Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đức Quang dẫn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm sàn giao dịch trong ngày đầu tiên khai mở, 20 tháng 7 năm 2000

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đức Quang dẫn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm sàn giao dịch trong ngày đầu tiên khai mở, 20 tháng 7 năm 2000

Bản đề án đầu tiên về thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã là một tòa lâu đài khá hùng vĩ, qua nhiều lần tái cơ cấu, sửa đổi, bổ sung, dấu ấn của những viên gạch đầu tiên hình như bị phai mờ.

Một buổi chiều tháng 8/1992, trong khi đang tìm cách đưa hoạt động của Trung tâm phòng ngừa rủi ro của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tới được tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố, tôi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Văn Trữ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM bảo tôi sang Văn phòng UBND Thành phố dự một cuộc họp khẩn bàn về thị trường chứng khoán.

Đó là cuộc họp liên tịch của Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban, có cả đại diện các sở, ban, ngành, do ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì. Cuộc họp chủ yếu đặt ra vấn đề cấp thiết từ nhu cầu vốn cho nền kinh tế chứ không có tài liệu, cũng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Tuy vậy, cuộc họp vẫn rất sôi nổi, có nhiều ý kiến đồng tình với Chủ tịch, muốn Thành phố có một trung tâm giao dịch chứng khoán để tạo vốn cho các doanh nghiệp, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra hoài nghi “chế độ xã hội chủ nghĩa làm gì có thị trường chứng khoán”.

Thị trường chứng khoán là một định chế liên quan trực tiếp đến tài sản của dân, do đó đã làm là phải làm thiệt, không làm thử, không thí điểm.

- Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đến chập tối, Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận: “Thành phố sẽ xin Chính phủ tổ chức thí điểm một thị trường chứng khoán để làm tiền đề cho chương trình cổ phần hóa và huy động vốn cho nền kinh tế, với tên gọi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM”.

Ban chỉ đạo được thành lập,  gồm 9 thành viên, do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM là ủy viên thường trực và một Ban soạn thảo Đề án, gồm 5 thành viên, do anh Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố làm Trưởng ban và tôi là một thành viên trong đó. Cuộc họp tuy đã kết thúc, nhưng nhiều người vẫn xúm lại với nhau thành nhóm tiếp tục bàn luận.

Chiều hôm sau, Ban soạn thảo Đề án họp, dưới sự chủ trì của anh Trần Du Lịch, chúng tôi đã thống nhất, bố cục Đề án có ba phần: phần lý luận về thị trường tài chính, thị trường vốn do anh Trần Du Lịch chịu trách nhiệm; phần cơ chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giao dịch chứng khoán do tôi chịu trách nhiệm; phần pháp quy liên quan tới các ban, ngành do anh Nguyễn Dư, Trưởng phòng Ủy ban Kế hoạch (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm. Sau 4 tuần, mỗi người phải hoàn thành phần việc của mình, gửi về Viện Kinh tế Thành phố để tổng hợp, hình thành đề án chung.

Thực hiện phần việc của mình, tôi vào kho lưu trữ và thư viện của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (cũ) tìm tư liệu thì tìm được một bản đề án thành lập thị trường chứng khoán giao dịch trái phiếu của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (miền Nam), do một nhóm chuyên gia Mỹ viết năm 1974, đã được dịch ra tiếng Việt và tập sách “Hỏi đáp về thị trường chứng khoán và công ty cổ phần” của tác giả Trần Xuân Kiêm, phát hành năm 1990.

Dựa trên các tài liệu này và tư duy cá nhân, tôi hình dung ra: một trung tâm giao dịch chứng khoán, hoạt động theo phương thức đấu giá tập trung, giao dịch bởi các thành viên là các công ty môi giới chứng khoán, được điều hành bởi một ban giám đốc, dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Chứng khoán quốc gia.

Tháng 11/1992, TP.HCM cử một đoàn 5 người đi nghiên cứu thị trường chứng khoán Hồng Kông, Singapore và Malaysia, trong đó có anh Trần Du Lịch và tôi. Sau một tuần ở nước ngoài, chúng tôi được các sở giao dịch tận tình giải thích các khái niệm, các khâu cơ bản trong cơ cấu tổ chức và giao dịch của thị trường chứng khoán giao dịch tập trung, đưa đi thăm một số định chế tài chính liên quan đến thị trường và họ cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu quý. Khi về nước, tôi đã bổ sung, chỉnh sửa khá nhiều vấn đề trong phần viết của mình.

Bản đề án đầu tiên về thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 1

 Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã là một tòa lâu đài khá hùng vĩ

Đến tháng 6/1993, bản đề án chung hoàn thành, Chủ tịch UBND TP.HCM trình lên Chính phủ và ngay cuối tháng 6, Chính phủ đã có một cuộc họp thảo luận về đề án này.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó kết luận: “Thị trường chứng khoán là một định chế liên quan trực tiếp đến tài sản của dân, do đó đã làm là phải làm thiệt, không làm thử, không thí điểm; thị trường chứng khoán là của cả nước, chứ không thể là của riêng của TP.HCM”. Cuối cùng, Thủ tướng giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, ngành ngân hàng có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, Thống đốc Cao Sĩ Kiêm quyết định thành lập nhóm nghiên cứu soạn thảo đề án về thị trường chứng khoán, do Phó thống đốc Lê Văn Châu chỉ đạo, chủ nhiệm đề án là bà Dương Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu kinh tế và ông Nguyễn Văn Trữ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, nhóm biên soạn gồm 4 người: tôi làm nhóm trưởng và các thành viên là chị Võ Thị Vượng, anh Nguyễn Đồng Tiến và anh Nguyễn Đoan Hùng.

Thông tin trên ngay lập tức được báo giới đăng tải rầm rộ. Việc Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán như một thông tin sốt nóng đối với báo giới. Thời kỳ đó, cùng với việc nghiên cứu thành lập thị trường chứng khoán, tôi (Trưởng nhóm nghiên cứu) còn được giao nhiệm vụ tiếp các nhà báo và khách nước ngoài.

Có một lần, tôi tiếp phóng viên đài BBC và mấy ngày sau, Đài BBC và Tạp chí Review phát và đăng tải thông tin: “Tại một căn phòng nhỏ trong một tòa nhà ngân hàng được xây dựng từ thời thuộc Pháp, ông BNH, một con người tầm thước, với cặp kính cận khá dày, đang viết một đề án, để xây dựng một định chế tài chính đặc trưng tư bản, nhằm đánh đổ cơ chế kinh tế theo kiểu Stalin - Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM”. Sau đó, nhiều tờ báo khác của nước ngoài đưa lại thông tin này.

Tháng 4/1993, sau 2 tháng kể từ ngày thành lập nhóm đề án, tôi thay mặt nhóm trình bày Đề án về Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trước Hội nghị toàn ngành ngân hàng tại TP.HCM do Thống đốc Cao Sĩ Kiêm chủ trì.

Tháng 11/1993, Thống đốc ban hành Quyết định số 686/QĐ-TCCB và Quyết định số 726/QĐ-TCCB thành lập một tổ chức chuyên trách về thị trường chứng khoán, gọi là Ban nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn, tương đương một vụ trong bộ máy của Ngân hàng Trung ương do anh Nguyễn Đoan Hùng làm Trưởng ban.

Bản đề án đầu tiên về thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 2

Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM

Để thuận lợi cho công tác nghiên cứu và phát triển thị trường vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định điều tôi về lại Ngân hàng Trung ương, bổ nhiệm tôi lên Phó vụ trưởng, phụ trách Ban thị trường vốn tại TP.HCM. Hơn một nửa số nhân viên thuộc Phòng Tổng hợp và phân tích kinh tế của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng được điều động về Ban thị trường vốn Ngân hàng Trung ương để hoàn thiện bản đề án và tổ chức đào tạo nhân sự cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Trong thời gian này, tôi thường xuyên đi công tác, nghiên cứu thị trường chứng khoán ở nước ngoài, trong đó có những chuyến do Ngân hàng Trung ương tổ chức, nhưng đa phần là theo lời mời của các tổ chức tài chính quốc tế và các ủy ban chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán của các nước.

Các chuyến đi nghiên cứu thị trường tài chính London, Paris, Canada, Tokyo, New York… đã để lại cho tôi nhiều bài học quý, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi nghiên cứu thị trường chứng khoán Thái Lan, tháng 4/1994.

Ngày ấy, tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ Ngân hàng Trung ương đi nghiên cứu thị trường chứng khoán Thái Lan, do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan tài trợ. Hai ngày làm việc đầu tiên tại Sở giao dịch, mọi việc đều ổn, buổi sáng ngày thứ ba, làm việc tại Hiệp hội Các tổ chức môi giới chứng khoán, chúng tôi thấy cờ đỏ sao vàng Việt Nam phấp phới bay trên cột cờ giữa sân bên cạnh cờ Thái Lan và khoảng vài ba chục người, từng nhóm đang chuyện trò vui vẻ, một số người mang theo máy ảnh, máy quay phim.

Tôi đang chưa biết chuyện gì xảy ra thì ông Tổng thư ký Hiệp hội ra đón chúng tôi và tự giới thiệu: “Hôm nay, chúng tôi treo cờ Việt Nam để chào đón đoàn. Phóng viên các báo và đài phát thanh, truyền hình Thái Lan muốn phỏng vấn Trưởng đoàn về thị trường chứng khoán Việt Nam, mong ngài không từ chối”.

Thật sự bất ngờ và bối rối, nhưng rồi tôi bình tĩnh trở lại, tự suy xét vấn đề “không tiếp nhà báo thì họ xem thường, sẽ ảnh hưởng đến những ngày làm việc tiếp theo, còn tiếp họ thì nói gì đây, không cẩn thận sẽ bị sa lầy”. Do dự một lúc, tôi “liều mình” nói với ông Tổng thư ký: “Tôi sẽ tiếp họ 15 phút, để không ảnh hưởng đến chương trình làm việc sáng nay”. Ông ta vui vẻ gật đầu và dẫn chúng tôi vào phòng họp báo.

Tại buổi họp báo, câu hỏi đầu tiên: “Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, tại sao lại mở thị trường chứng khoán?”. Tôi trả lời: “Thị trường chứng khoán là một định chế tài chính của nền kinh tế thị trường. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Do đó, Việt Nam cần thiết phải có thị trường chứng khoán”.

Tôi vừa dứt lời thì câu hỏi thứ hai được đặt ra: “Chế độ xã hội chủ nghĩa không thể có cơ chế thị trường, thưa ngài?”. Tôi giải thích: “Cơ chế kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại. Đó không phải là sản phẩm riêng có của kinh tế tư bản chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa cũng có kinh tế thị trường. Việt Nam đang làm việc đó”.

Tiếp đến, câu hỏi thứ ba: “Thị trường chứng khoán Việt Nam có cho nước ngoài tham gia không, thưa ngài?”. Tôi trả lời: “Việt Nam đang thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam hoan nghênh người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư qua thị trường chứng khoán”.

Câu hỏi thứ tư: “Bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa giao dịch?”. Tôi trả lời: “Chúng tôi đang đi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường chứng khoán các nước, trong đó có thị trường chứng khoán của các bạn, chúng tôi sẽ chọn lọc những giá trị thích hợp nhất để xây dựng nên mô hình thị trường chứng khoán Việt Nam, khi hoàn thành việc đó và hội đủ các yếu tố cần thiết cho thị trường chứng khoán, chúng tôi sẽ mở cửa giao dịch”.

Sáng hôm sau, nhiều tờ báo đã thuật lại và đưa tin về cuộc họp báo “bất đắc dĩ” này. Sau khi về nước, tôi chủ động làm bản tường trình, kèm theo tờ báo tiếng Anh có bài trả lời phỏng vấn của tôi trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Những ngày sau đó, tôi hồi hộp chờ đợi thông tin phản hồi, nhưng không thấy gì cả, cả thông tin chính thức và thông tin vỉa hè. Hình như im lặng cũng là một cách nói, tôi cũng yên lòng về các câu trả lời tại cuộc họp báo của mình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã là một tòa lâu đài khá hùng vĩ, qua nhiều lần tái cơ cấu, sửa đổi, bổ sung, dấu ấn của những viên gạch đầu tiên hình như bị phai mờ. Nhưng tòa lâu đài thị trường chứng khoán Việt Nam dù có cao sang, hùng vĩ tới đâu thì cũng trên cơ sở những viên gạch nền móng, thô kệch nhưng rất đáng yêu và nó mãi mãi là nền móng về tinh thần và ý chí.

Tin bài liên quan