Đang chờ Bộ Tư pháp thẩm định
Ông Tiến cho biết, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung tái cơ cấu DNNN theo Nghị quyết 40/2015 của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015) đã được Bộ Tài chính hoàn tất và đang chờ Bộ Tư pháp thẩm định trước khi hoàn tất những khâu cuối cùng, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Sau khi bị trì hoãn ban hành trong hai tháng qua, giới đầu tư và các DN kỳ vọng, cơ chế bán cổ phần theo lô sẽ được ban hành trong tháng 6 này, để sớm đưa vào áp dụng.
Ông Tiến cho biết, theo phương án mà Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, việc bán cổ phần theo lô thực hiện đối với các DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, hoặc không cần nắm cổ phần theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ.
Bán đấu giá công khai qua Sở GDCK
“Để đảm bảo tính minh bạch của bán cổ phần theo lô, một nguyên tắc quan trọng là thực hiện qua Sở GDCK (kể cả trường hợp giá trị lô cổ phần tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng) trên cơ sở phương án bán theo lô được cấp có thẩm quyền phê duyệt…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, giá khởi điểm một cổ phần được xác định trên cơ sở kết quả định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá.
Bán đấu giá cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường, nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán một lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty.
Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định phương án bán cổ phần theo lô tại công ty cổ phần do mình làm đại diện chủ sở hữu sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Riêng với phương án bán cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau cổ phần hóa theo lô, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bán sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quyết định phê duyệt phương án bán đấu giá cổ phần theo lô được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy chế mẫu, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phối hợp với Sở GDCK xây dựng quy chế bán cổ phần theo lô của từng DN. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán ban hành quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô…
Câu hỏi mà giới đầu tư đang quan tâm là tham gia mua cổ phần theo lô, NĐT có bị hạn chế về thời hạn chuyển nhượng không; NĐT có phải chịu các ràng buộc hỗ trợ DN về kỹ thuật, mở rộng thị trường hay không, ông Tiến cho biết, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, đối tượng tham gia mua cổ phần theo lô là NĐT trong và ngoài nước có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích với DN (bao gồm cả thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần) và hỗ trợ DN nâng cao năng lực tài chính; quản trị DN; chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới…
Trường hợp NĐT có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn cam kết, thì phải được ĐHCĐ chấp thuận. Sau khi hoàn tất mua cổ phần, NĐT có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông, cũng như các cam kết gắn bó lợi ích và hỗ trợ DN trên nguyên tắc phù hợp với tiêu chí lựa chọn NĐT tham gia mua cổ phần. Trường hợp không thực hiện đúng các cam kết dẫn đến gây thiệt hại cho DN, thì NĐT phải bồi thường theo quy định của pháp luật…
“Trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công, người đại diện báo cáo cơ quan phê duyệt phương án bán cổ phần quyết định thực hiện bán cổ phần không theo lô như quy định hiện hành…”, ông Tiến trả lời cho câu hỏi cổ phần đưa ra bán đấu giá theo lô bị ế thì xử lý thế nào.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, NĐT được khảo sát tình hình hoạt động của DN để quyết định có tham gia đấu giá hay không. NĐT tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Đối tượng tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Họ được mua cổ phần với số lượng không hạn chế. Riêng các lĩnh vực, ngành nghề có quy định tỷ lệ tối đa tham gia đầu tư của NĐT nước ngoài, thì thực hiện theo quy định đó…