Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bán lẻ đồng hồ trong cuộc đua tăng trưởng

(ĐTCK) Tính đến hết tháng 10/2019, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) có 174 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, tăng gấp đôi so với số lượng cửa hàng doanh nghiệp này có được hồi tháng 8. Trong khi cùng thời điểm này, PNJ mới có 23 cửa hàng. MWG đang cho thấy tốc độ mạnh mẽ của mình trên thị trường bán lẻ đồng hồ.

Miếng bánh hấp dẫn các nhà bán lẻ

Theo một nghiên cứu được CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố vào năm 2018, thị trường đồng hồ đeo tay tại Việt Nam có giá trị gần 750 triệu USD, tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng.

Thị trường bán lẻ đồng hồ là miếng bánh hấp dẫn, nhưng hiện vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, hàng giả, hàng nhái bát nháo làm loạn giá. Xác lập lại thị trường, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng cách làm bài bản là cơ hội để nhiều nhà bán lẻ tìm kiếm dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực này.

PNJ đã bước chân vào thị trường này từ rất sớm. Năm 2012, Công ty tiên phong thử nghiệm bán lẻ đồng hồ thời trang tại các cửa hàng trang sức của mình, nhưng dường như Công ty vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Tính đến hết tháng 10/2019, PNJ mới có 23 cửa hàng bán đồng hồ. Tốc độ tăng trưởng và đóng góp doanh thu của mảng này trong tổng doanh thu của PNJ là không đáng kể.

10 tháng đầu năm nay, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 13.395 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ 2018) và lợi nhuận sau thuế đạt 935 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ), hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 79% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Trên thị trường, một số doanh nghiệp bán lẻ đồng hồ đã không ngừng mở rộng điểm bán như Ðăng Quang, hiện có 100 cửa hàng tại 63 tỉnh, thành phố, Xwatch có hệ thống 12 showroom tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh…

Chính thức tuyên bố bán đồng hồ vào tháng 3/2019, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) đã có những bước đi thần tốc bằng việc tận dụng những lợi thế vốn có và sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ thị trường.

Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, MWG có 174 cửa hàng bán đồng hồ, tăng gấp đôi so với hồi tháng 8.

Lũy kế đến tháng hết 10, đã có hơn 245.000 sản phẩm đồng hồ các loại được bán ra, đóng góp hơn 480 tỷ đồng doanh thu cho MWG.

So với tổng doanh thu thuần của MWG trong 10 tháng qua đạt 84.723 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp doanh thu của đồng hồ không lớn, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi tham vọng tăng trưởng ở lĩnh vực mới này.

Thị trường đồng hồ sẽ sôi động hơn

Ông Ðoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG từng khẳng định: “MWG sẽ có những bước đi quyết liệt trong xác lập vị thế trên thị trường bán lẻ đồng hồ trong thời gian tới”.

Ðược biết, MWG đặt mục tiêu đến giữa năm 2020, sẽ có 500 cửa hàng với sản lượng tiêu thụ 3 triệu đồng hồ.

Kết thúc 10 tháng kinh doanh đầu năm 2019, MWG lãi 3.260 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 91% kế hoạch năm. MWG có tiềm lực tài chính mạnh để tiếp tục mở rộng ở lĩnh vực bán lẻ đồng hồ.

Còn tại PNJ, chia sẻ tại Ðại hội cổ đông thường niên năm 2019, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty cho biết, trong kế hoạch kinh doanh năm 2019, mảng đồng hồ đóng góp doanh số 130 tỷ đồng và PNJ tiếp tục mở rộng cửa hàng, tăng độc quyền đối với sản phẩm này.

Nhìn lại cách bước vào thị trường của hai “ông lớn” PNJ và MWG, có thể thấy một bên thận trọng và một bên đi nhanh, mạnh. Nhưng phân khúc mà hai doanh nghiệp này hướng đến lại hoàn toàn khác nhau.

PNJ tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập cao với danh mục hơn 1.000 sản phẩm đồng hồ có giá từ 3 - 20 triệu đồng. MWG lại hướng tới khách hàng bình dân, với sản phẩm đồng hồ giá dưới 1 triệu đồng và đồng hồ trẻ em.

Bên cạnh xác lập hướng đi riêng, MWG lại có lợi thế rất thành công khi phát triển các mô hình bán lẻ như cách làm với chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Ðiện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh.

Chọn được mô hình hợp lý và các khả năng triển khai phù hợp để tận dụng tối đa năng lực phát triển là chìa khóa giúp MWG duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, doanh thu thị trường bán lẻ đồng hồ đã tăng trưởng kỷ lục, đạt 300% trong nửa đầu năm 2019 và tiếp tục sẽ có quy mô rộng mở.

Dự báo, đến năm 2022, doanh thu từ bán lẻ đồng hồ sẽ đạt khoảng 200 - 300 tỷ đồng, gấp 10 lần quy mô hiện tại.

Cơ sở cho nhận định này của SSI là, các công ty có sẵn thế mạnh về thương hiệu đã giải quyết xong bài toán xây dựng hệ thống, tối ưu quy trình vận hành, quản lý hao hụt và tiết kiệm chi phí.

Với sự gia nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bán lẻ, thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam chắc chắn sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan