đến 12 cổ phiếu thuộc VN30 gần như đã hết “room”. Đầu tư gián tiếp qua ETF là giải pháp vượt qua giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Hơn nữa, ETF nội địa không bị khống chế về sở hữu của NĐT nước ngoài. Chúng tôi đang khai thác điểm mạnh của sản phẩm để quảng bá đến các NĐT nước ngoài.
Triển vọng vẫn rất tốt
ETF và quỹ mở có nhiều ưu điểm so với quỹ đóng, nhưng các NĐT cá nhân vẫn chưa quan tâm nhiều, thể hiện ở quy mô các quỹ hiện nay chưa đáng kể. Có những nguyên nhân nào khác ngoài sự nhận biết hạn chế của NĐT?
Có thể do mô hình ETF còn mới nên NĐT thận trọng, họ muốn chờ xem cơ chế hoạt động thực tế ra sao, kết quả có giống như mong đợi không trước khi quyết định đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, quỹ mở sẽ tương lai của ngành quỹ Việt Nam, làm thay đổi thói quen đầu tư của tại Việt Nam. Ý kiến của ông như thế nào?
Theo nhìn nhận của chúng tôi, hiện phần lớn NĐT trong nước sử dụng chiến lược đầu tư “chọn lọc cổ phiếu”, có nghĩa nếu chọn đúng cổ phiếu thì xem như thắng và ngược lại, sẽ mất vốn nếu chọn sai. Điều này có ý nghĩa gì? Đầu tư vào ETF là đầu tư vào một rổ cổ phiếu, giảm được rủi ro chọn sai. Hơn nữa, NĐT không mất nhiều thời gian, chi phí đầu tư thấp, không cần nhiều vốn.
Theo ông, khi nào các ETF nội địa có thể tạo ra những hiệu ứng như 2 quỹ ETF ngoại hiện nay (FTSE Vietnam UCITS ETF và Market Vectors Vietnam ETF)?
Hai quỹ ETF ngoại này được thành lập cách đây 5 năm và quy mô đến nay đã tăng trên 5 lần. Điều đó cho phép chúng tôi kỳ vọng ETF VFMVN30 cũng tạo được sức hút và tiếng vang trong một thời gian không xa. Thực ra, so với ETF ngoại, ETF nội thậm chí còn lợi thế hơn, như không bị giới hạn về tỷ lệ nắm giữ tại các DN trong nước ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu toàn bộ chứng chỉ của Quỹ.
Ông có nói triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, cơ sở cụ thể cho nhận định này là gì?
Có rất nhiều chỉ số vĩ mô cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế đang tiếp tục tạo đà. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, lạm phát ở mức thấp, CPI bình quân chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, khả năng cả năm tăng khoảng 5% và dự kiến 4 - 4,5% cho năm 2015 là nền tảng ổn định để chính sách tiền tệ nới lỏng phát huy hiệu quả. Hoạt động sản xuất được mở rộng trong 14 tháng liên tục nhờ các đơn hàng xuất khẩu tốt và sự quay lại của nhu cầu trong nước. Bán lẻ hàng hóa 11 tháng tăng 6,5% và đang duy trì xu hướng tích cực từ đầu năm 2013 nhờ vào sự quay trở lại của niềm tin người tiêu dùng và DN.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch 11 tháng tăng 13,7%, tạo thặng dư cán cân vãng lai (dự báo năm 2014 đạt 4,5% GDP và năm 2015 khoảng 4% GDP). Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục hơn 40 tỷ USD, giúp tiền đồng ổn định.
Tôi khá lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2015 và các năm sau đó. Công cuộc cải tổ ngân hàng, xử lý nợ xấu và cổ phần hóa các DNNN được thực hiện quyết liệt thì sự phục hồi kinh tế càng tích cực.
Như vậy, triển vọng tăng trưởng của TTCK cũng sẽ tốt?
Sự phục hồi mạnh hơn của kinh tế vĩ mô và lợi nhuận DN sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của TTCK năm 2015. Tôi cho rằng, kênh đầu tư cổ phiếu tiếp tục hấp dẫn và TTCK tăng trưởng tốt trong năm 2015 từ mức điểm hiện nay.