Đại gia sẵn sàng nhập cuộc
Ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) vừa có chuyến thăm Việt Nam và một trong những mục đích của chuyến đi này là tìm kiếm các cơ hội để mở rộng hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam. Hình thức có thể là thông qua mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần nhà nước ở Việt Nam.
Không giấu giếm tham vọng của mình, ông Masaki Suzuki đã chia sẻ thông tin trên với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong cuộc gặp vào sáng 25/2/2019.
Cũng theo ông Masaki Suzuki, Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của Tập đoàn tại Đông Nam Á, với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Kế hoạch trước đây, Aeon chỉ muốn xây dựng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Không chỉ Aeon, thời gian gần đây, nhiều đại gia FDI cũng đã tuyên bố sẵn sàng “nhập cuộc” đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Chẳng hạn, Tập đoàn Lenovo (Trung Quốc) mới đây đã tới Bắc Ninh để tìm kiếm cơ hội xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện máy tính diện tích khoảng 30 ha. Các sản phẩm sẽ được xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Tập đoàn Compal cũng đang thúc đẩy kế hoạch tái khởi động dự án 500 triệu USD ở Vĩnh Phúc.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư của tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các lãnh đạo các công ty Mitsubishi (Nhật Bản), VSIP (Singapore), WHA (Thái Lan)… về các kế hoạch đầu tư của họ tại Việt Nam. Trong số này, đáng chú ý là Mitsubishi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp ô tô với tỉnh Nghệ An. Cách đây 2 năm, Mitsubishi đã nghiên cứu việc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại địa phương này.
Thực tế, không chỉ các tập đoàn trên, mà trong các hội nghị xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là trong khuôn khổ các chuyến công du nước ngoài của người đứng đầu Chính phủ, rất nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chia sẻ các kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Apple có thể sẽ đầu tư một trung tâm dữ liệu 1 tỷ USD ở Việt Nam. Hoặc gần đây, đã có những đồn đoán cho rằng, Apple sẽ dịch chuyển sản xuất iPhone sang Việt Nam. Các tập đoàn như SK (Hàn Quốc), Sumitomo (Nhật Bản), hay GE, Exxon Mobil (Mỹ)… cũng sẵn sàng dốc vốn vào Việt Nam…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, làm sao để có thể thúc đẩy các nhà đầu tư này nhanh chóng biến kế hoạch thành hành động?
Bàn cách “chơi” với ông lớn FDI
Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh rằng, một trong những hạn chế trong thu hút FDI của Việt Nam là vẫn thu hút được một số lượng chưa lớn các tập đoàn tầm cỡ trên toàn cầu. Hiện mới chỉ có khoảng 100 tập đoàn trong nhóm Fortune 500 của thế giới đầu tư ở Việt Nam, trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là trên 400.
Chính vì vậy, trong định hướng chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới việc thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn này. Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động chuyển hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả FDI trong giai đoạn tới cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.
Cụ thể, sẽ tăng cường thu hút vốn FDI quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia từ các nước công nghiệp phát triển vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp tương lai và dịch vụ tiên tiến để nâng cấp năng lực công nghệ quốc gia.
Liên quan vấn đề này, khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các địa phương để hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút FDI giai đoạn tới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP.HCM để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cũng nhắc tới điều này và bày tỏ mong muốn có những chính sách riêng để thu hút được “những đối tác đặc biệt”.
Trên thực tế, điều này đã được nhắc đến từ lâu.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhiều lần đề xuất việc cho phép các tập đoàn lớn được “mặc cả”, “đàm phán” ưu đãi. Hiện tại, các tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam, như Intel, Samsung, LG - mặc dù có dư luận cho rằng, đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, nhưng thực tế, các ưu đãi này đều nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Ông Trần Đình Thiên cũng muốn nhắc đến những thể chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn nữa để thu hút được nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam đầu tư. Bởi sự xuất hiện của các tập đoàn này sẽ kéo theo các nhà đầu tư vệ tinh và các tập đoàn lớn sẽ không chỉ mang đến Việt Nam vốn, mà còn là công nghệ, năng lực quản trị...
Tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia, thì Việt Nam hiện mới tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất, chứ chưa có nhiều dự án ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)... Trong bối cảnh mới, Việt Nam cũng cần tập trung thu hút FDI trong lĩnh vực này.