Ngân hàng lớn thường không muốn M&A ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nhưng ngân hàng nhỏ thực sự cần sự giúp đỡ của ngân hàng lớn.

Ngân hàng lớn thường không muốn M&A ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nhưng ngân hàng nhỏ thực sự cần sự giúp đỡ của ngân hàng lớn.

Băn khoăn ngân hàng yếu tự bơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh doanh thuận lợi và giá cổ phiếu ngân hàng cao ủng hộ xu hướng "tự bơi" của ngân hàng yếu, thay vì phải sáp nhập, nhưng tự bơi cũng cần có sức khỏe!

Ngân hàng nhỏ dừng kế hoạch M&A

Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cho biết, sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank).

Trước đó, tháng 4/2018, Đại hội đồng cổ đông PG Bank thông qua nội dung sáp nhập vào HDBank. Hai ngân hàng tích cực triển khai M&A, đàm phán các nội dung liên quan và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018, nhưng cho đến nay vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Theo PG Bank, thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Tại thời điểm 26/10/2020, PG Bank có 10.592 cổ đông, gồm 53 tổ chức (tỷ lệ nắm giữ 67,37%) và 10.539 cá nhân (32,59%). Mặc dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng tháng cuối cùng của năm 2020, PG Bank đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán và đưa cổ phiếu PGB lên giao dịch trên UPCoM vào ngày 24/12/2020.

Trong năm 2020, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019, trong đó, riêng quý IV đóng góp gần 90 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 19 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 12/2020, PG Bank có tổng tài sản 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2019; tiền gửi khách hàng tăng 13,2%, lên 28.738 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,3%, đạt 25.675 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, cuối năm 2020, Ngân hàng có tổng cộng 626 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, giảm 16,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 3,15% xuống 2,43%.

Trong khi PG Bank muốn dừng phương án sáp nhập vào HDBank thì thương vụ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) sáp nhập vào HDBank cũng bất thành, cho dù các kế hoạch đã được triển khai.

DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 8/2015 và không thành công khi xin ý kiến cổ đông về kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ trong kỳ Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 10/2019.

Số liệu đã kiểm toán cho thấy, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo Ngân hàng có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, DongA Bank muốn chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ đủ vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Mặt khác, theo báo cáo của đơn vị kiểm toán là Ernst & Young Việt Nam, cuối năm 2018, mức vốn ngoài ngân hàng và công ty con cần bổ sung là 33.480 tỷ đồng.

Tự tái cấu trúc

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng là một trong những ngân hàng nhỏ nói “không” với M&A khi từng từ chối sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho dù thương vụ này được cho là đã gần đi đến kết quả cuối cùng. Cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy TP.HCM muốn tái cấu trúc Ngân hàng bằng nội lực để từng bước phát triển.

Ngân hàng lớn thường không muốn M&A ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nhưng ngân hàng nhỏ thực sự cần sự giúp đỡ của ngân hàng lớn.

Năm 2020, Saigonbank đạt 121 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 33% so với năm 2019. Thời điểm cuối năm, Ngân hàng có tổng tài sản gần 23.943 tỷ đồng, tăng 5%; dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,1%, đạt 15.448 tỷ đồng; số dư tiền gửi khách hàng tăng 16,3%, đạt hơn 18.224 tỷ đồng; tổng nợ xấu giảm 21%, còn 223 tỷ đồng (tất cả phân loại nợ xấu đều giảm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 1,94% xuống 1,44%).

Chủ tịch Saigonbank Vũ Quang Lãm cho biết, Ngân hàng đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II, đang triển khai thực hiện 2 trụ cột còn lại, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên mức 15%.

Saigonbank hiện có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng và chịu áp lực thoái vốn của cổ đông lớn trong thời gian gần đây nên Ngân hàng khó tăng năng lực tài chính. Cổ đông lớn nhất là Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16% vốn, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM sở hữu hơn 14%.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 quy định, một tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 15% vốn tại một ngân hàng. Thành uỷ TP.HCM đang sở hữu quá số vốn tối đa theo quy định tại Saigonbank, nhưng việc thoái vốn gặp khó khăn.

Thành uỷ TP.HCM còn có khoản góp vốn tại DongABank, là cổ đông lớn thứ ba khi sở hữu 6,87% vốn, chỉ sau Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Hiện tại, các hoạt động tại DongA Bank, đặc biệt liên quan tới góp vốn, mua cổ phần gần như đóng băng, bởi ngân hàng này đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Giai đoạn 2011 - 2014, lợi nhuận sau thuế của DongA Bank giảm dần, từ 947 tỷ đồng (năm 2011) xuống 328 tỷ đồng (năm 2013). Thông tin gần như cuối cùng về lợi nhuận Ngân hàng được biết tới là năm 2017, vỏn vẹn 27 tỷ đồng.

Việc Thành uỷ TP.HCM khó thoái vốn khỏi DongA Bank, có thể phải chờ tới khi Ngân hàng trở lại hoạt động bình thường, thậm chí mất trắng khoản vốn đầu tư trong trường hợp xấu xảy ra, khiến trên thị trường đang xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ sớm sáp nhập vào một nhà băng khác và cổ đông cũng kỳ vọng vào điều này. Thế nhưng, việc mua lại DongA Bank về lý thuyết đòi hỏi nhà đầu tư phải có một lượng “tiền tươi, thóc thật” lên đến gần 35.000 tỷ đồng để bù đắp tình trạng âm vốn, lỗ lũy kế của Ngân hàng, nên khả năng trở thành hiện thực không cao.

Chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ngân hàng lớn thường không muốn M&A ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nhưng ngân hàng nhỏ thực sự cần sự giúp đỡ của ngân hàng lớn.

Thực tế, với các ngân hàng Oceanbank, CBBank, GPBank sau khi buộc phải bán với giá 0 đồng do hoạt động thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương đưa người của 3 nhà băng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV vào để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và tình hình hoạt động có dấu hiệu được cải thiện.

Một cán bộ trong ngành ngân hàng cho rằng, chủ trương M&A trong quá trình ngành ngân hàng “đại phẫu” là tự nguyện tham gia, nhưng các ngân hàng cần thiết phải tham gia và thực hiện với tinh thần cố gắng, quyết liệt nhất. Sau sáp nhập, các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng như nhà băng lớn không mất mát gì, mà mạng lưới được mở rộng. Mặc dù vậy, các ngân hàng lớn nhận sáp nhập phải xử lý khối lượng nợ xấu từ các nhà băng nhỏ, khiến lợi nhuận đi xuống do tăng trích lập dự phòng.

Tin bài liên quan