Bán lẻ: Khởi động cuộc đua nước rút

(ĐTCK-online)Với sự hỗ trợ từ 8 tập đoàn điện tử, Công ty TNHH Sài Gòn Nguyễn Kim (SGNK), chủ đầu tư Trung tâm Mua sắm (TTMS) Sài Gòn - Nguyễn Kim, vừa chính thức khai trương và đưa vào hoạt động một TTMS mới theo tiêu chuẩn hiện đại với tên gọi TTMS Nguyễn Kim - Tân Bình.

Động thái này của SGNK được xem là bước khởi động cho cuộc đua nước rút đầu tư vào thị trường bán lẻ để đối phó với các tập đoàn nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam sau thời điểm ngày 1/1/2009 theo cam kết mở cửa thị trường này.

 

Khởi động làn sóng đầu tư mới

Theo ông Phan Linh Phương, Giám đốc tiếp thị SGNK, trung tâm mới tọa lạc trong khuôn viên của Khu mua sắm CMC Plaza, gồm 2 tầng với tổng diện tích kinh doanh hơn 4.000m2, bên cạnh đó là hệ thống kho bãi hậu cần và khối phục vụ được chuẩn bị để phục vụ cho 10.000 lượt khách hàng mỗi ngày. “TTMS Nguyễn Kim-Tân Bình tuân thủ các tiêu chuẩn một cách nhất quán và có hệ thống theo đúng như tư vấn và cùng đầu tư phát triển kệnh phân phối lẻ của các tập đoàn điện tử LG, JVC, Panasonic; Philips, Samsung, Sanyo, Sony, Toshiba”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, với định hướng hình thành chuỗi bán lẻ chuyên ngành, SGNK tập trung mọi nguồn lực của mình để hình thành và phát triển chuỗi Trung tâm Bán lẻ Nguyễn Kim trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu sẽ xây dựng được một hệ thống gồm 9 trung tâm bán lẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Cụ thể, đó là 4 trung tâm tại TP.HCM, 2 trung tâm tại Hà Nội và 3 trung tâm tại 3 Thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương. “Sự chuẩn bị này không ngoài mục tiêu là phục vụ cho nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt với sự chuyển dịch của thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại trong vài năm gần đây. Đây cũng là việc chuẩn bị cho SGNK với xu thế hòa nhập nền kinh tế thế giới... khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt đến thời điểm năm 2010 khi mà sức tiêu thụ hàng hóa qua kênh hiện đại (chuỗi trung tâm bán lẻ chuyên ngành) dự báo chiếm tới 20%”, ông Phương cho biết

Theo thống kê của Bộ Thương mại, chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, có ít nhất 5 siêu thị mới được đưa vào hoạt động tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam . Đó là sự ra đời của siêu thị mới Vinatexmart tại đường Lý Thường Kiệt; CoopMart Biên Hòa... và mới đây chuỗi siêu thị Citimart của Công ty TNHH Đông Hưng đã được mở rộng từ 5 siêu thị lên con số 8 chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2007, nâng tổng số siêu thị hiện có của Đông Hưng trên cả nước lên con số 17. Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng, nhận xét, việc “bùng nổ” hàng loạt siêu thị bán lẻ mới không chỉ ở các trung tâm thành phố lớn, mà còn lan rộng các tỉnh, thành phố khác. “Chúng tôi buộc phải chạy đua với thời gian, tìm chỗ “dừng chân” thích hợp trước thời điểm Chính phủ cho phép doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được quyền mở siêu thị, trung tâm phân phối”, ông Hải nói.

 

Việt Nam : mảnh đất “màu mỡ” về bán lẻ

Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu thị trường của GfK và AC Nielsen, nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy Việt Nam có thể đạt khoảng 3 tỷ USD/năm về doanh thu, tuy nhiên doanh số bán lẻ chung hiện mới chỉ đạt khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD/năm, tương đương 40%. Như vậy còn đến 60% thị trường chưa được khai thác đúng mức.

Trong báo cáo “Phân tích công nghiệp bán lẻ Việt Nam” vừa được công bố, Hãng nghiên cứu, tư vấn toàn cầu RNCOS cho rằng, cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh từ năm 2007 đến năm 2011. Báo cáo này khẳng định, thị trường bán lẻ Việt Nam đang và sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới (trừ Trung Quốc và Ấn Độ). Với vị trí là một trong 7 thị trường bán lẻ sinh lợi nhất thế giới, các nhà phân phối trong và ngoài nước đang phải “xếp hàng” để giành giật thị phần ở Việt Nam. Do vậy, việc đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống bán lẻ của các DN Việt Nam lẫn nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bán lẻ chính là thiếu các mặt bằng diện tích lớn (trung bình của một siêu thị là 2.000 m2 trở lên) và phải nằm ở các vị trí đắc địa. Đó là chưa kể giá cho thuê để xây dựng các trung tâm thương mại-siêu thị (theo dự báo của CBRE) còn tăng ít nhất 200% trong 3 năm tới và đây là rào cản lớn nhất cho phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại của các DN Việt Nam . Nên chăng đã đến lúc cần có liên minh chặt chẽ giữa DN bất động sản (sở hữu các khu đất vàng) với nhà kinh doanh bán lẻ chuyên nghiệp như SGNK; CoopMart; Citimart... Có như vậy, năng lực cạnh tranh của hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước mới được cải thiện đáng kể.