Động thái gần đây được thị trường quan tâm là ngày 27/12/2016, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về việc thay đổi điều lệ Công ty. Cụ thể, thay đổi người đại diện theo pháp luật từ Tổng giám đốc sang Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trong số 135 phiếu ý kiến trả lời, có 130 phiếu tán thành và 5 phiếu không có ý kiến. Với tỷ lệ biểu quyết tán thành đạt 66,305% vốn điều lệ, Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản của Vĩnh Hoàn đã thông qua việc thay đổi Điều lệ liên quan đến người đại diện theo pháp luật.
Có phải Tổng giám đốc VHC không có thực quyền và chưa đủ khả năng để những người sáng lập và là cổ đông lớn nhất yên tâm “gửi gắm”?
Theo đó, ngày 29/12/2016, Công ty đã công bố Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 12, cập nhật thay đổi về người đại diện theo pháp luật, từ bà Nguyễn Ngô Vi Tâm sang bà Trương Thị Lệ Khanh.
Trước đó, đầu năm 2016, bà Trương Thị Lệ Khanh đã chuyển giao ghế Tổng giám đốc cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, động thái này gửi tới các cổ đông thông điệp rằng: Vĩnh Hoàn tiến một bước trong quá trình hoàn thiện quản trị công ty, tách bạch ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và đủ mạnh sẽ dẫn dắt Công ty hoàn thành các chiến lược, mục tiêu lớn mà Hội đồng quản trị đặt ra, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông. Điều này cũng thể hiện quan điểm quản trị hiện đại của bà Khanh và Công ty khi sẵn sàng chào đón và phát triển các tài năng mới trong hành trình tương lai.
Về việc thay đổi điều lệ Công ty tại Vĩnh Hoàn, một số nhà đầu tư đặt câu hỏi, cuộc chuyển giao quyền lực tại công ty này liệu chỉ có ý nghĩa trên giấy? Có phải Tổng giám đốc không có thực quyền và chưa đủ khả năng để những người sáng lập và là cổ đông lớn nhất như bà Khanh yên tâm “gửi gắm”?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia về quản trị công ty cho rằng, về mặt quản trị công ty, đại diện theo pháp luật không phải là chức danh quan trọng, quan trọng hơn là xem xét kỹ cơ chế điều hành của Tổng giám đốc, cơ chế ủy quyền của người đại diện theo pháp luật, mà ở đây là bà Khanh cho bà Tâm.
Nếu không gian dành cho Tổng giám đốc vẫn đủ lớn, để họ chủ động, sáng tạo và điều hành hiệu quả nhằm đạt những mục tiêu mà Hội đồng quản trị đặt ra, không thể coi việc chuyển giao người kế nhiệm là “trên giấy”.
Chủ tịch công ty giữ quyền đại diện theo pháp luật ở một số góc độ là thể hiện tính chịu trách nhiệm cuối cùng của họ với doanh nghiệp. Theo luật, trong trường hợp doanh nghiệp có sai sót, người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý, cơ quan chức năng sẽ “túm” vị chủ tịch doanh nghiệp để quy trách nhiệm trong những trường hợp này.
Chuyển những băn khoăn của nhà đầu tư tới bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn, bà Tâm cho biết, trước khi thực hiện thay đổi điều lệ Công ty, Vĩnh Hoàn đã tham vấn các luật sư và các quy định về quản trị công ty.
Theo đó, Vĩnh Hoàn không có xung đột lợi ích hay thể hiện việc chưa tách bạch chức năng của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Tại Vĩnh Hoàn, Tổng giám đốc được ủy quyền ra nhiều quyết định quan trọng, được phê duyệt các hạn mức tài chính, ký kết các hợp đồng của Công ty. Bao quát hơn, Ban điều hành Vĩnh Hoàn có sự chủ động trong việc lập kế hoạch và thực thi các giải pháp để đạt được kế hoạch đã đề ra.
Việc thay đổi điều lệ Công ty xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi nhằm tạo sự thuận tiện trong các giao dịch với ngân hàng, đối tác…
Chuyên gia quản trị tại một công ty kiểm toán thuộc nhóm “Big 4” cho biết, trên thực tế, hệ thống doanh nghiệp ở nước ngoài không có khái niệm người đại diện theo pháp luật, mà chỉ tồn tại ông chủ doanh nghiệp và người điều hành (người làm thuê) cho ông chủ.
Theo vị chuyên gia trên, trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, dùng người phải tin người, nhưng dù có tin nhau đến đâu, các ông chủ doanh nghiệp cũng thực hiện phân quyền cho tổng giám đốc đến một mức độ nào đó.
Chẳng hạn, tổng giám đốc được phép duyệt hạn mức chuyển tiền 20 tỷ đồng, trên hạn mức này, chỉ có ông chủ doanh nghiệp được phê duyệt. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định pháp luật để xử lý công việc, các ngân hàng lại không chấp nhận các giao dịch được chủ tịch công ty phê duyệt, nếu trường hợp vị chủ tịch đó không phải người đại diện theo pháp luật của công ty.
Dẫu vậy, băn khoăn của thị trường về câu chuyện quản trị tại các doanh nghiệp khi có sự thay đổi điều lệ công ty như trường hợp Vĩnh Hoàn không hiếm. Bởi ở không ít doanh nghiệp Việt, ghế tổng giám đốc chỉ mang danh, còn quyền lực thực sự, việc điều hành lại nằm trong tay chủ tịch công ty. Sự lẫn lộn chức năng của Hội đồng quản trị và Ban điều hành khá phổ biến.
Ông Đoàn Đức Thuận, chuyên gia Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị cho rằng, theo xu hướng hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn lên sẽ phải tách bạch hai chức năng trên càng sớm càng tốt. Đã dùng người thì phải tin người, nếu cứ “ôm đồm”, các ông chủ sẽ khó đưa doanh nghiệp tiến bước xa được.