Bản chất doanh nghiệp nhà nước không phải là "kém hiệu quả"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Không phải doanh nghiệp nhà nước luôn làm ăn thua lỗ, hoặc bản chất doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như nhiều người nói...".
Bản chất doanh nghiệp nhà nước không phải là "kém hiệu quả"

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Tháo gỡ trở lực cho doanh nghiệp nhà nước”.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là bộ phận của nền kinh tế nhà nước, luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vô cùng sốt ruột vì nhiều dự án nằm trong các lĩnh vực quan trọng như điện, than, viễn thông, dầu khí… bị chậm do vướng mắc về quy trình thủ tục.

Bàn về thực trạng này, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết, trong năm 2022, đầu tư vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%, cao hơn mức bình quân của cả nước là 11,2% và cao hơn 8,9% của khu vực tư nhân. Năm 2021, đầu tư vốn tự có khu vực kinh tế nhà nước tăng 5%, cao hơn mức bình quân cả nước 3%, nhưng thấp hơn khu vực tư nhân khoảng 7,9%

TS. Tú Anh đánh giá, trong phạm vi quyết định của mình, các doanh nghiệp nhà nước rất nỗ lực tìm mọi cách để mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước không thể trông chờ vào vốn tự có, nếu muốn mở rộng, các đơn vị còn cần sử dụng đòn bẩy tài chính như trên thị trường vốn.

Doanh nghiệp nhà nước có nguồn vốn rất lớn là khoản đầu tư nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ. Dù vậy, trong 2 năm qua, đầu tư trái phiếu chính phủ rất chậm. Tốc độ tăng của trái phiếu chính phủ năm 2022 chỉ bằng 41,1% so với năm 2021, song tốc độ năm 2021 chỉ bằng 55,4% của năm 2020. Như vậy, năm 2022, đầu tư trái phiếu chính phủ chỉ bằng khoảng 22% của năm 2020.

Trong khi đó, khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp nhà nước khá hạn chế. Theo TS. Tú Anh, điều này xuất phát từ hai phía.

Từ bản thân các doanh nghiệp nhà nước, với những quy định chặt chẽ, các doanh nghiệp rất ngại sử dụng đòn bẩy tài chính bởi đi kèm nhiều rủi ro và trách nhiệm rất lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn sử dụng đòn bẩy tài chính thì cần phải tăng vốn điều lệ mới có khả năng thực hiện. Phía ngân hàng đôi khi cũng tỏ ra ngần ngại, bởi một trong những lý do là khả năng xử lý tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp nhà nước khá phức tạp.

Nhìn lại quá khứ, trước khi Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước khá tràn lan và tương đối tùy ý, dẫn đến sự sụp đổ của một số doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines,.. Bên cạnh đó là một loạt dự án của doanh nghiệp nhà nước đến nay chưa được xử lý.

“Luật số 69 có tác dụng rất lớn là kìm hãm sự đầu tư lan tràn và đầy rủi ro đối với doanh nghiệp nhà nước. Quá trình này có lợi là giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi. Doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã kinh doanh có lãi”, TS. Tú Anh đánh giá.

Sau khi cập nhật số liệu về các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp ghi nhận, doanh thu đầy đủ năm 2022 của các doanh nghiệp là khoảng hơn 2,4 triệu tỷ đồng. Nếu cộng cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ lên khoảng 3,4 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 248 nghìn tỷ đồng (đã trừ đi các khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực (EVN), Vietnam Airlines, Tổng Công ty Đường sắt,…)

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI là khoảng 88,5 nghìn tỷ đồng. Trong giả thuyết doanh nghiệp FDI đóng thuế 18% (có thể thấp hơn vì nhiều ưu đãi), lợi nhuận trước thuế sẽ ở khoảng 108 nghìn tỷ đồng - chưa bằng một nửa so với các doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, TS. Tú Anh nhấn mạnh, không phải doanh nghiệp nhà nước luôn làm ăn thua lỗ, hoặc bản chất doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như nhiều người nói. Sự thua lỗ của EVN, Vietnam Airlines hay Tổng Công ty Đường sắt có những nguyên nhân chủ quan nhưng phần lớn là khách quan như: Covid-19, lâu không được đầu tư,…

“Vai trò của Luật số 69 rất tốt, tuy nhiên đến hiện nay cái áo của Luật 69 là quá chật và chúng ta cần phải thay đổi nó. Hiện nay, Bộ Tài chính đang soạn thảo sửa đổi và sẽ trình Quốc hội để có thể ban hành, sửa đổi Luật 69. Sửa đổi bổ sung Luật 69 sẽ là bước đột phá lớn, làm chiếc áo cho doanh nghiệp nhà nước rộng hơn và các doanh nghiệp nhà nước có sân chơi bình đẳng hơn như chúng ta mong muốn”, TS. Tú Anh nhận định.

Tin bài liên quan