Ban hành quy trình cấp ''Hộ chiếu vắc-xin''

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về việc ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc-xin”.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, “Hộ chiếu vắc-xin” được cấp cho người đã tiêm đủ số mũi với 8 loại vắc-xin Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận “Hộ chiếu vắc-xin” được cấp sử dụng định dạng mã QR và có giá trị trong 1 năm kể từ khi được cấp.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình cấp "Hộ chiếu vắc-xin" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước, bao gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ số mũi vắc-xin Covid-19 với 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

“Hộ chiếu vắc-xin” hiển thị các thông tin: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc-xin; sản phẩm vắc-xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc-xin; mã số của chứng nhận.

Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Theo Bộ Y tế, quyết định số 5772/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 20/12/2021.

Theo Người phát ngôn, Bộ Giao ngoai Việt Nam, tính đến đầu tháng 12/2021 có một số các đối tác, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vắc-xin. Ấn Độ, Canada cũng đã nhất trí về mặt nguyên tắc.

Một số đối tác khác trong đó có các nước ASEAN, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xem xét tích cực và chờ phía Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vắc-xin thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.

Về phía Việt Nam, tính đến ngày 8/12, Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc-xin của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Đây là cơ sở để người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Trước đó, trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 2/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng nhấn mạnh, hộ chiếu vắc-xin là công cụ để mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế -xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.

Điều kiện mở chuyến bay phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân để miễn dịch cộng đồng... "Quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối", ông Đông nói.

Tin bài liên quan