Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Ðô thị Từ Liêm (Lideco) vẫn còn hiện rõ kỷ niệm hơn 20 năm trước, mình ông lái con xe ben chở gạch vôi chạy bon bon trên đường Bờ Hồ.
Ông kể, thời đó đường phố thưa thớt, không bị hạn chế xe cộ bao giờ. Ðầu tư bất động sản chỉ cò con theo kiểu cứ ai có đất trên đường Hoàng Hoa Thám muốn xây nhà mới mà chưa có tiền là ông “bắt tay”, bỏ tiền mua nguyên vật liệu, bỏ công xây thành 2 căn. Họ một căn, ông được một căn. Nhà mới bán đi, nhiều khi lời lãi chỉ vài đồng, anh em liên hoan hết mà ai cũng vui vẻ.
Nghiệp kinh doanh đã đeo đuổi anh cán bộ doanh nghiệp nhà nước từ đó. Ðến khi Lideco được “cởi trói” nhờ cổ phần hóa, ông và các cộng sự đã chung tay chèo lái doanh nghiệp ngày càng phát triển, trở thành một trong những nhà đầu tư bất động sản có tiếng tăm tại Thủ đô.
Giờ con cái đã trưởng thành, tiền bạc cũng dư dả, nhưng cuộc sống của ông vẫn là những chuỗi ngày bận rộn, nay đây mai đó trên các công trình.
Ðôi khi cả công trường đã chìm trong giấc ngủ, ông vẫn miệt mài ngắm chỗ nọ, ngó chỗ kia và suy tính lời giải cho một vấn đề khó vừa bất chợt nảy sinh, được cấp dưới báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.
Trong những phút giây rảnh rỗi hiếm hoi, người ta lại thấy ông trên sân gôn, ông bảo “đến với gôn, ngoài rèn luyện sức khỏe, còn tôi luyện tinh thần kỷ luật và trung thực với chính mình. Một cú đánh, bóng bay vào khóm cỏ, nào có ai theo dõi, bắt bẻ anh phải chịu mất gậy ngoài chính anh phải tự phạt mình”.
Trung thực và tử tế trong thể thao, trên thương trường rất nhiều doanh nhân cũng coi trọng kinh doanh tử tế như thế.
Ðất nước đã qua 30 năm đổi mới, đã có một đội ngũ doanh nhân lên tới cả triệu người. Tên tuổi của những tỷ phú đô la như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Phương Thảo, Trần Ðình Long, Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Nga…đã vang danh trong các bảng xếp hạng toàn cầu.
Danh tiếng của các doanh nhân sẽ càng bền vững và lan xa hơn khi hành động của họ, triết lý kinh doanh của họ không chỉ vì lợi ích cá nhân, doanh nghiệp, khách hàng mà còn vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.
Khi lợi ích quốc gia được đảm bảo, lợi ích của doanh nhân, với tư cách là một thành viên cũng được đảm bảo. Khi ấy, doanh nhân sẽ thành công một cách vững chắc, được xã hội ngưỡng mộ về sự giàu có, giàu có về tiền bạc và quan trọng hơn là giàu có về văn hóa.
Sự giàu có có được do tài năng, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của họ.
Gương sáng của những bậc doanh nhân tiền bối như Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Nguyễn Sơn Hà… trong những năm đầu của thế kỷ 20 vẫn được nhắc mãi có lẽ vì những lẽ đó.
Việt Nam đang mơ giấc mơ thịnh vượng. Một quốc gia thịnh vượng cần có nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu một hệ thống doanh nghiệp hùng hậu với đội ngũ doanh nhân hùng hậu – hùng hậu về tiềm lực tài chính, hùng hậu về tài năng kinh doanh và đặc biệt là hùng hậu về văn hóa.