Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh chiến lược “giảm lượng, tăng chất”

Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh chiến lược “giảm lượng, tăng chất”

Bán lẻ có đà tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, doanh nghiệp bán lẻ đối mặt với nhiều khó khăn, có những công ty ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí lỗ lớn, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm này đã vươn lên mạnh mẽ, đón cơ hội từ nền kinh tế phục hồi.

Tái cấu trúc mang lại hiệu quả

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) lỗ hơn 329 tỷ đồng trong năm 2023.

Bước sang năm 2024, Công ty chủ động đóng những cửa hàng FPT Shop chưa hiệu quả, tái cấu trúc, tối ưu chi phí và đẩy mạnh động lực tăng trưởng từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Nửa đầu năm nay, FPT Retail đã mở mới 209 nhà thuốc Long Châu, nâng tổng số lên hơn 1.700 nhà thuốc, trong khi đóng 110 cửa hàng FPT Shop.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn FPT Retail. Hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc đạt 1,2 tỷ đồng/tháng, trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục mở thêm nhà thuốc mới.

Trong khi đó, doanh thu của FPT Shop đạt hơn 6.900 tỷ đồng, chiếm 37% doanh thu toàn công ty. Tính đến cuối quý II/2024, FPT Retail có 1.706 nhà thuốc Long Châu, 642 cửa hàng FPT Shop và 87 trung tâm tiêm chủng vaccine.

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024 sau soát xét cho thấy, FPT Retail đạt doanh thu 18.281 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hơn 109 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 212 tỷ đồng).

FPT Retail cho biết, Doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang có lãi nhờ việc đóng 110 cửa hàng FPT Shop kém hiệu quả, đồng thời thực hiện dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, giúp tỷ lệ lãi gộp tăng lên và tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt giúp chi phí tài chính giảm 52% so với cùng kỳ.

Trong nửa cuối năm 2024, Công ty tiếp tục mở rộng chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, dự kiến nâng tổng số nhà thuốc vào cuối năm lên khoảng 1.900.

Doanh nghiệp vẫn tập trung 100% sức lực của cả tập thể nhằm đạt mục tiêu và chiến lược đã đặt ra, trước mắt là hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 (37.300 tỷ đồng doanh thu, 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, nhờ đóng thêm hơn 100 cửa hàng không hiệu quả và thay đổi cơ cấu sản phẩm mà lợi nhuận trước thuế của FPT Shop trong quý II/2024 tốt hơn quý I/2024. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện, tăng 5,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 13,8%.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), Công ty đã đóng 129 cửa hàng Thế giới di động (bao gồm Topzone) và Điện máy xanh trong nửa đầu năm 2024.

Việc đẩy mạnh rà soát, đóng các cửa hàng điện thoại, điện máy hoạt động chưa hiệu quả đã góp phần giúp MWG cải thiện kết quả kinh doanh. Bảy tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 76.541 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch cả năm.

MWG cho hay, với danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng và chủ động triển khai các giải pháp bán hàng mang lại lợi ích cho khách hàng, Công ty ghi nhận tăng trưởng dương ở một số ngành hàng bắt đầu vào mùa cao điểm như máy tính xách tay và máy giặt; nhóm điện thoại duy trì mức tăng trưởng tích cực.

Bảy tháng đầu năm 2027, chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 51.300 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 6%; chuỗi Bách hoá xanh đạt 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu 65.620 tỷ đồng, tăng gần 16%; lợi nhuận sau thuế 2.075 tỷ đồng, gấp 54,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thực hiện chiến lược giảm lượng, tăng chất, trong tháng 7 và 8/2024, MWG giảm thêm 80 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh, xuống 3.059 cửa hàng.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Theo đó, các doanh nghiệp nói chung, ngành bán lẻ nói riêng được hưởng lợi khi tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đồng thời người tiêu dùng được kích thích mua sắm, góp phần phục hồi sức mua trong nước.

Tương tự, Công ty cổ phần Vua Nệm nỗ lực thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm bằng cách mạnh tay đóng các cửa hàng kém hiệu quả, đồng thời mở thêm 6 cửa hàng mới kể từ đầu năm 2024 đến nay nhằm đảm bảo mục tiêu phủ sóng toàn quốc, củng cố thị phần.

Những cửa hàng mới có điểm chung là diện tích vừa phải, giá thuê mặt bằng thấp hơn, chi phí đầu tư ban đầu tiết kiệm hơn trước.

Nhờ vậy, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở cấp độ cửa hàng/doanh thu của 6 cửa hàng mới đạt mức cao nhất từ trước đến nay và giảm một nửa thời gian hoàn vốn so với các cửa hàng cũ. Chiến lược sản phẩm giá thấp cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng doanh số cho Vua Nệm.

“Công ty tự tin đặt mục tiêu đạt lợi nhuận dương trong năm 2024, với mức tăng trưởng ấn tượng”, đại diện Vua Nệm chia sẻ.

Động lực cuối năm

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 51.486,9 tỷ đồng tăng 8,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức cầu tiêu dùng được nhận định sẽ tăng cao hơn trong những tháng cuối năm, vốn là mùa cao điểm của ngành bán lẻ.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) cho biết, giai đoạn cuối năm 2024 sẽ là thời điểm thay mới thiết bị của các sản phẩm điện thoại, laptop sau vùng đỉnh năm 2021.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tắt sóng 2G (từ ngày 15/10/2024) có thể tạo ra làn sóng mua mới điện thoại, đặc biệt là các dòng điện thoại thông minh giá thấp. Digiworld sẽ phân phối thêm các sản phẩm mới của MSI.

Digiworld đánh giá, từ tháng 9 trở đi là thời điểm có nhiều động lực thúc đẩy sức mua người tiêu dùng như mùa tựu trường, kế hoạch ra mắt các sản phẩm công nghệ mới từ Xiaomi, Apple, các dịp lễ, tết... Đây là cơ hội cho Digiworld không chỉ với mảng sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) mà còn các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.

Digiworld kỳ vọng, kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ tăng trưởng tích cực trở lại. Sáu tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận gần 182 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dự kiến quý III đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận 120 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch cả năm của Công ty là lãi ròng 490 tỷ đồng.

Tại FPT Retail, ngày hội “Thu cũ đổi mới” đang được FPT Shop đẩy mạnh triển khai trên toàn hệ thống với chương trình “Tắt sóng 2G, đổi điện thoại 4G”. Mua sắm sôi động cùng các chương trình kích cầu sẽ mở ra dư địa cho doanh nghiệp cải thiện bức tranh kinh doanh.

Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, kết thúc năm 2024, FPT Retail có thể ghi nhận doanh thu 39.528 tỷ đồng, tăng 23,6%; lợi nhuận gộp 7.717 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 19,5%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt 301 tỷ đồng. FPT Retail có triển vọng tăng trưởng tích cực với chuỗi nhà thuốc Long Châu cùng tham vọng mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ.

Với MWG, Công ty Chứng khoán ACB ước tính, năm 2024 có thể đạt doanh thu 132.774 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận trước thuế 5.271 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2023. Sang năm 2025, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dự kiến là 6,2% và 17,5%.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Theo đó, các doanh nghiệp nói chung, ngành bán lẻ nói riêng được hưởng lợi khi tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đồng thời người tiêu dùng được kích thích mua sắm, góp phần phục hồi sức mua trong nước.

Tin bài liên quan