Băn khoăn cơ chế điều hành Quỹ bình ổn

Băn khoăn cơ chế điều hành Quỹ bình ổn

(ĐTCK) Việc điều hành thị trường xăng dầu vẫn còn biểu hiện chưa minh bạch khi liên bộ chưa bao giờ định kỳ công bố chi tiết số dư của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Liên quan đến đời sống của hàng chục triệu người và hoạt động sản xuất - kinh doanh của hầu hết DN, nên quyết định tăng giá xăng dầu ngày 28/3 chiếm quá nửa thời gian hỏi đáp giữa báo giới với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cũng như lãnh đạo các bộ khác tại Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ cuối tuần qua.

Băn khoăn cơ chế điều hành Quỹ bình ổn ảnh 1Sắp tới, việc công khai số dư của Quỹ bình ổn sẽ được tính toán thực hiện

Biểu hiện giật cục

Với mức tăng tới 1.430 đồng/lít xăng, theo nhìn nhận của DN, người dân là có biểu hiện giật cục, bởi mức tăng này cao kỷ lục so với nhiều lần tăng giá xăng dầu gần đây.

Theo ông Đam, lẽ ra vào cuối tháng 2/2013, giá xăng dầu đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nhận thấy nếu tăng giá mặt hàng này sẽ tác động tiêu cực đến kiểm soát lạm phát, nên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ triển khai các giải pháp phù hợp, nhằm ổn định giá xăng dầu. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 này, chênh lệch giá cơ sở và giá thị trường lớn, trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn, nên quyết định tăng giá xăng dầu là phù hợp...

Lý giải về mức tăng giá xăng dầu cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, mức tăng này là hợp lý, bởi đúng bằng mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá thị trường sau khi đã được tính toán kỹ lưỡng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao liên Bộ không hạ thuế nhập khẩu xăng từ mức 12% hiện hành, để mức tăng giá không quá cao? Bà Mai lập luận, theo quy định hiện hành về điều hành thị trường xăng dầu, thì với mặt bằng giá hiện nay, Nhà nước có thể áp thuế nhập khẩu xăng lên tới 20%, nên việc giảm thuế là không phù hợp.

Tuy nhiên, có thể thấy việc điều hành thị trường xăng dầu vẫn còn biểu hiện chưa minh bạch. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc liên bộ Tài chính - Công thương chưa bao giờ định kỳ công bố chi tiết số dư của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy khó có đủ cơ sở thuyết phục, để người dân giám sát giá xăng dầu tăng có hợp lý hay không. Bà Mai thừa nhận, việc chưa thường xuyên công khai số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã tác động không lành mạnh đến nỗ lực minh bạch hoạt động điều hành thị trường xăng dầu. Sắp tới, việc công khai số dư của Quỹ sẽ được tính toán thực hiện, để người dân có cơ sở giám sát điều hành giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề nghị liên bộ Tài chính - Công thương cần rút kinh nghiệm sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 28/3. Lý do là bởi thời điểm tăng giá vào 8 giờ tối, nên điều kiện để báo giới tác nghiệp, nhất là tìm hiểu sâu thông tin từ phía các cơ quan quản lý không thuận lợi, nên dễ dẫn đến xuất hiện thông tin suy diễn, phản ánh không xác thực hoạt động điều hành giá xăng dầu.

 

Ổn định vĩ mô: Chưa hết lo

Tình hình kinh tế vĩ mô tháng 3/2013, theo đánh giá của Chính phủ, có thêm nhiều diễn biến tích cực: CPI giảm sau 7 tháng tăng liên tục. Có gần 7.650 trong số 13.000 DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã hoạt động trở lại trong quý I/2013... Mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm ngoái, đồng thời lạm phát thấp hơn đề ra cho năm nay đã bước đầu đạt được, khi tăng trưởng GDP quý I/2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái...

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, vẫn còn khá nhiều mối lo trong nỗ lực ổn định vĩ mô. Là chỗ dựa vững chắc cho tăng trưởng GDP, cũng là khu vực giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong quý I/2013 có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2013 ước tăng 4,9%, trong khi cùng kỳ năm 2012 tăng 5,9%. Lãi suất cho vay giảm nhẹ, nhưng còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN...

Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp đã được đề cập tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Đưa mặt bằng lãi suất giảm thêm để DN thực sự tiếp cận được...

Theo ông Đam, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC), dự thảo Nghị định về thành lập AMC đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013. Tuy nhiên, Dự thảo mới tập trung xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng với nhau, nên nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ bày tỏ chưa yên tâm về khả năng xử lý nợ xấu, do đó đề nghị cần bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu giữa ngân hàng và DN. Chính phủ đã giao NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh Dự thảo, đảm bảo sau khi Nghị định được ban hành sẽ phát huy hiệu quả lớn trong xử lý nợ xấu.

“Với tiến độ hoàn chỉnh chính sách như hiện tại, trong tháng 4 tới chưa thể thành lập AMC. Dự kiến, Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị định thành lập AMC trong phiên họp thường kỳ tháng 4 tới, trước khi ban hành để triển khai...”, ông Đam cho hay.                                                                    

 

“Mức tăng quá mạnh”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng giảm, nên các DN, hiệp hội ngành hàng đang chờ đợi giá xăng dầu trong nước giảm, qua đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho các DN. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi ngày 28/3, liên bộ Tài chính - Công thương quyết định tăng giá xăng dầu, trong đó xăng tăng mạnh nhất thêm 1.430 đồng/lít. Việc điều chỉnh giá xăng sát với giá thế giới là dễ hiểu, nhưng tăng với mức sốc và đột ngột như lần này thì nền kinh tế, DN sẽ đối mặt thêm với không ít tác động tiêu cực.

Với việc xăng tăng giá cao, các DN vận tải taxi đang lên phương án tăng giá cước thêm 3 - 4%. Riêng các DN vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, do đang ở trong tình trạng cung vượt cầu, nên rất khó tăng giá cước. Điều này làm gia tăng sức ép lên các DN trong bối cảnh họ đang vật lộn với quá nhiều khó khăn.

 

“Xác định sống chung với lũ”

Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - VNS)

Việc tăng giá xăng dầu về cơ bản sẽ làm tăng chi phí đầu vào của Công ty, nhưng Vinasun chủ trương chia sẻ khó khăn với người dân, nên trước mắt sẽ không tăng giá cước taxi.

Nhìn lại năm 2012, chúng ta thấy có tới 12 lần tăng giá xăng dầu. Nếu việc hoạch định kế hoạch kinh doanh bấp bênh theo mỗi lần điều chỉnh giá như vậy thì sẽ rất khó khăn. Năm 2013 mới có một lần tăng giá thì có thể chưa gây khó cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi xác định phải “sống chung với lũ” về vấn đề này rồi. Công ty có một quỹ dự phòng cho những lần biến động giá xăng dầu để có thể đảm bảo kế hoạch kinh doanh ổn định. Đây là lý do đến thời điểm này, chúng tôi vẫn tự tin với kế hoạch 2.881 tỷ đồng doanh thu, 179,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù đây là phương án có trước khi giá xăng dầu bị điều chỉnh.

 

“Cần tính toán lại phương án dự trữ xăng dầu”

TS. Quách Đức Pháp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Là mặt hàng có tác động đến hầu hết các ngành sản xuất, cũng như tâm lý của người dân, nên việc tăng giá xăng cần được tính toán kỹ lưỡng, để phù hợp với diễn biến giá thế giới, đồng thời hài hòa lợi ích của DN kinh doanh xăng dầu, Nhà nước và người tiêu dùng.

Với mức tăng giá xăng khá cao lần này, có phần khiến DN, người tiêu dùng khó hiểu, bởi giá xăng dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm. Từ thực tiễn này cho thấy, cần tính toán lại phương án dự trữ xăng dầu, để tránh hiệu ứng ngược, đó là khi xăng dầu thế giới giảm, thì trong nước lại tăng và ngược lại. Nên linh hoạt hơn trong tổ chức dự trữ xăng dầu, để vừa đảm bảo nguồn cung, nhưng đồng thời khi giá thế giới giảm, thì giá trong nước cũng phải giảm nhanh tương ứng và ngược lại, tránh độ trễ khá dài như hiện tại.

 

“Chúng tôi đã hết khả năng chia sẻ với khách hàng”

Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hoàng Hà (HHG)

Thông thường, việc tăng giá xăng dầu sẽ sớm dẫn đến điều chỉnh giá cước vận tải, với Hoàng Hà cũng vậy. Chúng tôi đã cố gắng chia sẻ với người dân, nhưng đến bây giờ khó có sức để chia sẻ nữa. Vì thế, diễn biến tăng giá xăng dầu sẽ phải được điều chỉnh tuơng ứng vào giá cước vận tải.

Tôi cho rằng, điều hành vĩ mô về giá xăng dầu như hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý. Việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến người dân và DN, vì chi phí vận tải cũng là yếu tố cấu thành chi phí đầu vào của DN nói chung. Đáng ra, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu ấm dần lên thì cần tiếp tục có những cú huých để thực sự hồi phục, nhưng việc tăng giá xăng lần này sẽ tạo ra những hiệu ứng ngược chiều.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Hoàng Hà đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng. Riêng về kế hoạch lợi nhuận, chúng tôi cũng chưa thể chắc chắn điều gì trong bối cảnh này.