Cụ thể, ngày 25/7, ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu và ngày 3/8, ông Dương đã hoàn thành giao dịch đúng số lượng cổ phiếu đăng ký, tăng tỷ lệ sở hữu lên 2.585.469 cổ phiếu, chiếm 0,46%.
Ngày 31/7, ông Trần Quốc Thảo - Phó tổng giám đốc Công ty đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu và ngày 10/8, ông Thảo cũng đã hoàn thành giao dịch, tăng tỷ lệ sở hữu lên 1.149.938 cổ phiếu, chiếm 0,21%.
Ngày 6/8, ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng giám đốc Công ty đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ ngày 10/8 đến ngày 8/9.
Và trong ngày 13/8, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó tổng giám đốc Công ty tiếp tục đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ ngày 17/8 đến ngày 15/9. Sau khi thành công, ông Ngữ và ông Việt tăng sở hữu lên lần lượt là 3.181.361 cổ phiếu, chiếm 0,57% và 1.661.602 cổ phiếu, chiếm 0,30%.
Tổng số lượng cổ phiếu 4 cá nhân này nắm giữ sẽ là 8.578.370 cổ phiếu, chiếm 1,54%, nâng tổng số lượng cổ phiếu của người nội bộ Công ty lên khoảng 8,40%.
Để thực hiện các giao dịch mua vào 4 triệu cổ phiếu SBT ở trên, tương ứng tổng giá trị giao dịch dự kiến khoảng 70 tỷ đồng ước tính theo mức giá 16.700 đồng/Cp (giá đóng cửa phiên 31/7/2018).
Tính tới cuối tháng 7/2018, cơ cấu cổ đông của SBT bao gồm 46,53% cá nhân trong nước; 35,22% tổ chức trong nước; 11,06% cổ phiếu quỹ; 6,68% tổ chức nước ngoài và 0,51% cá nhân nước ngoài.
Trong chặng đường nửa đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới do tác động của những biến động tiêu cực, từ căng thẳng địa chính trị tại Syria, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho tới lo ngại về sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, khiến đà giảm ngày một nối dài.
Cổ phiếu SBT sau khi bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất thường của thị trường chung, đã bật dậy đáng kể khi từ ngày 28/5 đến ngày 9/8, giá SBT đã tăng trưởng trở lại hơn 12%.
Đặc biệt, trong kỳ rà soát danh mục tháng 7 vừa qua, SBT là Công ty thuộc ngành Mía đường duy nhất tại Việt Nam nằm trong rổ chỉ số VN30 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và vẫn tiếp tục được duy trì.
Ngoài ra, SBT nằm trong Danh mục của Quỹ VFMVN30 EFT Fund - Quỹ ETF nội lấy Chỉ số VN30 làm tham chiếu với 2,8 triệu cổ phiếu đang sở hữu.
Bên cạnh đó, SBT vẫn đang được bao gồm trong các ổ Chỉ số uy tín trên thị trường nổi bật như V.N.M ETF với gần 10 triệu cổ phiếu, DB XTRACKER FTSE VIETNAM SWAP UCITS ETF với gần 6 triệu cổ phiếu và iShares MSCI Frontier 100 ETF với gần 1 triệu cổ phiếu...
Ngoài rổ Chỉ số VN30, trong số gần 500 Doanh nghiệp đang niêm yết tại HOSE, SBT còn lọt vào Top 20 Chỉ số Phát triển bền vững - VN Sustainability Index (VNSI) kỳ tháng 7/2018 của HOSE, sánh cùng các tên tuổi lớn khác như VIC, VNM, NVL, DHG, PNJ…
Là cơ quan quản lý định hướng vĩ mô trong xu thế Phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế thế giới đặc biệt là các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, HOSE đang dần hướng các Công ty Niêm yết đến các chuẩn Phát triển bền vững bao gồm các tiêu chí và thông lệ tốt nhất về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Điều này bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới để hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” “bền vững” để đầu tư; từ đó góp phần cải thiện hình ảnh thương hiệu cũng như chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như SBT, bộ Chỉ số VNSI đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Phát triển bền vững của Công ty bao gồm gia tăng sản lượng tiêu thụ, chiếm lĩnh thị phần, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, môi trường, sức khỏe… cũng như định hình ngành Mía đường Việt Nam ngang tầm Khu vực.
Trong công bố mới nhất về thị trường đường thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng đường toàn cầu niên độ 2018-2019 sẽ giảm 4 triệu tấn (so với dự báo trước) xuống 188 triệu tấn. Nguyên nhân do các chuyên gia kinh tế dự báo hạn hán tại khu vực miền Trung Brazil có nguy cơ làm giảm sản lượng cà phê và mía đường của nước này trong năm tới nếu không có mưa nhiều vào các tháng cuối năm nay.
Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới đã yêu cầu Ấn Độ, Pakistan và Liên minh châu Âu (EU) giảm trợ cấp giá đường. Họ cho rằng các chương trình trợ cấp chính là nguyên nhân khiến giá đường giảm mạnh và dư cung trong thời gian qua.
Nhận định về tình hình thị trường Việt Nam, giá đường RS (Đường cát trắng) có khả năng diễn biến theo xu hướng giữ giá hoặc tăng trong thời gian tới do giá Đường RS trong nước đã tiệm cận, cạnh tranh trực tiếp với giá đường Thái lậu.
Công tác chống buôn lậu đang ngày càng được Chính phủ siết chặt cũng như quyết tâm của Hiêp hội Mía Đường và các nhà máy Đường khả năng sẽ hạn chế đường nhập lậu, điều này hỗ trợ cho tiêu thụ và giá đường trong nước được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới.