Trước làn sóng thâm nhập ngày càng tăng của các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước sẽ có những áp lực nhất định, vì thị phần sẽ bị chia nhỏ và nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh doanh có thể diễn ra.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường, JLL Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ trong nước khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi tiềm năng dân số hơn 90 triệu người, kinh tế phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng đều 12%/năm trong vòng 10 năm qua, cũng như những cải tiến trong hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện đang tích cực mở rộng thêm các trung tâm thương mại, trong khi những tên tuổi mới đang tích cực tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này.
Các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là Vingroup và Co.op Mart cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, không phải trung tâm thương mại hay cửa hàng bán lẻ hiện đại nào cũng thành công như nhau. Metro và Big C đã lần lượt “đổi chủ”, dù đã hoạt động nhiều năm trên thị trường Việt Nam, với số lượng siêu thị/trung tâm mua sắm tăng lên theo từng năm và có mặt ở hầu hết các thành phố lớn.
Theo bà Trâm, việc mở rộng ngày càng nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam từ việc mua sắm tại các chợ truyền thống chuyển sang các trung tâm mua sắm hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới chợ truyền thống vẫn còn dày đặc và vẫn là nơi lựa chọn của rất nhiều người.
"Tôi cho rằng, dù cần có thời gian và trải nghiệm thực tế, nhưng thói quen và quan niệm lâu đời có thể thay đổi được. Vì vậy, các nhà bán lẻ cả trong và ngoài nước đang tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tiềm năng này" bà Trâm nói và cho rằng, trong cuộc đua tranh dành thị phần này, nhiều người lo lắng về sự “yếu thế” của nhà đầu tư nội so với các doanh nghiệp ngoại. Lo lắng là tất yếu, vì nhà đầu tư ngoại có lợi thế về chất lượng và mẫu mã đa dạng.
Bà Trâm cũng cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại của Bộ Công thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị, cũng như trung tâm thương mại đến năm 2015 chỉ chiếm 30% và đạt 45% đến năm 2020. Hiện nay, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành. Do đó, các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình.
"Tuy nhiên các nhà bán lẻ trong nước nên nhìn nhận điểm mạnh điểm yếu của mình một cách nghiêm khắc để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất cho thị trường tiêu dùng Việt Nam. Nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền, cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài, chính vì vậy, nên tập trung phát huy ưu điểm này để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất", bà Trâm nói và cho biết, cơ hội phát triển vẫn còn đó cho tất cả các nhà bán lẻ trong nước. Chỉ có điều là khả nặng nắm bắt và tận dụng cơ hội của họ như thế nào!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com