Từ cạnh tranh giá sang chất lượng phục vụ
Nếu như năm 2023 là cuộc chiến cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, dẫn tới kết quả kinh doanh lao dốc, thậm chí thua lỗ, bước sang năm 2024, quan điểm cạnh tranh đã thay đổi, hiện tượng cạnh tranh giá đã giảm xuống đáng kể.
Đầu tiên, thay vì phát động cuộc chiến cạnh tranh về giá như năm trước, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã phát đi tín hiệu tiếp tục tái cấu trúc theo hướng “giảm lượng, tăng chất”.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG chia sẻ: “Trong năm 2023, quá trình ‘giảm lượng, tăng chất’ đã đi vào mọi ngóc ngách của Tập đoàn, không chỉ ở các chuỗi, mà cả những khối phục vụ. Họ đã cắt giảm những phần kém hiệu quả, dành thời gian, công sức, tiền bạc vào những nơi quan trọng. Kết quả là số cửa hàng giảm, nhân sự giảm, nguồn lực giảm, nhưng doanh thu tăng. Quá trình này không phải làm một lần rồi biến mất, mà đây là văn hóa mới, diễn ra liên tục”.
Thực tế, MWG liên tục giảm quy mô nhân sự, đồng thời đóng bớt các cửa hàng kém hiệu quả trong toàn hệ thống.
Trong đó, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/3/2024, đơn vị đã giảm 13.447 nhân viên, từ 74.008 người về 60.561 người; từ ngày 1/1/2023 đến tháng 5/2024, MWG đã giảm 120 cửa hàng Thế giới Di động về 1.070 cửa hàng, giảm 104 cửa hàng Điện máy Xanh về 2.180 cửa hàng, giảm 30 cửa hàng Bách hóa Xanh về 1.698 cửa hàng.
Tương tự, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cũng kiên định với chiến lược cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hơn là cạnh tranh về giá, giúp tăng trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm tại các cửa hàng với dịch vụ hậu mãi sau bán hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Hoàng Trung Kiên - Tổng giám đốc FPT Retail chia sẻ, việc kinh doanh các mặt hàng như điện thoại, máy tính khá khó khăn do cuộc chiến về giá bắt đầu từ khoảng tháng 3/2023 và kéo dài đến hết năm.
Trong năm 2024, FPT Retail sẽ xem xét đánh giá hoạt động của từng cửa hàng trong chuỗi FPT Shop, đóng một số cửa hàng không tốt nhằm tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Dương - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã PET) cho biết, năm 2023 rất khó khăn, nhưng năm 2024 có nhiều tình tiết khởi sắc về thị phần, tình trạng bán phá giá đã được kiểm soát, vì vậy biên lợi nhuận ngành phân phối sẽ cải thiện trở lại.
Có thể thấy, sau gần 1 năm bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá để đẩy tồn kho, giải quyết bài toán dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đã thực hiện các giải pháp để thích ứng với điều kiện mới.
Tìm dư địa tăng trưởng mới
Trong nhiều năm qua, trước lo ngại áp lực tranh và sự bão hòa của lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ, hàng điện tử, các doanh nghiệp đầu ngành đã có những bước đi riêng với mục đích đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh mới để tránh phụ thuộc vào một chuỗi như giai đoạn đầu thành lập.
Đối với chiến lược mở rộng địa bàn kinh doanh, sau khi thừa nhận thất bại tại thị trường Campuchia, Thế giới Di động đã chuyển hướng sang thị trường mới là Indonesia với chuỗi bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Thay vì lao vào cuộc chiến khốc liệt một mất một còn về giá, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ đã thực hiện tái cấu trúc, mở ra hướng phát triển mới dựa trên thế mạnh riêng của mỗi doanh nghiệp.
Trong đó, chuỗi Erablue cuối năm 2023 với 38 cửa hàng (năm 2022 chỉ có 5 cửa hàng), thì tới cuối tháng 5/2024 đã nâng số cửa hàng lên con số 59, tức tăng 55,3% về số lượng cửa hàng và doanh nghiệp này vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ tại thị trường Indonesia.
Bên cạnh chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài, Thế giới Di động liên tục cải tổ, nâng cấp lại chuỗi Bách hóa Xanh để hướng tới đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2024.
Trong năm nay, chuỗi này sẽ mở mới cửa hàng có chọn lọc để đảm bảo hiệu quả; tiếp tục tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ như nâng cao chất lượng, sự an toàn, đảm bảo sản phẩm ổn định đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, tìm kiếm và khai các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng FMCGs; tối ưu chi phí, đặc biệt là chi phí kho vận, để có lời cả năm ở cấp độ Công ty.
Dù Bách hóa Xanh và chuỗi Erablue vẫn đang chịu lỗ, nhưng đây là 2 chiến lược đang được Thế giới Di động phát triển với kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai, khi chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh bão hòa.
Khác với Thế giới Di động, bên cạnh việc tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi FPT Shop như sản phẩm gia dụng, tivi, điều hòa, sim mang thương hiệu FPT…, FPT Retail lại chọn dược phẩm là lĩnh vực mũi nhọn, là động lực tăng trưởng khi có tham vọng phát triển hệ sinh thái sức khoẻ trọn vẹn sau khi đã thành công phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu và liên tục ghi nhận lãi.
“Long Châu đầy đủ các yếu tố để hướng đến thành công khi sở hữu lượng khách hàng lớn, tận dụng thế mạnh về độ phủ, hợp tác để xây dựng nhanh hệ sinh thái, ứng dụng công nghệ giảm giá thành dịch vụ, tập trung nhóm khách hàng mắc bệnh mãn tính”, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail chia sẻ với cổ đông về kế hoạch mở rộng hệ sinh thái sức khoẻ.
Trong một vòng đời sức khoẻ, Long Châu bắt đầu đi một số bước như y tế dự phòng (tiêm chủng có quy mô thị trường từ 1 - 3 tỷ USD); chuỗi nhà thuốc (quy mô thị trường 7 tỷ USD, tăng trưởng 2 chữ số hàng năm); Long Châu 247 (dự kiến tung ra cuối quý III - IV/2024, hướng tới khách hàng mắc bệnh mãn tính, Long Châu sẽ sử dụng app để theo dõi sức khoẻ cho khách hàng, nếu sức khỏe khách hàng không ổn sẽ thông báo ngay cho khách hàng); bảo hiểm sức khỏe (Long Châu chuẩn bị tung ra dịch vụ bảo lãnh thuốc trong năm nay, các khách hàng có thẻ bảo hiểm sẽ đến Long Châu mua thuốc bằng thẻ bảo hiểm và không phải trả tiền); cuối cùng là chẩn đoán và điều trị (Long Châu mong muốn sẽ tham gia trong tương lai để chăm sóc sức khỏe khách hàng, tạo thành một hệ sinh thái khép kín).
Kết quả, chuỗi Long Châu đã kinh doanh có lãi, khi năm 2022 lãi 53,3 tỷ đồng, năm 2023 lãi 510,5 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp phân phối, tại Petrosetco, đơn vị này cũng lên kế hoạch mở rộng sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một vài nhãn hàng.
Trong đó, Petrosetco cho biết, với chiến lược mở rộng phân phối thêm nhiều sản phẩm mới thông qua hợp tác với các hãng nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Việt Nam, cộng với việc tái cơ cấu triệt để danh mục sản phẩm kém hiệu quả, tập trung vào nhóm các sản phẩm chủ lực.
Có thể thấy, trước áp lực bão hòa của lĩnh vực phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ, các doanh nghiệp ngành này đang cố gắng tối ưu hóa mô hình kinh doanh, đồng thời mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh để có thể tăng doanh số.