Nếu đưa tất cả thành viên gia đình vào sổ đỏ thì sẽ rất phức tạp khi thực hiện giao dịch mua bán, sang nhượng. Ảnh: Lê Toàn

Nếu đưa tất cả thành viên gia đình vào sổ đỏ thì sẽ rất phức tạp khi thực hiện giao dịch mua bán, sang nhượng. Ảnh: Lê Toàn

Băn khoăn thông tin "chủ nhân" sổ đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định ghi tên đầy đủ các thành viên hộ gia đình lên sổ đỏ tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi ít nhiều gây băn khoăn.

Trên thực tế, quy định này không phải là mới khi được nêu tại Thông tư số 33/2017 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả thành viên trong gia đình đối với tài sản chung là nhà đất, nhưng từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Nhà Toàn Cầu cho hay, nếu đưa tất cả thành viên hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) thì sẽ rất phức tạp khi thực hiện giao dịch mua bán, sang nhượng bởi cần có đầy đủ ý kiến của người được ghi tên trên sổ đỏ.

“Trường hợp người mua và người bán ở khác địa phương thì sẽ tăng áp lực cho các phòng công chứng. Chưa kể, việc đi lại, công chứng bất động sản sẽ gặp khó khăn nếu một trong những thành viên có tên trong sổ đỏ đi làm ăn xa, đi công tác xa, hay có người không đồng thuận ký tên. Lúc này, liệu rằng công tác xã hội có ổn hay không? Rồi khi ký giao dịch mua bán, cho thuê sẽ như thế nào? Phải chăng sổ đỏ đang làm thay chức năng sổ hộ khẩu - một loại giấy tờ cơ quan quản lý đang muốn bỏ?”, ông Thành nêu vấn đề.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng Luật Thanh Niên cho biết, việc ghi tên từng thành viên hộ gia đình đã được thực hiện theo Thông tư 33/2017. Tuy nhiên, một số địa phương khi triển khai chưa hiểu rõ dẫn đến vướng mắc giữa hộ gia đình theo khái niệm sổ hộ khẩu với hộ gia đình trên sổ đỏ (bao gồm những người cùng gia đình có quyền tài sản với thửa đất).

Lợi ích của việc ghi tên các thành viên nhằm giúp làm rõ các quan hệ pháp luật liên quan đến các quyền về sử dụng đất, khi có tranh chấp đưa ra toà án; các thủ tục pháp lý tại văn phòng công chứng…, nhưng cũng đồng thời làm tăng sự phức tạp trong thủ tục hành chính mà không có tác dụng làm giảm tranh chấp.

“Chẳng hạn, một gia đình làm sổ đỏ trước khi sinh các người con tiếp theo thì theo quy định này, các người con sau cũng phải được bổ sung vào sổ đỏ để có quyền đồng sở hữu như những người con trước, điều này khiến thủ tục hành chính thêm phức tạp”, luật sư Duẩn nêu dẫn chứng, đồng thời đưa ra kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần có hướng dẫn cụ thể để làm rõ thế nào là quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi vào “sổ đỏ” phải ghi thế nào cho chính xác, tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính vì phải đi chứng minh được quyền tài sản đó thuộc về ai trong gia đình khi có xung đột.

Cùng góc nhìn, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho hay, nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình thì tất cả các thành viên trong gia đình đó đều có quyền được đứng tên trên sổ đỏ, nhưng với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì cần phải xác định ai được ghi tên trên sổ này.

“Đơn cử, nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào việc xây nhà, mua đất thì việc cho những người con này cùng đứng tên trên sổ đỏ là hợp lý và ngược lại, nếu con cái còn nhỏ thì không có quyền đứng chung vào sổ đỏ của gia đình”, ông Đức nêu ví dụ, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp người dân điều chỉnh, thay đổi thông tin người có quyền tài sản đối với sổ đỏ đã được cấp trước đó.

Tin bài liên quan