Bán hàng đa cấp bất chính: Sẽ tăng nặng hình phạt

Bán hàng đa cấp bất chính: Sẽ tăng nặng hình phạt

(ĐTCK) "Có những bước phát triển tích cực sau hơn 12 năm xuất hiện tại Việt Nam, nhưng khi nhắc tới bán hàng đa cấp, vẫn còn không ít người cho rằng đây là hình thức ‘lừa đảo’. Tại sao vậy?”.

Bán hàng đa cấp bất chính: Sẽ tăng nặng hình phạt  ảnh 1

Pháp luật Việt Nam quy định, dù là bán hàng đa cấp phải gắn liền với hàng hóa thực

 

Luật sư Võ Đan Mạch, Phó chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp nêu câu hỏi và tự nhìn nhận: Bởi lẽ bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, vẫn còn không ít doanh nghiệp và cả nhà phân phối lợi dụng phương thức kinh doanh này để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho cả người tham gia và người tiêu dùng. 

Đặc biệt, những vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây như Công ty Agel sụp đổ hay MB24, CTCP Đầu tư Tâm Mặt Trời và CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt bị khởi tố vì có hành vi kinh doanh lừa đảo, lại càng tác động tiêu cực đến mô hình bán hàng đa cấp chân chính. Tuy nhiên, Luật sư Võ Đan Mạch cho rằng, đã có một số nhầm lẫn, bán hàng đa cấp hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của các công ty trên.

Pháp luật Việt Nam quy định, bán hàng đa cấp phải gắn liền với hàng hóa và phải được cấp phép bán hàng đa cấp, phải có hợp đồng với nhà phân phối và chương trình trả thưởng có lợi ích cho người tham gia…, còn trong trường hợp của MB24, ngay từ khái niệm ban đầu, nó đã là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, không phải là công ty bán hàng đa cấp. Hình thức lừa đảo của MB24 là lừa lấy tiền của người sau trả cho người trước, phần chênh lệch chảy vào túi các lãnh đạo công ty.

“Chính số lượng người mơ làm giàu nhanh hoặc thiếu hiểu biết, bị dụ dỗ lôi kéo bằng viễn cảnh ‘ngồi không đếm tiền’ đã vô tình tiếp tay cho lãnh đạo MB24”, ông Mạch nói.

Đứng ở góc độ nhà quản lý, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xử nhiều trường hợp lừa đảo hình tháp như các vụ Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday…, nhưng trong những vụ này, dư luận và ngay cả một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có sự nhầm lẫn khi coi hành vi lừa đảo nói trên là một dạng hình thức bán hàng đa cấp. Tình trạng này dẫn đến nhận thức tiêu cực về ngành bán hàng đa cấp nói chung cũng như những bất cập trong việc áp dụng quy định phù hợp của pháp luật để xử lý nghiêm minh.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, nhưng thực tế trong quá trình quản lý đã phát sinh một số điểm còn hạn chế trong quy trình cấp giấy phép đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp; chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh hay một số phát sinh trong công tác quản lý nhưng chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh như lôi kéo mạng lưới giữa các doanh nghiệp, sử dụng mô hình trả thưởng bất chính, áp dụng phương thức kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ,… Còn Luật sư Mạch cho rằng, hàng hóa tham gia bán hàng là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt mô hình bán hàng đa cấp đúng đắn (hàng có nguồn gốc xuất xứ, thông tin về công dụng và thành phần…). Vì vậy, những hình thức thương mại điện tử đầu tư bất hợp pháp không có hàng hóa để bán, hay kinh doanh dịch vụ là bán hàng đa cấp không chân chính.

Tại buổi Tọa đàm “Các hình thức kinh doanh bất hợp pháp - Lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp” mới được tổ chức tại TP. HCM, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, bán hàng đa cấp còn mới ở Việt Nam nên khi soạn thảo Luật về bán hàng đa cấp mới chỉ có quy định hàng hóa là đối tượng của kinh doanh bán hàng đa cấp, còn dịch vụ thì không được coi là bán hàng đa cấp. Để giúp người dân phân biệt tốt hơn đâu là bán hàng đa cấp biến tướng, ông Mừng đưa ra lời khuyên, nếu có bất cứ doanh nghiệp nào nói phải bỏ ra một lượng tiền hoặc tham gia mua hàng không cần thiết thì người dân phải ngay lập tức nghĩ ngay đến đó là loại hình kinh doanh lừa đảo.

“Những mô hình lừa đảo này phát triển rất nhanh ở các địa phương dân trí còn hạn chế”, ông Mừng nói và cho biết, tới đây các cơ quan chức năng sẽ thay đổi mức ký quỹ đối với những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, vì với mức ký quỹ như hiện nay không đủ để giải quyết các vấn đề nếu có sự cố xảy ra và tăng nặng các hình phạt đối với doanh nghiệp vi phạm.