Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lê Quân
Ngày 20/9, tại TP.HCM, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và xã hội Quốc gia Lào (LASES) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ các nước coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.
Thúc đẩy kinh tế số sẽ mở ra các cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình phát triển, mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tại hội thảo các nhà khoa học đều có chung nhận định, tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia là rất lớn, song kết quả đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên.
Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế quốc tế - Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, tăng trưởng thương mại của 3 nước thiếu tính ổn định và đồng đều giữa các vùng, các địa phương.
Cả 3 nước chưa có chuỗi cung ứng hàng hóa theo ngành quy mô lớn tầm khu vực. Lĩnh vực có tiềm năng phát triển là trồng cao su, điều; sản xuất thức ăn gia súc dù có nhiều dự án nhưng chưa có dự án đầu tư quy mô lớn của các bên. Thương mại vùng biên cũng đang gặp khó khăn về thể chế, hạ tầng và tình trạng buôn lậu.
Các diễn giả cùng bàn thảo các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số giữa Việt Nam, Lào, Campuchia - Ảnh: Lê Quân |
Từ thực trạng này bà Ngọc đề xuất nên tổ chức diễn đàn thương mại định kỳ giữa 3 bên, rà soát các hiệp định thương mại song phương để đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đạt hiệu quả hơn.
Về cơ cấu thương mại cần thúc đẩy các mặt hàng mà mỗi nước có thế mạnh. Ví dụ Lào không có đường biển thì nhập khẩu các sản phẩm hải sản từ Việt Nam. Campuchia có thế mạnh về nông sản thì Việt Nam có thể nhập khẩu từ Campuchia.
Tương tự, Tiến sĩ Ky Sereyvath, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) chỉ ra rằng hạn chế thương mại liên ngành giữa Campuchia, Việt Nam, Lào trong thời đại kỹ thuật số bao gồm hạn chế sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng qua di động, hạn chế dịch vụ internet, hạn chế về khả năng sử dụng công nghệ thanh toán mới, thiếu tính bảo mật trong thương mại điện tử.
Ông cho rằng để kế hoạch đầu tư chiến lược trong khu vực Đông Dương thành công, Campuchia, Lào và Việt Nam phải khởi xướng hợp tác toàn diện để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.