Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.
Tại đại hội nhà đầu tư của tất cả các quỹ, vấn đề thuế, phí được rất nhiều nhà đầu tư đề cập với những băn khoăn. Thắc mắc lớn nhất là họ sẽ bị tính thuế ra sao một khi rút vốn và quỹ giải thể? Nhà đầu tư cần biết chính xác câu trả lời để có những tính toán phù hợp trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư tham gia đại hội của Quỹ đầu tư VF4 hay Quỹ cân bằng Prudential (PRUBF1)… vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa mãn. Nguyên nhân như ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) chia sẻ là, ngay cơ quan thuế cũng lúng túng.
Thực tế, khi đầu tư vào quỹ đầu tư, nhà đầu tư chỉ biết họ phải chịu thuế cổ tức (25% cho nhà đầu tư tổ chức, 5% với nhà đầu tư cá nhân) và thuế chuyển nhượng (0,1% giá trị bán). Riêng thuế khi rút vốn và đóng quỹ thì không thấy đề cập.
Một vài quỹ như VF1 sẽ chuyển sang quỹ mở nên sẽ không phải đóng quỹ
Vì sự mơ hồ này mà từ nhiều tháng trước ngày diễn ra đại hội nhà đầu tư, VFM đã có công văn gửi Cục Thuế TP. HCM, đề nghị giải đáp các quy định về chính sách thuế áp dụng đối với trường hợp quỹ đầu tư giải thể. Tinh thần chung của hướng dẫn từ Cục Thuế TP. HCM là nhà đầu tư cá nhân sẽ chịu mức thuế 0,1% tiền chuyển nhượng. Nếu nhà đầu tư vào quỹ là các DN trong nước thì DN phải hạch toán lãi chênh lệch vào thu nhập khác, để kê khai nộp thuế thu nhập DN.
Tuy nhiên, Cục Thuế lại không hướng dẫn thuế sẽ tính trên chênh lệch như thế nào? Nếu tính trên chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng (NAV) và mệnh giá (10.000 đồng/CCQ) thì cách tính thuế này có phần bất hợp lý. Đơn cử, dù nhà đầu tư chỉ thực lời 4.000 đồng (giả sử giá CCQ mua vào là 14.000 đồng và NAV khi thanh lý là 18.000 đồng) thì họ vẫn chịu thuế theo mức 8.000 đồng/CCQ. Nhưng các lãnh đạo quản lý cho rằng, sẽ khó hy vọng thay đổi một phương pháp sát sườn hơn vì để tính đúng, đòi hỏi cơ quan thuế phải truy xuất lại nhiều dữ liệu và tính toán thuế cũng rất phức tạp.
Đó là chưa nói, do chưa có thông tư liên quan đến thuế giải thể quỹ, nên mỗi cục thuế ở từng địa phương có khả năng sẽ hiểu và áp dụng khác nhau. Điều này có thể gây rắc rối cho nhà đầu tư.
Một số nhà đầu tư bày tỏ băn khoăn về khoản lời từ thanh lý tài sản đã bị tính vào thuế thu nhập DN của công ty quản lý quỹ. Nếu tính thêm vào thuế thu nhập cá nhân của nhà đầu tư, đó chẳng phải là thuế chồng thuế?
Tuy nhiên, điều an ủi cho nhà đầu tư là những quỹ có khả năng sinh lãi tốt trong thời gian qua như VF1… đang thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng sang quỹ mở chứ không đóng quỹ. Vì thế, trường hợp nhà đầu tư muốn rút vốn, họ chỉ chịu thuế như chuyển nhượng thông thường. Với Quỹ đầu tư PRUBF1 phải đóng quỹ trong năm nay theo đúng tinh thần đã thông qua tại đại hội nhà đầu tư, chênh lệch giữa NAV và mệnh giá dự báo không nhiều. Lãnh đạo PRUBF1 ước tính, đến thời điểm giải thể quỹ (tháng 10/2013), giá PRUBF1 sẽ ở khoảng 10.500 đồng/CCQ. Như vậy, thuế tính cho nhà đầu tư có thể không đáng kể. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ thực tế giá CCQ của PRUBF1 2 năm qua dao động trong mức 5.000 -7.000 đồng/CCQ. Nghĩa là khi đóng quỹ, nhà đầu tư của PRUBF1 có thể lãi thực tế 5.000 - 6.000 đồng/CCQ, trong khi thuế tính chỉ dựa trên chênh lệch ước 500 - 600 đồng/CCQ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, tình trạng tính thuế theo hướng thuận tiện cho cơ quan quản lý thuế hơn là thực tế thị trường có thể khiến nhà đầu tư không phục và gây ra những tác động tiêu cực đến việc thu hút dòng vốn đầu tư vào các quỹ.