DN chịu thiệt hại khi tổn thất xảy ra do công trình xây dựng bị kéo dài mà không tiến hành gia hạn hợp đồng bảo hiểm thì đã đành, nhưng DN còn chịu thiệt hại khi thời hạn hợp đồng bảo hiểm vẫn còn, nếu công trình đã được hoàn thành trước thời hạn.
Trường hợp thứ nhất, một khách hàng DN mua bảo hiểm cho việc xây dựng chuỗi khách sạn, nhà hàng cao cấp, thời gian bảo hiểm là 36 tháng kể từ ngày 15/10/2007 của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Hà Nội. Đã có 3 trong 5 khu biệt thự được xây dựng xong và bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 1/10/2009. Không may, trong cơn bão vừa qua, DN bị một số thiệt hại về tốc mái đối với 2 ngôi nhà thuộc khu biệt thự đã đưa vào sử dụng và đổ 1 bức tường đối với khu biệt thự đang xây dựng. DN liên hệ với công ty bảo hiểm và được trả lời là sẽ chỉ bồi thường cho bức tường bị đổ tại khu biệt thự đang xây dựng. DN thắc mắc không biết cách giải quyết như trên của công ty bảo hiểm có hợp tình hợp lý? Làm thế nào để 3 khối biệt thự vẫn được bảo hiểm?
Một luật sư chuyên nghiên cứu về bảo hiểm cho biết, quy tắc bảo hiểm được xây dựng bởi các công ty bảo hiểm trên thị trường hiện nay đều có quy định đối với những bộ phận, những hạng mục công trình đã được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng. Theo đó, trách nhiệm của công ty bảo hiểm đối với từng bộ phận, từng hạng mục công trình sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bàn giao hoặc đưa vào sử dụng, ngay cả khi thời hạn bảo hiểm cho toàn bộ công trình vẫn còn hiệu lực. Do đó, khi DN nêu trên xây dựng xong và đưa vào sử dụng 3 trong 5 khối biệt thự thì giai đoạn xây dựng của 3 khối biệt thự đó coi như kết thúc.
"Trách nhiệm của công ty bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm xây dựng kết thúc đối với 3 trong số 5 khối biệt thự đã hoàn thành kể từ ngày 1/10/2009. Căn cứ đơn bảo hiểm xây dựng đã cấp và tiến độ thực hiện xây dựng trên thực tế của công trình, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường cho việc đổ tường đối với khu nhà đang xây dựng của khách hàng trên là đúng", vị luật sư trên khẳng định và khuyến nghị, để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, DN cần mua bảo hiểm tài sản cho 3 khối biệt thự đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trường hợp thứ hai, một DN kinh doanh du lịch tham gia mua hợp đồng bảo hiểm xây dựng cho công trình xây dựng resort cao cấp, thời hạn bảo hiểm bắt đầu từ ngày khởi công cho đến khi công trình hoàn thành, nhưng không quá 24 tháng. Công trình được khởi công ngày 14/5/2007 và tiến độ thi công được phê duyệt là 24 tháng. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn về tiến độ giải ngân vốn vay nên công trình bị chậm thi công vài tháng. DN dự tính kéo dài thời gian xây dựng đến cuối năm nay, nhưng không biết hợp đồng bảo hiểm có được gia hạn hay không?
Trả lời thắc mắc này, đại diện Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, nếu trong hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận nào khác thì đơn bảo hiểm xây dựng của DN sẽ tự động chấm dứt hiệu lực bảo hiểm sau 24 tháng kể từ ngày công trình được khởi công, nghĩa là kết thúc vào ngày 14/5/2009. Nếu DN muốn gia hạn hợp đồng bảo hiểm thì phải được công ty bảo hiểm đồng ý bằng văn bản và DN đóng phí bổ sung cho thời hạn kéo dài. Bằng không, những tổn thất xảy ra đối với công trình sau ngày 14/5/2009 sẽ không được công ty bảo hiểm giải quyết.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, không có cách nào khác là DN phải hoàn thiện các thủ tục kéo dài thời hạn bảo hiểm và đóng phí bổ sung cho thời hạn kéo dài. Ông Lộc cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và gần đây nhất là Thông tư số 86/2009/TT-BTC ngày 28/4/2009 của Bộ Tài chính đã quy định rõ điều kiện để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, nếu khách hàng chậm chễ trong việc đóng phí hoặc không đóng đủ phí theo đúng quy định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc chỉ đến khi bị tổn thất rồi mới đóng phí thì khách hàng sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường, do hợp đồng bảo hiểm không còn hiệu lực. Theo ông Lộc, khi tham gia bảo hiểm, khách hàng cần đọc kỹ các điều kiện bảo hiểm để hiểu đúng và tham gia các sản phẩm bảo hiểm phù hợp.