Băn khoăn quy hoạch điện “mềm và linh hoạt”

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch điện VIII được lập trong bối cảnh đặc biệt, khi một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu được lập, thì cũng chưa được phê duyệt ngay.
Băn khoăn quy hoạch điện “mềm và linh hoạt”

Quan điểm chủ đạo “ngành điện luôn đi trước một bước”, hay “trong mọi hoàn cảnh, không để thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt ra đã được Hội thảo lần 1 lấy ý kiến xây dựng Quy hoạch điện VIII nhắc tới đầu tiên.

Đáng nói là, Quy hoạch điện VIII được lập trong bối cảnh đặc biệt, khi một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu được lập, thì cũng chưa được phê duyệt ngay, như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch Tổng thể quốc gia hay Quy hoạch Sử dụng đất… Ngay cả Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đang triển khai song song. Chính vì vậy, sẽ khó tránh khỏi yếu tố dự đoán và khả năng sẽ bị điều chỉnh trong tương lai.

Nếu Quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh ban hành vào tháng 7/2011 và tháng 3/2016 được cho là “khá cứng” khi ghi rõ công suất, địa điểm, tiến độ, lẫn nhà đầu tư triển khai, thì đang có quan điểm cần “linh hoạt, mềm mại” hơn khi làm Quy hoạch điện VIII.

 Song điều này khiến nhiều chuyên gia năng lượng băn khoăn, bởi một khi “mềm và linh hoạt”, hay nương theo mong muốn của nhà đầu tư tư nhân, mà không có công cụ đi kèm rõ ràng để cơ quan quản lý chiếu vào đó đốc thúc hay phạt nặng những chủ đầu tư chây ì, thì chuyện “có dự án, nhưng chẳng ra điện” là dễ nhận thấy.

Thực tế đã không có cá nhân hay địa phương, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi không ít dự án điện được ghi như pháp lệnh trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh không được thực hiện.

Cũng bởi cho rằng, các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không làm được sẽ gây thiếu điện cho những năm tới, nên hàng loạt dự án năng lượng tái tạo hay điện khí LNG đã được bổ sung cấp tập vào quy hoạch điện hiện hành. Điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho lưới truyền tải vì không được kịp thời bổ sung, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của dự án điện mới.

Trong 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng bình quân trên 10%/năm, Năm nay, do Covid-19, nên con số này hiện là 2%, song theo dự báo, trong 10 năm tới, mức tăng bình quân sẽ là 8%/năm.

Với tổng công suất lắp đặt hiện là 55.000 MW, muốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải nói trên, hàng năm sẽ cần thêm 4.500 - 7.000 MW nguồn điện mới đưa vào hệ thống. Ngoại trừ các dự án điện mặt trời có thời gian xây dựng bình quân 6-8 tháng như thời gian qua, thì các dự án điện gió cần 1,5-2 năm, hay điện khí LNG cần 4 - 5 năm thi công, chưa kể thời gian giải phóng mặt bằng sạch hay việc đảm bảo ổn định nguồn nhập khẩu LNG. Mặt khác, khi câu chuyện tài chính, cụ thể là giá điện chỉ kiến nghị chung chung “tăng 5-8% trong giai đoạn 2021-2030”, nhưng không có công cụ để đi đúng quy luật thị trường như lộ trình đề ra hay vẫn chấp nhận các loại giá FiT, bao tiêu hợp đồng… thì việc không thỏa mãn lợi ích sẽ khiến nhà đầu tư tư nhân khó lòng đảm bảo tiến độ dự án như Nhà nước mong muốn.

Khi đó, yêu cầu điện đi trước một bước, hay nhìn rộng hơn là an ninh năng lượng cho nền kinh tế, sẽ gặp thách thức lớn.

Tin bài liên quan